Người khuyết tật sáng tạo nghệ thuật từ những mảnh vải vụn
Chiều ngày 18/4, tại Bảo tàng Hà Nội đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm 'Những mảnh vụn' do những người lao động khuyết tật của Hợp tác xã Vụn art sáng tạo và tổ chức.
Đây là chương trình đặc biệt do Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Hợp tác xã Vụn art tổ chức, hướng tới những hoạt động thiết thực kỷ niệm ngày bảo vệ, chăm sóc người khuyết tật Việt Nam 18/4, với mong muốn lan tỏa những giá trị tốt đẹp về nghị lực sống, vượt khó, vươn lên của những người yếu thế.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh chia sẻ: "Với thông điệp: Một mảnh vải vụn sẽ góp phần tạo nên một bức tranh nghệ thuật nếu được đặt đúng chỗ. Một người khuyết tật cũng có thể tạo nên những giá trị riêng, độc nhất để làm đẹp cho cuộc đời nếu tìm được đúng vị trí của mình. Trong những năm qua, Hợp tác xã Vụn art đã tạo việc làm cho hơn 30 người khuyết tật, yếu thế để họ có thu nhập ổn định và có cơ hội được tái hòa nhập cộng đồng. Và triển lãm "Những mảnh vụn" hôm nay cũng đã góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp, khơi gợi tư duy sáng tạo, sáng tác nghệ thuật của công chúng, góp phần giữ gìn và giới thiệu văn hóa truyền thống, tạo việc làm cho người khuyết tật và tận dụng, tiết kiệm các nguyên liệu trong quá trình sản xuất để bảo vệ môi trường".
Hợp tác xã Vụn art thành lập năm 2017 do anh Lê Việt Cường – người khuyết tật vận động sáng lập. trụ sở đặt tại làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông. Vụn art ra đời với mong muốn giữ gìn và giới thiệu văn hóa truyền thống, tạo việc làm cho người khuyết tật. Hướng đi của Vụn art là tận dụng các nguyên liệu thừa từ những mảnh lụa làm nên các tác phẩm nghệ thuật. Các tác phẩm làm bằng lụa vụn của người thợ Vụn art khơi gợi sự sáng tạo, sáng tác nghệ thuật của công chúng tham quan. Những mảnh vụn như được hồi sinh, được thổi hồn thành những tác phẩm nghệ thuật.
Anh Lê Việt Cường chia sẻ: "Đây là triển lãm quy mô đầu tiên của những người thợ thủ công là người khuyết tật của Vụn art. Chúng tôi mong muốn mọi người không chỉ mua sản phẩm bằng tình thương mà qua đó thấy sự sáng tạo của người khuyết tật. Có sự sáng tạo và với bàn tay khéo léo của người khuyết tật, sự phát triển mới bền vững. Hơn nữa, mỗi người khuyết tật giống như một mảnh vụn nhỏ, một mảnh ghép và tôi là chất keo để gắn kết những mảnh ghép tỏa sáng".
Tại triển lãm giới thiệu gần 40 bức tranh và nhiều sản phẩm thủ công ứng dụng, cùng các hoạt động trình diễn và trải nghiệm tương tác phục vụ khách tham quan. Các bức tranh của được chuyển thể từ nhiều thể loại: tranh dân gian Việt Nam (tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ...), tranh đồng quê, tranh danh lam thắng cảnh Việt Nam và thế giới, chân dung danh nhân và tranh của các họa sĩ nổi tiếng.
Bên cạnh đó, triển lãm còn giới thiệu những dòng sản phẩm ứng dụng đáp ứng nhu cầu thị trường như: túi vải, ví vải, áo phông và các đồ dùng hàng ngày... Đặc biệt tác giả của các tác phẩm nghệ thuật, các sản phẩm ứng dụng này đều là những người thợ khuyết tật, với nhiều thể trạng khác nhau, của Hợp tác xã Vụn art, một doanh nghiệp xã hội từ làng lụa Vạn Phúc.
Tranh ghép vải là một loại hình nghệ thuật mới, đòi hỏi tính tỉ mỉ, cần trọng, con mắt nghệ thuật tinh tế và khả năng phối hợp ngẫu hứng với những mảnh lụa nhiều màu sắc. "Những mảnh vụn" lụa phế thải qua tay người thợ Vụn art như được thổi hồn, trở nên sống động, khiến những bức tranh độc bản trở thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp.
Đến tham quan triển lãm, bà Lê Ngọc Trâm - Giảng viên trường Đại học Nguyễn Trãi bày tỏ: "Khi đến đây, ngắm nhìn những bức tranh của các bạn khuyết tật tôi rất bất ngờ và ngưỡng mộ. Các bức tranh được lấy cảm hứng từ những dòng tranh dân gian, với một người bình thường cũng đã rất khó để có thể tạo ra được những bức tranh như thế, nhưng những mảnh ghép của Vụn art đã làm được, từ cách phối màu, đến cắt dán thủ công với những chi tiết nhỏ tôi cảm thấy vô cùng đẹp. Và các bạn ấy chính là nguồn cảm hứng, cũng như động lực để tôi cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống".
Triển lãm không chỉ mang đến những bức tranh rực rỡ sắc màu cho công chúng được chiếm ngưỡng mà khách đến tham quan còn được tự tay mình trải nghiệm làm tranh, được ngắm nhìn những sản phẩm thủ công đẹp mắt, được nghe những câu chuyện truyền cảm hứng và được gặp những con người vượt lên nghịch cảnh.
Đặc biệt, công chúng sẽ biết nhiều hơn về Hợp tác xã Vụn art, nơi dạy nghề, tạo việc làm, mái nhà thứ hai cho người yếu thế. Đồng thời, tái sử dụng những mảnh lụa phế thải, cũng góp phần bảo vệ môi trường và phát triển làng lụa truyền thống.
Triển lãm "Những mảnh vụn" kéo dài đến tháng 10/2023. Trong thời gian triển lãm, sẽ có những buổi workshop trải nghiệm làm tranh, làm quà lưu niệm bằng vải lụa vụn vào dịp cuối tuần tại tầng 1, Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).