Người khuyết tật Hải Dương tự tin hòa nhập

Mang trong mình khiếm khuyết cơ thể nhưng nhiều người khuyết tật ở Hải Dương không mặc cảm mà luôn phấn đấu, nỗ lực vươn lên.

Sinh ra đã chịu thiệt thòi nhưng ông Phạm Hữu Kỹ chưa khi nào thấy tự ti về khiếm khuyết cơ thể

Sinh ra đã chịu thiệt thòi nhưng ông Phạm Hữu Kỹ chưa khi nào thấy tự ti về khiếm khuyết cơ thể

Vượt lên chính mình

Ông Phạm Hữu Kỹ (sinh năm 1959) ở xã Tân Quang (Ninh Giang) từ khi sinh ra đã bại liệt cả 2 chân nhưng chưa khi nào ông Kỹ thấy tự ti.

Ông kể: “Từ khi mới 4 - 5 tuổi tôi đã cảm nhận được mọi người xung quanh nhìn mình bằng con mắt ái ngại. Đó cũng là lúc tôi nhận ra bản thân có sự khác biệt so với bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, thay vì ủ rũ, chán nản, tôi học cách thích nghi và vươn lên”.

Ngày trước, khi chưa có xe lăn, không đi lại được, ông Kỹ học cách di chuyển bằng đôi tay. Vốn thiệt thòi nhưng ông rất ham học. Vì thế, ông nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Sau khi lập gia đình vào năm 1979, ông sinh được 3 người con đều lành lặn, khỏe mạnh. Đây chính là động lực để ông cùng gia đình vươn lên.

Ông Kỹ luôn miệt mài với các hoạt động xã hội dành cho người khuyết tật

Ông Kỹ luôn miệt mài với các hoạt động xã hội dành cho người khuyết tật

Ông Kỹ là một trong những người đầu tiên của địa phương mạnh dạn làm kinh tế ở khu chuyển đổi. Ông cũng năng nổ, tích cực tham gia công tác xã hội cho người khuyết tật. Ông là 1 trong 5 người vận động thành lập Hội Người khuyết tật huyện Ninh Giang vào năm 2016. Ông Kỹ còn là thành viên quan trọng trong các dự án nâng cao năng lực, bảo vệ quyền lợi cho người khuyết tật. Dù không đi lại được bình thường nhưng ông Kỹ đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, trở thành người truyền cảm hứng cho những người khuyết tật khác.

Mọi người biết đến và khâm phục anh Hồ Đình Tài (sinh năm 1987) ở xã Quang Đức (Gia Lộc) không chỉ vì nghị lực từ người khuyết tật vươn lên làm giàu mà còn bởi tấm lòng nhân ái. Vốn sinh ra khỏe mạnh bình thường nhưng di chứng của trận sốt năm hơn 2 tuổi đã khiến anh Tài liệt đôi chân và bàn tay trái. Từ đó, anh phải làm bạn với xe lăn. Thương con thiệt thòi, sợ con mặc cảm, bố mẹ anh không nỡ để anh tới trường. Thế nhưng vì khao khát biết đọc, biết viết mà năm 12 tuổi anh bắt đầu bập bẹ đánh vần.

Bằng quyết tâm, nghị lực, anh Tài đã trở thành Giám đốc Trung tâm Quảng cáo mỹ thuật Phúc Tài

Bằng quyết tâm, nghị lực, anh Tài đã trở thành Giám đốc Trung tâm Quảng cáo mỹ thuật Phúc Tài

Tuy xuất phát điểm khó khăn song bằng sự cố gắng không ngừng và quyết tâm không bỏ cuộc, anh Tài tìm tòi, học hỏi đủ nghề. Cuối cùng anh lựa chọn công việc thiết kế, in ấn quảng cáo để chuyên tâm theo đuổi. Không phụ công người, anh Tài hiện là Giám đốc Trung tâm Quảng cáo mỹ thuật Phúc Tài. Trung tâm của anh không những có tiếng trong tỉnh mà còn có “số má” ở cả miền Bắc. Anh tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 10 lao động với mức thu nhập từ 7 - 12 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh cũng dang tay đón nhận người khuyết tật học việc.

Ngoài là tấm gương vượt khó vươn lên, anh Tài còn đam mê với công tác thiện nguyện. Anh chia sẻ: “Từ hoàn cảnh của bản thân, tôi thấm thía được những khó khăn, vất vả của những người yếu thế trong xã hội. Vì vậy, tôi luôn muốn góp một phần nhỏ bé để thắp lên hy vọng cho những mảnh đời bất hạnh”. Bên cạnh đồng hành với phong trào thiện nguyện tại địa phương, anh Tài còn khởi xướng những chuyến đi tới các vùng khó khăn trong và ngoài tỉnh để thăm hỏi, động viên và dành những phần quà nghĩa tình cho người yếu thế.

Vẫn cần điểm tựa

Anh Tài trong chuyến đi thiện nguyện tại Nghệ An (ảnh nhân vật cung cấp)

Anh Tài trong chuyến đi thiện nguyện tại Nghệ An (ảnh nhân vật cung cấp)

Dù giàu nghị lực, nỗ lực vươn lên vượt nghịch cảnh song vẫn còn không ít người khuyết tật vẫn còn dè dặt, thiếu tự tin. Vì vậy, người khuyết tật vẫn cần nhưng điểm tựa cả về vật chất và tinh thần để tự tin hòa nhập.

Cuối tháng 12/2024, HĐND tỉnh Hải Dương quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh là 550.000 đồng/người/tháng, cao hơn 170.000 đồng so với trước và cao hơn 50.000 đồng so với quy định của Chính phủ. Người khuyết tật là nhóm đối tượng đông nhất được hưởng lợi từ chính sách này. Đây là bệ đỡ để người khuyết tật vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Tuy vậy, vẫn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm của cộng đồng, xã hội để khỏa lấp những thiếu thốn, thiệt thòi của người khuyết tật. Từ đó tiếp thêm động lực để họ vươn lên.

Chị Nguyễn Thị Nha, Chủ tịch Hội Người khuyết tật thị xã Kinh Môn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Hải Dương là người gắn bó, tâm huyết với các hoạt động xã hội cho người khuyết tật. Hơn 10 năm qua, dù bản thân bị tật nguyền song chị luôn xông xáo, hăng hái giúp đỡ, hỗ trợ những người cùng cảnh ngộ. Ngoài chăm chút cho phong trào hội, chị Nha cũng “xắn tay” chăm lo cho người khuyết tật.

Chị đã tới từng đơn vị, doanh nghiệp để xin việc cho 220 thanh niên khuyết tật, vận động nhà hảo tâm hỗ trợ hàng nghìn suất quà cho người khuyết tật khó khăn. “Cùng hoạt động với những người khuyết tật nên tôi hiểu được họ cần gì, muốn gì. Họ luôn mong muốn được đối xử công bằng, trao cơ hội để có thể khẳng định và phát triển bản thân”, chị Nha khẳng định.

Chị Nha (ngoài cùng bên trái) tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo tại địa phương (ảnh nhân vật cung cấp)

Chị Nha (ngoài cùng bên trái) tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo tại địa phương (ảnh nhân vật cung cấp)

Qua rà soát từ các địa phương, toàn tỉnh có khoảng 55.000 người khuyết tật. Trong đó, khuyết tật vận động chiếm nhiều nhất với hơn 25.500 người, còn lại là khuyết tật tâm thần, trí tuệ, nghe, nói… Nhiều người khuyết tật đã vượt qua mặc cảm, trở thành người có ích cho cộng đồng, xã hội.

HOÀNG LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/nguoi-khuyet-tat-hai-duong-tu-tin-hoa-nhap-409541.html