Người làm báo với vai trò kiểm soát, giảm thiểu tác hại xã hội của tin giả

Nhận định tính chất nghiêm trọng của tin giả trong phòng chống dịch bệnh, tháng 2 năm 2020, nhà báo Cao Hồng đã có loạt 4 bài 'Virus tin giả trên không gian mạng'. Loạt bài góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng khi dùng mạng xã hội, phổ biến kiến thức pháp luật, cảnh tỉnh nếu ai cố tình vi phạm.

Loạt 4 bài “Virus tin giả trên không gian mạng” của nhà báo Cao Hồng, Phó trưởng Ban Kinh tế - Pháp luật, Báo Công an nhân dân vừa đoạt giải C, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - Năm 2020 ở nội dung giải phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký báo chí, ghi chép (báo in). Nội dung các bài viết đã đánh giá khái quát vấn đề tồn tại của tin giả trong nhiều năm, đặc biệt là khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu xảy ra đầu năm 2020.

Nhà báo Cao Hồng - Báo Công an nhân dân đoạt giải C, Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - Năm 2020. Ảnh: Quang Hùng

Thực tế, vấn nạn tin giả, tin xuyên tạc làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội; hậu quả của tin tức giả mạo ngày càng trở nên phổ biến trong những năm qua. Các tin giả này làm hoang mang dư luận, tê liệt hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, gây thiệt hại về kinh tế và ngay cả uy tín cá nhân.

Loạt bài của nhà báo Cao Hồng đã khẳng định phòng chống tin giả hiện nay được coi là cuộc chiến cần tổng lực và không biên giới của nhiều quốc gia, tổ chức. Bên cạnh đó, các bài viết cũng nhấn mạnh đến ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức với vai trò trong cuộc chiến này, đặc biệt là vài trò của nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Để tăng tính thuyết phục, hấp dẫn và đưa đến độc giả những thông tin đa chiều, khách quan, nhà báo Cao Hồng đã có những dẫn chứng từ câu chuyện thực tế, trao đổi với một số chuyên gia truyền thông, những tổ chức tích cực đóng góp trong cuộc chiến chống tin giả. Không chỉ thống kê những vụ việc liên quan đến tin giả, các bài viết còn có những chia sẻ thông tin từ lãnh đạo Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an),… tất cả để khẳng định “Virus tin giả” đã đang là tác nhân khiến đại dịch thêm trầm trọng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, nhà báo Cao Hồng cho biết: "Đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện ở một số nước trên thế giới. Tháng 2/2020, Việt Nam xuất hiện ca dương tính đầu tiên. Thông tin về dịch bệnh được truyền thông chính thống liên tục cập nhật, tuy nhiên trên internet những tin tức về dịch bệnh này cũng tràn ngập và có rất nhiều thông tin sai lệch, giả mạo. Những thông tin này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phòng, chống dịch, gây hoang mang dư luận".

Sau khi thu thập thông tin từ các vụ việc liên quan đến tin giả, phỏng vấn các chuyên gia, đưa ra những nhận định, phân tích về nguyên nhân có tin giả, tác hại, các giải pháp hạn chế tin giả, nhà báo Cao Hồng đã đăng tải chuyên đề “Virus tin giả trên không gian mạng” xuất bản vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020. Loạt bài đăng tải ngay trước thời điểm xuất hiện ca dương tính số 17, ngày 7/3/2020, ca nhiễm về nước trên chuyến bay VN0054. Cũng thời điểm này trên các trang mạng xã hội xuất hiện hàng loạt thông tin liên quan đến ca nhiễm này.

Công an TP Đà Nẵng xử lý một trường hợp đăng tin giả về phòng chống dịch bệnh. Ảnh: nhà báo Cao Hồng

Đăng tải đúng thời điểm, loạt bài đã phản ánh, dự báo về việc tin giả xuất hiện ngày càng nhiều, gây rối loạn xã hội, người dân lo lắng đi thu mua hàng hóa tích trữ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chống dịch. Nhà báo Cao Hồng cho rằng: “Lúc này các đối tượng chống phá lợi dụng triệt để để tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Xác định tính chất nghiêm trọng của tin giả trong phòng chống dịch bệnh, tôi cũng đưa các ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng, trong đó có Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân… về việc ban hành các văn bản về tăng cường xử lý, điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng phạm tội liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19”.

Trong nội dung loạt bài, nhà báo Cao Hồng đã lồng ghép nội dung trong Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19; Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 3/4/2020 của Viện KSNDTC về tăng cường thực hành quyền công tốc và kiểm soát hoạt động tư pháp trong việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch COVID-19. Công văn số 2740/VPCP-PL của Văn phòng Chính phủ ngày 8/4/2020 về việc xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19… Tất cả các văn bản này đều nêu rõ những hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, đây là cơ sở quan trọng để xử lý cũng như cảnh tỉnh nếu ai cố tình vi phạm.

Luôn đi sâu tìm hiểu rõ những giải pháp cho vấn đề khó, loạt bài của nhà báo Cao Hồng đưa ra một số “vaccine” là giải pháp nào để chống loại “virus tin giả” trên không gian mạng. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò của báo chí, là nơi cung cấp thông tin khách quan, độc lập và chính xác, trung thực, là nơi kiểm chứng các loại thông tin tràn lan trên mạng. Trong đó báo chí phải lấy được niềm tin của công chúng, bằng cách nói không với câu view, chạy đua với số lượng và tốc độ. Báo chí phải là nguồn tin xác tín, được người dân tìm đọc. Cách đưa tin của báo chí cũng phải tránh gây hiểu sai lệch.

Nhà báo Cao Hồng chia sẻ thêm: "Tin giả liên quan đến dịch bệnh, cũng như tin giả liên quan đến an ninh quốc gia đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, ổn định xã hội. Chính sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành đã xử lý hàng trăm đối tượng tung tin giả, đối tượng phạm tội liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Đến đầu tháng 5/2020, khi thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, đã có nhiều đối tượng bị xử phạt hành chính, xử lý hình sự. Môi trường thông tin trên internet cũng trong sạch hơn. Đặc biệt, qua đây cũng thấy rõ, sau hơn 1 năm có hiệu lực, Luật An ninh mạng là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng xử lý những vấn đề liên quan đến tin giả trên không gian mạng".

Loạt bài “Vi rus tin giả” trên không gian mạng” của nhà báo Cao Hồng không chỉ đánh giá về hậu quả khôn lường về ổn định xã hội, phát triển kinh tế, an ninh quốc gia mà còn có giải pháp ngăn chặn, phòng chống “virus” tin giả” trong thời kỳ bùng nổ thông tin.

Có thể nói trong suốt thời gian xảy ra dịch bệnh, cùng các lực lượng chức năng, báo chí đã phát huy vai trò của mình trong cuộc chiến chống tin giả, mỗi nhà báo, phóng viên hàng ngày, hàng giờ cung cấp thông tin nhanh nhạy song trung thực, chính xác đến người dân. Tất cả để cùng chung tay xây dựng được một môi trường mạng xã hội thực sự văn minh, lành mạnh.

Bài liên quan

Bài cuối: Cần lắm "vùng xanh" tin tức đẩy lùi tin giả

Báo chí cần phải thanh lọc, kiểm duyệt thông tin để đưa ra nguồn tin chính xác, có tính định hướng

Báo Nhà báo & Công luận đoạt giải C - Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020

TỔNG THUẬT: Lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XV - năm 2020

Vũ Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nguoi-lam-bao-voi-vai-tro-kiem-soat-giam-thieu-tac-hai-xa-hoi-cua-tin-gia-post165502.html