Người lái đò trên sông Pô Kô
Chiến công hiển hách của Puih San đã mang lại nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ - chiến sĩ. Nhà thơ Mai Trang sáng tác bài thơ:' Người lái đò trên sông Pô Kô' và Nhạc sĩ Cầm Phong phổ nhạc bài thơ này.
Làng Nú, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai là nơi Puih San được lũ làng làm lễ thổi tai. Làng Bi Yố (cùng xã) cho Puih San sức khỏe hơn người, có đôi tay làm khéo và đôi tai biết nghe. Dòng sông Pô Kô hiền hòa về mùa khô, hung dữ vào mùa mưa giúp Puih San bơi giỏi như con ếch, chèo thuyền độc mộc dẫn đầu bọn trai làng Jrai.
Khi cái đầu biết lo lắng công việc cũng là lúc Puih San nhìn thấy thằng Mỹ, thằng Ngụy ác tựa con cọp, con beo. Puih San ước nguyện được đi theo bộ đội Bok Hồ để cầm súng bắn thằng Mỹ, thằng Ngụy trả thù cho lũ làng. Khi cây mai rừng nở vàng trên các triền đồi (năm 1958) cũng là lúc Puih San bỏ trốn Ma (bố), Mí (mẹ) lên núi cao xin cán bộ cách mạng được cầm súng làm du kích xã. Puih San đã được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy Tiểu đội du kích xã nhà.
Tiểu đội do Puih San phụ trách tham gia nhiều trận đánh, bọn địch chết nhiều tựa cây rừng. Bụng Puih San vui như lễ hội mừng lúa mới khi đánh đồn Chư Nghé. Tiểu đội của Puih San bày mưu, tính kế phá hủy 3 xe GMC, diệt 40 tên, thu toàn bộ vũ khí trang bị của địch. Đầu mùa mưa năm 1961, Puih San trở thành bộ đội Bok Hồ thuộc đơn vị đường dây T2C07 Mặt trận B3. Công việc của Puih San là lái đò chở bộ đội, vũ khí, lương thực, thực phẩm qua sông Pô Kô (đường mòn mang tên Bok Hồ).
Thời gian cao điểm từ mùa khô năm 1965 đến mùa mưa năm 1968, có đêm Puih San chở hơn 30 chuyến đò với hàng trăm lượt bộ đội và hàng hóa qua sông phục vụ quân ta mở chiến dịch đánh Mỹ trận Plei Me ở huyện Chư Prông. Tám mùa rẫy cầm chèo dưới mưa bom, bão đạn, Puih San đã được hưởng 2 niềm vui lớn. Đứng trong đội ngũ quang vinh của Đảng (ngày 21-01-1965) và đi dự báo cáo điển hình tại Đại hội chiến sĩ thi đua Mặt trận B3 và của Miền.
Tại đây, chiến công hiển hách của Puih San đã mang lại nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ - chiến sĩ. Nhà thơ Mai Trang sáng tác bài thơ:” Người lái đò trên sông Pô Kô” và Nhạc sĩ Cầm Phong phổ nhạc bài thơ này. Bài hát ấy thường xuyên được truyền đi trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam trong suốt thời kỳ đánh Mỹ như tiếng kèn xung trận giục dã đồng bào và chiến sĩ cả nước noi gương chiến đấu mưu trí, dũng cảm của A Sanh (bí danh của Puih San) xông lên phía trước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.
Sau khi núi rừng Tây Nguyên sạch bóng quân thù, Puih San mới có dịp trở lại nơi “chôn nhau, cắt rốn” để thăm vợ, con nhưng đã quá muộn. Bọn Mỹ, Ngụy đã giết chết vợ, con ông. Mất mát đau thương không gì bù đắp nổi. Puih San nuốt hận, tiếp tục đem hết sức lực và trí tuệ phục vụ quân đội. Dù ở cương vị và nhiệm vụ nào như trực tiếp quản lý và giáo dục 15 tù binh người dân tộc Bahnar, Ê Đê ở tỉnh Đak Lak hay làm trợ lý dân quân huyện đội Chư Pah (cũ) hoặc tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam.
Ở đâu Puih San cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 1980, Puih San từ một bệnh binh trở về với đời thường, với dòng Pô Kô thơ mộng đầy oắp chiến công và kỷ niệm. Puih San vẫn phát huy bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”. Năm 1998, ông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2.000 Puih San thanh thản về với “ông bà tổ tiên”.
Với 63 tuổi đời, 35 tuổi Đảng, 29 tuổi quân và chiến công của Puih San sẽ sống mãi trong lòng nhân dân cả nước và in đậm dấu son trên trang sử vàng truyền thống của cách mạng Việt Nam. Và bài ca “Người lái đò trên sông Pô Kô” mãi mãi đi cùng năm tháng.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/nhip-song-hom-nay/nguoi-lai-do-tren-song-po-ko-582381.html