Người kể chuyện sỏi đá
“Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, theo nghĩa đen, cuộc đời tôi chính là như vậy. Là con út trong gia đình có 7 anh chị em, học hết lớp 9 thì tôi phải nghỉ học. Gia đình khó khăn, cha mẹ không thể cho tất cả anh chị em chúng tôi được đến trường. Thế nhưng tôi vẫn luôn biết hơn vì chúng tôi được dạy trở thành một người tử tế. Tôi chưa từng nghĩ sẽ có một ngày mình biến những tảng đá vô tri xung quanh nhà thành những đồ thủ công như bây giờ. Vậy mà giờ đây, sỏi đá đã thay đổi cuộc đời tôi và đang cùng tôi viết những ước mơ dần trở thành hiện thực”.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi với chàng trai Ma Văn Sáu đã bắt đầu như thế - trong một ngày mưa mùa thu, tại xưởng sản xuất nhỏ tựa lưng vào đồi cây xanh mát. Đó cũng là nơi anh lên ý tưởng và sáng tạo những sản phẩm của riêng mình.
Sáu cho biết, ngày xưa nơi này được mọi người gọi là thôn Đá Mài vì đá có ở khắp mọi nơi, người ta nhặt về mài dao, kéo, lưỡi cày, cả chục năm mới phải thay đá một lần vì chất đá ở đây tốt lắm. Nhưng cũng chính vì quá nhiều và quen thuộc nên chả có ai để ý đến chúng, cũng không ai có ý định chế tác nó thành sản phẩm thủ công đem bán kiếm thêm thu nhập.
Thậm chí nhiều tảng đá to ở trên nương, trên rẫy bị người ta ghét bỏ vì chiếm nhiều diện tích, làm nông dân khó làm đất, canh tác. Ý tưởng biến những khối đá thành sản phẩm có giá trị cũng đến trong một ngày mưa, nơi con suối chảy quanh nhà mùa nước lớn mài nhẵn nhưng khối đá, biến chúng thành tác phẩm độc đáo của mẹ thiên nhiên.
Vừa miệt mài đục đẽo với những khối đá, anh Sáu vừa bảo, đá ở trong thôn này có một đặc điểm là khi bị nung, đốt không nổ, chất đá rất dai thích hợp để tạo hình và cho ra nhiều sản phẩm với các mục đích sử dụng khác nhau. Hiện nay, anh đã sáng tạo hơn 80 sản phẩm từ đá và con số này vẫn đang không ngừng tăng lên trước sự đón nhận của thị trường và người tiêu dùng.
Cầm trên tay chiếc cối đá, sản phẩm chủ lực của mình, chàng thanh niên 9x tâm sự, không phải ngẫu nhiên sản phẩm đầu tiên mình làm ra lại là cối đá, bởi vì nó là thứ quen thuộc nhất, nhà nào cũng cần. Sau khi nghiên cứu nhiều mẫu cối, Sáu đã cải tiến để chiếc cối sâu lòng hơn, cán chày vừa với tay cầm để đỡ mỏi, chỉ một chút cải tiến thôi đã giúp sản phẩn khi giã đồ không bị vương vãi, phụ nữ dùng cũng thuận tay. Sáu bảo, phải đặt cái tâm mình vào công việc thì mỗi sản phẩm làm ra mới hoàn hảo, chỉn chu và được nhiều người đón nhận.
Từ thành công này Sáu tiếp tục sáng tạo, anh cho ra đời thêm các sản phẩm bồn lavabo bằng đá đen, đĩa đá hình quả xoài đựng hoa quả, bát đá giữ nhiệt, các dụng cụ làm bếp bằng đá như xẻng xào, muôi, thìa, dĩa... Rồi Sáu tự mình đi tìm đá suối về khoan, đục, khoét rỗng để làm chậu cây bonsai đủ kích cỡ, làm đèn đá nghệ thuật. Những khối đá cuội thạch anh được làm mỏng đến độ có thể để ánh sáng xuyên qua tạo nên chiếc đèn trang trí độc đáo. Sáu bảo, những sản phẩm này được các spa, homestay yêu thích bởi cảm giác thuần tự nhiên pha lẫn với chất nghệ thuật nguyên bản, tạo điểm nhấn cho không gian thư giãn.
Trong quá trình làm sản phẩm gần như không có thứ gì bị bỏ đi, những mẩu đá vụn, dư thừa trong quá trình làm được thu gom để làm đá mài ở các xưởng cơ khí. Giá mỗi sản phẩm đá mài ấy chỉ 2 đến 3 nghìn đồng nhưng lại là một điểm nhấn để khách hàng lựa chọn khi mua online và thu hút họ quan tâm đến các sản phẩm khác khi đã mua được 1 sản phẩm giá rẻ mà hiệu quả.
Là một chàng trai 9x nhanh nhạy, anh Sáu cũng nhanh chóng tiếp cận với thương mại điện tử. Các trang Shopee, Sendo, Tiki đều xuất hiện sản phẩm của Sáu với cái tên “Đá tự nhiên Lâm Vũ”. Bắt đầu bán online từ năm 2022 nhưng hiện nay tất cả các sản phẩm đá của Sáu đều có lượt mua rất lớn, với các sản phẩm nhỏ có người vào tận nơi lấy hàng, sản phẩm có khối lượng lớn thì anh gom hàng rồi chở ra bưu cục của Viettel tại km25.
Anh cũng tự mình live bán sản phẩm trên Facebook và Tiktok hàng tuần để khách hàng luôn nhớ và ấn tượng với thương hiệu. Hiện nay, Sáu cũng đã thiết lập được 12 đầu nhập sỉ sản phẩm ở các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, trung bình mỗi tháng có hơn 2 tấn sản phẩm đá được xuất đi.
Ở một vùng quê còn nhiều khó khăn, đất cằn sỏi đá, sự nghiệp mà Ma Văn Sáu đang gây dựng như một điểm sáng của sự nỗ lực bền bỉ, của tinh thần thanh niên khởi nghiệp không ngại gian khó, biết tận dụng nguồn tài nguyên xung quanh và ứng dựng công nghệ số để phát triển.
Thành công của Sáu ngày hôm nay không đến một cách dễ dàng, để chạm tay vào hai chữ thành công ấy đối với Sáu là một quãng thời gian rất dài. Trong buổi lễ kết nạp vào Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của gần 20 năm trước khi được hát Đoàn ca vang lời Bác dạy: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”, thanh âm ấy đã được khắc sâu vào trái tim của Sáu, để anh luôn lấy đó làm động lực tiến lên. Thanh niên sức dài vai rộng, chỉ cần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thì việc gì cũng sẽ thành công.
Khi Sáu hơn 20 tuổi mẹ anh bị bệnh nặng, anh tạm gác ước mơ khởi nghiệp và xin đi làm công nhân xây dựng tại Công ty Sông Đà, suốt 7 năm liền anh tích góp từng đồng tiền lương gửi về để chữa bệnh cho mẹ. 4 năm trước, anh gom hết tiền trong nhà để mẹ phẫu thuật, thế nhưng bệnh tật quái ác không thể giữ chân người mẹ hiền ở lại. Nuốt nước mắt vào trong, anh mới trở về quê hương, khởi nghiệp từ chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Những ngày đầu bắt tay vào làm, chưa có tiền mua nhiều công cụ hỗ trợ, bàn tay Sáu lúc nào cũng phồng rộp lên vì đục đẽo cả ngày, cứ ngơi tay đục anh lại đi vần đá ở trên nương, trên suối về nhà. Khi những sản phẩm đầu tiên bán đi cũng là lúc xưởng sản xuất nhỏ dần hình thành. Hành trình đi quảng bá sản phẩm của mình. Sáu mang sản phẩm tới các homestay và hội chợ ở các tỉnh lân cận để bán. Điều hạnh phúc là trên hành trình gian nan đó cả nhà luôn sát cánh và ủng hộ anh trên con đường lập nghiệp.
Khi đá tự nhiên Lâm Vũ bắt đầu có tiếng, anh đã mở thêm 1 xưởng sản xuất ở gần nhà và thuê thêm 4 nhân công để làm sản phẩm với mức lương từ 200 đến 300 nghìn đồng/ngày. Anh là người trực tiếp lên ý tưởng, thử nghiệm các sản phẩm mẫu mới cho mọi người thực hiện. Nhờ những chuyến đi xa anh cũng đã tìm được nguồn đá và sỏi đẹp ở huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, anh thuê người dân ở đây nhặt đá, sỏi trắng rồi thu mua với mức giá từ 3 đến 5 nghìn đồng/kg, giúp người dân ở đây có thêm thu nhập.
Dù bận rộn với công việc sáng tạo sản phẩm và kinh doanh, anh Ma Văn Sáu vẫn đảm nhiệm vai trò là Phó bí thư Chi đoàn thôn. Anh dạy cho rất nhiều bạn trẻ trong thôn, trong xã cách bán hàng trên các trang thương mại điện tử, livestream trên Tiktok, nhiều bạn áp dụng và đã thành công, bán được hàng và có thêm thu nhập. Những bạn có tay nghề khéo được anh nhận vào xưởng, dạy chế tác để sau này có thể tự mình lập nghiệp.
Sáu chia sẻ, như lời mà Bác Hồ đã dạy thanh niên “Chỉ sợ lòng không bền”, nếu như anh không bền tâm, vững chí thì ngày hôm nay sẽ không bao giờ đến. Đá không có người đá mãi là đá, nhưng có bàn tay khối óc của con người nhào nặn, đá trở thành “cơm ăn, nước uống”, thành nguồn sống nuôi cả gia đình, góp sức phát triển quê hương. Hùng Đức còn nhiều khó khăn và chủ nhân của thương hiệu đá Lâm Vũ hy vọng mình sẽ góp phần nhỏ bé để quê hương vươn lên, để người dân trong tỉnh biết đến sản phẩn thủ công của địa phương, đồng thời tiếp cận đến du khách như một món quà lưu niệm của mảnh đất Tuyên Quang xinh đẹp.