Người kéo lá cờ đỏ sao vàng lên nóc dinh Tỉnh trưởng Biên Hòa ngày ấy...
Đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa (tự Xược) sinh năm 1909, quê ở H.Tân Uyên, lớn lên ở làng Bình Ý, tổng Phước Vĩnh Trung, Q.Châu Thành, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai).
Xuất thân trong một gia đình công chức, đang đi học, chịu ảnh hưởng của phong trào học sinh - sinh viên để tang cụ Phan Chu Trinh và đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu (năm 1925), Nguyễn Văn Nghĩa đã bỏ học lên Sài Gòn làm việc và tham gia phong trào cách mạng.
Năm 1930, theo gương nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Nghĩa đi bán dầu cù là khắp các tỉnh Nam kỳ và sang cả Campuchia để tuyên truyền cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, vận động đồng bào đấu tranh đòi tự do dân chủ, cải thiện thể chế chính trị ở thuộc địa. Năm 1931, Nguyễn Văn Nghĩa liên lạc được với tổ chức cộng sản ở Nam kỳ, ông tích cực hoạt động, mang truyền đơn, tài liệu, cờ Đảng về gây dựng cơ sở cách mạng ở TX.Biên Hòa, TT.Tân Uyên, ga xe lửa Dĩ An, Nhà máy Cưa BIF Tân Mai... Năm 1936, Nguyễn Văn Nghĩa làm việc cho các tờ báo của Đảng La Lutte (Tranh đấu), L’Avangarde (Tiên Phong), Le Peuple (Dân chúng)... vận động, tuyên truyền chủ trương thành lập Ủy ban Hành động tỉnh Biên Hòa. Ông đã cùng đồng chí Phạm Văn Khoai in, phát hành hàng ngàn tờ truyền đơn tuyên truyền cho phong trào đấu tranh của Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Nguyễn Văn Nghĩa là một trong những người cộng sản lớp đầu của tỉnh, tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, hô hào đấu tranh đòi tự do dân chủ.
Đầu tháng 9- 1936, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa và đồng chí Dương Bạch Mai được Ủy ban Trù bị Đông Dương Đại hội cử về chỉ đạo phong trào cách mạng ở Biên Hòa. Ông đã cùng với các đồng chí Huỳnh Văn Lũy, Phạm Văn Khoai, Phạm Văn Thuận, Hồ Văn Đại... trong Chi bộ Bình Phước - Tân Triều họp bàn thực hiện quyết định của Trung ương. Cũng trong tháng 9-1936, Ủy ban Hành động tỉnh Biên Hòa tổ chức cuộc mít tinh tại Gò Dê (Vĩnh Cửu) với hơn 200 đồng bào đến dự, mở đầu cho phong trào vận động đòi dân chủ ở Biên Hòa. Đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa đã đại diện Ủy ban Hành động tỉnh Biên Hòa đứng ra diễn thuyết kêu gọi nhân dân ủng hộ Đông Dương Đại hội, đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ. Ông đã có những đóng góp tích cực trong phong trào cách mạng 1936-1939 ở Biên Hòa cũng như việc thành lập Tỉnh ủy Biên Hòa trước đây.
Trong khí thế sôi sục cùng cả nước đứng lên làm Cách mạng Tháng Tám, ở Biên Hòa công việc tiến hành khởi nghĩa được tích cực chuẩn bị. Sáng 26-8-1945, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa đã dẫn đầu hàng trăm quần chúng kéo vào dinh Tỉnh trưởng Biên Hòa, treo lá cờ đỏ sao vàng lên nóc dinh. Sự kiện này sớm hơn kế hoạch của Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Biên Hòa nhưng đã góp phần quan trọng làm cách mạng thành công, giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày 24-8-1945, thực dân Pháp tái chiếm Biên Hòa. Tháng 12-1945, Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa rút vào hoạt động bí mật. Đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa được cử làm Chủ tịch Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa. Ông kiên cường bám cơ sở, củng cố Mặt trận Việt Minh, xây dựng lực lượng kháng chiến, vận động nhân dân, huy động sức mạnh toàn dân tham gia cuộc kháng chiến của dân tộc.
Đầu năm 1946, trong chuyến đi công tác ở vùng ven TX.Biên Hòa, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa bị giặc bắt. Giặc Pháp dùng mọi cực hình tra khảo nhưng không khuất phục nổi ông. Chúng đã hèn hạ đem ông ra bắn tại cầu Ghềnh (Biên Hòa).
Khí phách lẫm liệt trước kẻ thù của đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa đã cổ vũ lớp lớp người lên đường kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược. Cuối năm 1949, Tỉnh ủy Biên Hòa quyết định lấy tên ông đặt cho bộ đội địa phương H.Tân Uyên (lúc đó thuộc tỉnh Biên Hòa) gọi là Bộ đội Nguyễn Văn Nghĩa - đơn vị này là đại đội đặc công đầu tiên ở Nam bộ. Ghi nhận công lao của Nguyễn Văn Nghĩa đối với cách mạng, tên ông được đặt cho một con đường ở P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điều rất có ý nghĩa nữa là xã Bình Lợi, quê ông Nguyễn Văn Nghĩa cũng là nơi sinh ra hai nhà văn lớn của xứ Đồng Nai - Nam Bộ: nhà văn Lý Văn Sâm và nhà văn Hoàng Văn Bổn. Nhà văn Lý Văn Sâm hoạt động cách mạng trước năm 1945, là Thư ký Ủy ban Lâm thời tỉnh Biên Hòa buổi đầu khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8-1945, trong kháng chiến chống Mỹ, ông là Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng. Còn nhà văn Hoàng Văn Bổn tham gia kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ cùng hai cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế sau năm 1975. Hai nhà văn đều được đặt tên đường ở Biên Hòa, Đồng Nai. Công lao, tên tuổi các ông đã làm rạng danh quê hương xứ sở.