Người làm báo phải từ bỏ 'hào quang' để 'quăng mình' vào thế giới AI
Ths Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số, Đài truyền hình Việt Nam, nhấn mạnh người làm truyền hình phải từ bỏ hào quang của mình để bắt đầu với hào quang mới do AI tạo ra và phần thưởng là 'công chúng sẽ không rời xa bạn'.
Ngày 16-3, trong khuôn khổ Diễn đàn báo chí tại Hội báo toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận về năng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI.
Thời kỳ truyền thông lấy số làm trung tâm
Tại phiên thảo luận, Nhà báo Tạ Bích Loan, Đài Truyền hình Việt Nam, đặt vấn đề: AI có làm truyền hình bùng nổ không?
Theo bà, truyền hình với các thế mạnh riêng đang được sự hỗ trợ của công nghệ mới. AI tạo sinh có khả năng sinh ra nội dung, hình ảnh, âm thanh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức cho truyền hình.
Ths Nguyễn Thu Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital), Đài Truyền hình Việt Nam, cho rằng thời kỳ truyền thông lấy truyền hình là trung tâm đã kết thúc, hiện đã chuyển sang thời kỳ truyền thông lấy số làm trung tâm.
“Chúng ta cần tư duy lại, bởi truyền hình không còn là truyền thông nữa mà số mới là truyền thông” - Ths Hà nói và nhìn nhận để chuyển đổi được điều này là việc khó đối với truyền hình.
Theo Ths Hà, tivi không còn quan trọng với nhiều gia đình. Có gia đình không sắm, hoặc sắm chỉ để trang trí vì vốn dĩ đó là chỗ để tivi; dùng tivi để mở nhạc, xem phim… Lúc này, ánh mắt của công chúng hướng vào màn hình máy tính, ipad và bây giờ là màn hình điện thoại.
Do đó, những người làm truyền hình phải thay đổi đầu tiên, thực hiện những tác phẩm truyền hình không phải cho màn hình to của tivi mà cho màn hình dọc trên điện thoại. “Lúc đó, một số quay phim lóng ngóng không biết làm sao quay được định dạng cho màn hình mà khán giả nhìn nhiều nhất hiện nay là màn hình di động” - Ths Hà nói.
Ths Hà cũng cho rằng hiện nay những người phát ra tin tức, sáng tạo nội dung số được rất nhiều “follower”, sức cạnh tranh cao hơn truyền hình; trí tuệ của họ còn hơn cả bất kỳ trung tâm truyền hình lớn nào, kể cả Đài Truyền hình Việt Nam.
Làm báo cùng AI, làm báo với mạng xã hội
Không chỉ truyền hình, Ths Nguyễn Thu Hà cho rằng kể cả các loại hình báo chí khác cũng phải thay đổi, giữa các loại hình báo chí không còn ranh giới mà phải hòa nhập với AI, với chuyển đổi số.
“Vậy nhà báo xuất thân từ truyền hình cần kỹ năng gì để tồn tại và phát huy giá trị của mình trong thời đại mô hình truyền thông lấy số làm trung tâm? Câu trả lời là nhà báo phải quăng mình vào thế giới AI để không tụt hậu trong thời đại ngày nay” - Ths Hà nói và cho rằng nhà báo phải thành thạo công nghệ, đẩy mạnh làm báo đa phương tiện, làm báo di động, làm báo cùng AI và làm báo với mạng xã hội.
Bà Hà cho rằng nhà báo phải có vốn xã hội, phải là ai đó trên mạng xã hội, có người theo dõi và tốt nhất là trở thành KOLs, có vị thế cá nhân trên mạng xã hội.
“Có tòa soạn không thích phóng viên trở thành là ai đó trên mạng xã hội nhưng chính vì chúng ta ‘say no’ nên đã để trống mặt trận đó cho KOLs; để rồi sau đó chúng ta để mạng xã hội điều hướng, đu trend và minh họa cho mạng xã hội” - bà nói và cho biết bây giờ không còn thời mà các sự kiện chỉ chờ nhà đài đến mới khai mạc mà nhiều chương trình chỉ mời KOL.
Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số nhấn mạnh người làm truyền hình phải từ bỏ hào quang của môi trường truyền hình để bắt đầu với hào quang mới do AI tạo ra và phần thưởng là “công chúng sẽ không rời xa bạn”.
AI tạo ra MC thời tiết
Theo TS Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam, AI được ứng dụng rộng rãi trong truyền hình.
Trong đó AI giúp hỗ trợ sản xuất nội dung truyền hình bằng cách tạo được các đoạn phim truyền hình bằng cách mô tả văn bản.
Tại Đài Truyền hình Việt Nam, AI được dùng để bóc băng tự động, giúp biên tập viên lấy văn bản để làm tin bài, giúp sản xuất chương trình nhanh chóng, chính xác.
AI cũng phân tích các dữ liệu, đưa ra gợi ý sản xuất chương trình phục vụ khán giả. TS Nguyễn Trường Giang cho biết VTV đã dùng các ứng dụng VTV go, VTV.vn để thu thập hành vi của khán giả, họ xem ở đâu, khi nào, thích xem gì… để đưa ra các thông tin có ích cho người sản xuất chương trình.
Chưa kể, AI còn tạo ra các MC phát chương trình thời tiết. Theo ông, MC được tạo ra từ mô phỏng người thật và việc này hoàn toàn có thể làm trên điện thoại.