Người Israel biết nhiều về Việt Nam và hiến kế thúc đẩy quan hệ 2 nước
Trong chuyến thăm Israel mới đây, tôi khá bất ngờ khi thấy nhiều công dân của đất nước Tây Á này biết đến Việt Nam và dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam. Nhiều người trong số họ từng du lịch sang Việt Nam. Không những vậy, họ còn nhiệt tình hiến 'kế hay' để thúc đẩy hơn nữa quan hệ giữa hai quốc gia.
Tại sân bay quốc tế Ben Gurion (Tel Aviv, Israel), quy trình kiểm tra an ninh vô cùng chặt chẽ, có lẽ thuộc diện hàng đầu thế giới do hoàn cảnh đặc biệt của quốc gia này. Tuy nhiên, khi biết tôi đến từ Việt Nam, các nhân viên an ninh hàng không tại đây dường như niềm nở hơn. “Ồ, Việt Nam à?”. Họ nhiệt tình hỗ trợ quy trình làm thủ tục. Rồi có người trong số họ vừa kiểm tra hành lý của tôi, vừa vui vẻ bảo “tôi từng đến Việt Nam, đến thăm nơi này nơi kia…”.

Bên trong sân bay Ben Gurion, Tel Aviv (Israel). Ảnh: Trung Hiếu.
Trong suốt thời gian công tác ở Israel hồi cuối tháng 3/2025, tôi đã được chứng kiến sự hồ hởi, thân tình của nhiều người Israel khi họ biết tôi từ Việt Nam sang. Ai trong số họ, từ chị lao công đến ông giám đốc một công ty lớn, cũng biết về Việt Nam.
Gil Bader (công ty Foretech, Israel) bận rộn giới thiệu với các khách tham quan khi đến gian hàng công ty của chị tại triển lãm bên lề Hội nghị quốc tế về an ninh mạng và đổi mới sáng tạo “Cybertech Global Tel Aviv 2025”. Khi nhận ra tôi là người Việt Nam, Gil cười thật tươi và nói rằng mình từng cùng bạn sang Việt Nam du lịch trước khi kết hôn. Chị còn nhiệt tình giới thiệu tôi với Tổng giám đốc của Foretech, Alon Yaacov, đứng cạnh đó, là người đam mê du lịch ở Việt Nam. Alon sau đó mở điện thoại cho tôi xem các bức ảnh ông đi phượt bằng xe máy tại nhiều địa phương ở Việt Nam. Cả Gil và Alon đều khẳng định sẽ còn thăm Việt Nam.

Chị Gil Bader (bìa phải) đang giới thiệu về công ty mình với khách tham quan. Ảnh: Trung Hiếu.
Cũng bên lề sự kiện Cybertech nói trên, anh Diego Breltei thuộc công ty an ninh mạng Matrix (Israel) chia sẻ với phóng viên VOV.VN: “Tôi chưa có dịp đến Việt Nam nhưng lần tới sẽ tới. Quan hệ giữa 2 nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việt Nam được xem như một con hổ đang thức giấc của phương Đông, quan hệ giữa hai bên cần được tăng cường hơn nữa”.
Đồng nghiệp của Diego trong cùng công ty, chị Sharon Ekshten thì cho biết: “Con trai tôi mới đến Việt Nam khoảng 2 tháng. Cậu ấy trở về với nhiều trải nghiệm thú vị. Tôi muốn sắp tới có chuyến du lịch của cả gia đình tới Việt Nam. Sẽ là một tour đến Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Cá nhân tôi đã tìm hiểu về Việt Nam qua mạng internet. Cảnh thiên nhiên tại đây rất đẹp, đa dạng”.
Bản sắc Việt Nam rất mạnh và nhiều nét gần gũi với văn hóa Israel
Anh Guy Istamati thuộc bộ phận tuyển dụng nhân lực và marketing của công ty Orca Security (Israel) cho biết, anh từng ở Việt Nam trong 2 tháng vào năm 2008, đi từ Bắc vào Nam, thăm nhiều địa điểm bao gồm vịnh Hạ Long, thành phố Hồ Chí Minh…

Anh Guy Istamati khoe với phóng viên VOV.VN bức ảnh chụp anh đang đội nón và gánh hàng rong khi du lịch tại Việt Nam. Ảnh: Trung Hiếu.
Trong mắt Guy, Việt Nam “rất thật và tự nhiên”. Anh nói: “Xét trong cả Đông Nam Á, tôi thấy Việt Nam không bị Tây phương hóa, không bị thương mại hóa. Nhiều cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ. Cảnh đẹp ở Việt Nam làm tôi ấn tượng. Tôi muốn trở lại đây”.
Guy chia sẻ, anh yêu thích ẩm thực Việt Nam, đặc biệt là món nem rán. Anh kể, bản thân mình hay trực tiếp đến nhà hàng để ăn món ăn Việt hoặc đặt hàng món ăn Việt “ship” về tận nhà. Các thành viên trong gia đình Guy cũng yêu thích ẩm thực Việt.
Theo Guy, ở Israel có nhiều nhà hàng Đông Nam Á phục vụ các món ăn ngon và người dân cũng hay ăn các món ẩm thực Đông Nam Á.
Guy nhận xét, có nhiều điểm tương đồng giữa văn hóa, lịch sử của Việt Nam và Israel. “Cả hai nước chúng ta đều có cá tính mạnh mẽ, bản sắc sâu đậm, cùng phải tự vệ trước nhiều kẻ thù đông hơn, mạnh hơn”.
Guy chia sẻ tiếp: Nhiều người Israel biết về Việt Nam và ẩm thực Việt Nam. Thanh niên Israel sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều lựa chọn đi du lịch, như tới Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Nếu tới Đông Nam Á, họ phải tới Việt Nam.
Theo Guy, để tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước thì có lẽ cần làm điều gì đó để có thêm nhiều người Việt Nam hiểu biết về Israel.
“Việt Nam cần trở thành điểm đến hàng đầu của du khách Israel”
Chị Daffy Wegner, phụ trách truyền thông tại công ty an ninh mạng Check Point ở Tel Aviv, chia sẻ với phóng viên VOV.VN: “Tôi đã tới Việt Nam ba lần. Lần đầu khi 6 tuổi, đi cùng gia đình. Vẫn nhớ mãi xúc cảm khi ấy. Nền văn hóa Việt gây ấn tượng mạnh cho tôi. Ký ức về Việt Nam, văn hóa Việt Nam, ẩm thực ở đây đã lôi kéo tôi đến chuyến thăm Việt Nam thứ 2, vào năm 2013, sau khi tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Lần đó tôi sang chơi bên Ấn Độ 2 tháng rồi du lịch 1 tháng tại Việt Nam. Lần thứ 3, vào năm 2019, ngay trước đại dịch Covid-19, tôi đến Việt Nam cùng vị hôn phu để hưởng tuần trăng mật. Chúng tôi bắt đầu từ Hà Nội, đi Hội An, rồi trở lại Cát Bà, thăm Ninh Bình và tất nhiên cả Sa Pa nữa”.

Chị Daffy Wegner tại trụ sở hãng Check Point khi trả lời phỏng vấn của VOV. Ảnh: Trung Hiếu.
Daffy cho biết, chị đã đi nhiều nơi, như Indonesia, Philippines rồi Ấn Độ, Mexico nhưng Việt Nam thực sự là điểm đến ưa thích của chị. “Văn hóa ở Việt Nam, ở những ngôi làng tại Ninh Bình và Cát Bà rất độc đáo mà tôi chưa từng thấy ở đâu trên thế giới. Người dân cũng rất phúc hậu. Thực phẩm thì tuyệt vời”.
Daffy thổ lộ mình muốn đến Việt Nam một lần nữa. “Tôi mới sinh một bé trai, cháu được 9 tháng tuổi. Vợ chồng tôi định đưa cả cháu đi cùng, trong chuyến du lịch sang Thái Lan và Việt Nam vào tháng 9 tới đây”.
Daffy cho rằng quan hệ Việt Nam - Israel đang rất tốt đẹp và có tiềm năng để tốt đẹp hơn nữa.
Daffy chia sẻ tiếp: “Tại Israel, gần như ai cũng biết về Việt Nam. Người dân Israel sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đều muốn thực hiện một chuyến du lịch lớn ra nước ngoài. Họ thường tới 2 nơi, trong thời gian tới 4-5 tháng, đó là Ấn Độ và Nam Mỹ. Và tôi nghĩ Việt Nam có khả năng và nên nỗ lực để giành lấy vị trí đó, để trở thành điểm đến số 1 của du khách Israel. Bởi vì, Việt Nam có nền văn hóa rất đặc sắc và có đầy đủ những cơ sở hạ tầng mà Ấn Độ chưa có”.
Theo Daffy, Ấn Độ rất biết cách làm du lịch khi bên đó có những tấm biển viết bằng tiếng Hebrew (ngôn ngữ chính thức của Israel) và nhiều người dân địa phương cũng biết tiếng Hebrew. Daffy ước tính có lẽ tới 2 triệu người Israel đã sang Ấn Độ sau khi rời quân ngũ, tương ứng với nguồn tiền lớn từ Israel chảy vào Ấn Độ qua kênh du lịch.
Daffy tin tưởng rằng Việt Nam có thể phấn đấu để trở thành không những là điểm đến thứ 3 mà còn thậm chí điểm đến số 1 của du khách Israel. Và chị chân thành mong muốn như vậy.