Người khiếm thị ở TP.HCM chống chọi với dịch Covid-19, khó khăn chồng chất
Để mưu sinh đa số những người khiếm thị chọn nghề bán vé số hoặc massage. Khi dịch Covid-19 bùng lên tại TP.HCM, họ buộc phải nghỉ việc. Lúc này, chuyện lo bữa ăn thực sự là gánh nặng đối với gia đình họ.
Trong con hẻm nhỏ 194/4/9 trên đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh, TP.HCM) là nơi ở trọ của hàng chục người khiếm thị. Do cuộc sống ở quê nhà khó khăn, họ lên TP.HCM và chọn đây làm nơi tá túc.
Để mưu sinh, người thì làm massage, người bán vé số. Dịch Covid-19 bùng phát, đa số họ phải nghỉ việc.
Nằm lặng im nghe tin tức thời sự từ chiếc điện thoại cũ mèm, thấy khách vào nhà, anh Nguyễn Chí Nghĩa lật đật ngồi dậy và lấy khẩu trang đeo. Cạnh đó, vợ anh đang lụi cụi nhặt rau. Cả hai vợ chồng anh đều khiếm thị, mưu sinh bằng nghề bán vé số tại các chợ quanh quận Bình Thạnh và Phú Nhuận.
Nửa tháng nay, do dịch bệnh hoành hành, nhiều chợ đóng cửa, vợ chồng anh Nghĩa cũng phải nghỉ bán. Nén tiếng thở dài, anh Nghĩa lo lắng khi sắp tới thời hạn trả tiền thuê nhà, điện, nước mà tiền bạc trong nhà đã cạn kiệt.
Hai vợ chồng anh có 2 người con, nhưng do quá khó khăn anh chị phải gửi một đứa con cho em gái ở Đà Lạt nuôi dùm.
Hồi chưa dịch, hai vợ chồng anh chị chăm chỉ bán từ sáng đến tối cũng kiếm được khoảng 200 trăm nghìn, đủ tiền trang trải cho cuộc sống.
“Giờ có gì ăn đó, lâu lâu có nhà hảo tâm tới cho vài ký gạo, ít mì gói, trứng nên cũng gắng gượng qua ngày. Nếu dịch không giảm, không biết chúng tôi sống sao đây”, anh Nghĩa thở dài nói.
Lặng lẽ ăn chén cơm nguội, cùng với vài miếng đậu hũ, khuôn mặt toát lên sự lo lắng, chị Đinh Thu Hiền (quê Bến Tre) cho biết, cơ sở massage cho người khiếm thị nơi chị làm đã dừng hoạt động 2 tháng nay.
“Đã nghèo còn gặp cái eo”, mấy ngày nay chồng chị lại bị tai nạn. Hết tiền, chị đành đưa chồng tới bệnh viện khâu lại vết thương rồi về tự uống thuốc tại nhà.
Cũng như vợ chồng anh Nghĩa, vợ chồng chị thỉnh thoảng cũng được các mạnh thường quân tới cho ít gạo, mì, trứng.
“Lần dịch trước được hỗ trợ nhiều hơn, lần này ít lắm, giờ ai cũng khó khăn cả, chỉ mong mau mau hết dịch chứ kéo dài như thế này là chúng tôi khó có bữa ăn”, chị Hiền lo lắng nói.
Cách đó mấy căn là phòng trọ của vợ chồng chị Phú Thị Thúy Loan. Dù không nhìn thấy gì, nhưng chị Loan vẫn thoăn thoắt làm cơm trưa để chồng về ăn.
“Chồng tôi thường bán vé số ở các chợ quanh đây, dịch quá họ đóng cửa hết, anh ấy phải ra các ngã 4 đứng bán, mà chậm lắm, thu nhập chỉ bằng 1/3 so với trước. Biết ra đường giờ nguy hiểm lắm nhưng vì miếng cơm cho cả nhà mà anh ấy vẫn ráng phải đi”, chị Loan kể về chồng.
Cùng hoàn cảnh khiếm thị, sau khi làm đám cưới, vợ chồng chị dắt díu nhau từ An Giang lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo. Dù còn khó khăn nhưng cũng đủ cho cuộc sống của hai vợ chồng và 2 đứa con.
Dịch ập tới, việc kiếm đủ tiền ăn ngày 3 bữa đối với gia đình chị thực sự là một gánh nặng. Buộc lòng, vợ chị phải gửi một đứa con về ngoại nhờ nuôi giúp.
Trong tình cảnh dịch bệnh này, đối với những người bình thường đã thấy khó khăn, đối với những người khiếm thị cuộc sống còn khó khăn hơn gấp bội. Nỗi lo cơm áo đã thực sự đè nặng lên đôi vai của những người khốn khó này.