Người ít nguy cơ, không triệu chứng thì không cần xét nghiệm Covid-19, tránh lãng phí!
Với sự tăng đột biến của các ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nhiều địa phương, nhu cầu mua kit test nhanh cũng trở nên 'bùng nổ'. Tuy nhiên hiện nay, việc nhiều người dân quá lạm dụng việc xét nghiệm đã dẫn tới tình trạng thổi giá, loạn giá và khan hiếm kit test.
Chị Đào Thư (Hoàng Mai, Hà Nội) một người nhập sỉ kit test cho biết: “Tuần trước nhập sỉ cả kiện khoảng 1.000 test giá chỉ đầu 4 (tương đương 40.000 - 49.000 nghìn đồng/test) thì đến nay giá nhập cả kiện đã tăng thêm từ 10.000 - 20.000 đồng tùy loại. Giá nhập kiện cao nhưng còn có tình trạng không có hàng để nhập, thậm chí một số người còn bán đấu giá để ai trả cao thì mua được”.
Người dân xếp hàng chờ mua kít test tại Hà Nội. Ảnh: Công Hiếu
Bài liên quan
Kit test nhanh, thuốc điều trị COVID-19 được bán tràn lan bởi “dược sĩ mạng”
Nóng 18h: Kit test Covid-19 tăng giá mạnh, Hà Nội chỉ đạo hỏa tốc
Nóng 18h: Xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán thuốc điều trị COVID-19, kit test không rõ nguồn gốc
Chị cho biết, mấy ngày trước chị nhập tạm 20 hộp test Biocredit của Hàn Quốc với giá 68.000 đồng và bán ra với giá 75.000-80.000 đồng/bộ tùy số lượng. Trong khi trước đó một tuần, loại kít test như này chỉ có giá 52.000 đồng.
Anh Tạ Tú Thành (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, số mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng mạnh những ngày qua khiến anh rất lo lắng cho sức khỏe của gia đình, để đảm bảo an toàn anh đã tìm mua kít test và thực hiện test cho gia đình, chỉ trong vòng hơn 10 ngày qua số tiền mua kít test nhanh cũng đã lên đến tiền triệu.
Chị Lê Thị Hằng (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) làm dịch vụ nghỉ dưỡng du lịch, thường xuyên tiếp xúc với du khách, do lo lắng cho sức khỏe nên cứ vài ngày chị lại mua kít test để xét nghiệm cho bản thân cũng như người nhà.
Trước thực tế hiện đang xảy ra tình trạng khan hiếm kit test Covid-19 tại Hà Nội và nhiều địa phương, các chuyên gia đưa ra lời khuyên người dân không nên lạm dụng việc xét nghiệm và chỉ mua và sử dụng kít xét nghiệm khi cần, thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trả lời báo chí, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, việc người dân lạm dụng test xét nghiệm là lãng phí. Đơn cử, nhiều trường hợp vừa tiếp xúc với F0 buổi sáng đến buổi chiều đã test Covid-19 thì không giải quyết được việc gì mà gây tốn kém. Do đó, ngay cả khi tiếp xúc gần với F0 cũng không cần thiết phải xét nghiệm ngay.
“Ít nhất phải 2 ngày sau khi tiếp xúc gần với F0, khi test mới có thể cho kết quả dương tính. Nếu xét nghiệm lần đầu âm tính thì tối thiểu phải 2-3 ngày sau mới test lần 2. Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, với F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin phòng Covid-19 thì thực hiện cách ly y tế 5 ngày tại nhà, kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng. F1 này chỉ cần thực hiện xét nghiệm vào ngày cách ly thứ 5. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K”, ông Khổng Minh Tuấn lưu ý.
Ông Phạm Quang Hòa - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho rằng: Ngành y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể, các đối tượng phải xác định được mình là F1 theo quy định của Bộ Y tế, phải tiếp xúc gần, có thời gian tiếp xúc lâu, không đeo khẩu trang...với F0, khi xác định mình là F1 thì mới nên test, và không phải ngày nào cũng test mà 2,3 ngày sau mới test...
"Người dân không nên quá lo lắng, dẫn đến tìm mua kit test trôi nổi trên thị trường, mà nên mua các kit test ở những đơn vị và danh mục đã được Bộ Y tế thẩm định cấp phép lưu hành thì mới cho kết quả chính xác, việc người dân lo lắng, hoang mang mua kit test ngày nào cũng test gây lãng phí, không hiệu quả.", ông Hòa chia sẻ.
Cùng quan điểm BSCK II Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho rằng: "Thời gian ủ bệnh 2 đến 14 ngày, vì vậy nếu vừa tiếp xúc xong mà test luôn thì đương nhiên có thể là âm tính giả, lúc này nếu làm xét nghiệm trong vị trí lấy mẫu xét nghiệm ở mũi không đủ nồng độ vi rút để cho kết quả chính xác, vì vậy nên làm xét nghiệm trong thời gian ủ bệnh và cũng không nên xét nghiệm liên tục sát nhau".
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng: Hiện nay dịch đã lây lan trong cộng đông, lây nhiễm lúc nào cũng có thể xảy ra cho nên không thể test thường xuyên được, vì chúng ta không biết ai là F0. Chủ yếu là thực hiện nghiêm 5K giữ gìn cho bản thân và cộng đồng. Chỉ thực hiện xét nghiệm khi có triệu chứng và nghi nhiễm chứng không phải lúc nào cũng xét nghiệm. Người không nguy cơ, ít nguy cơ, không triệu chứng, thì không cần xét nghiệm Covid-19, tránh lãng phí.
"Khi tiếp xúc gần với F0 ít nhất phải 2 đến 3 ngày sau test mới có thể cho kết quả dương tính vì vậy người dân test ngay cũng không có kết quả chính xác. Cũng đã có nhiều trường học khi phát hiện 1 học sinh F0 trong ngày đầu đi học lại đã lập tức thực hiện test ngay hết toàn bộ, điều này không có tác dụng.", vị chuyên gia chia sẻ.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, hiện nay có hiện tượng cháy hàng kit test khắp nơi, giá bán cũng tăng lên chính vì vậy để bảo đảm công tác chống dịch lâu dài người dân chỉ mua và sử dụng kit xét nghiệm khi cần.
Hiện, Bộ Y tế đã hướng dẫn rất cụ thể đối với trường hợp nguy cơ (F1), trường hợp bị nhiễm (F0), công khai trên cổng thông tin điện tử. Người dân cần nghiên cứu các hướng dẫn này, mua và sử dụng kít xét nghiệm khi cần. Ngoài ra, nên mua và sử dụng kít test có nguồn gốc rõ ràng, thuộc danh sách sản phẩm đã được Bộ Y tế cấp phép, có nhãn mác đầy đủ thông tin và tài liệu hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.