Người làm nghề dọa ma dễ bị hành hung, phải chịu nóng bức

Dọa ma là công việc khắc nghiệt không kém những ngành nghề khác. Các nhân viên hóa trang phải dành nhiều giờ liền trong bóng tối, kể cả lúc trời nóng bức.

Zing trích dịch bài đăng trên Vice, CNN, Cracked nói về những khó khăn của người làm nghề dọa ma trong các lâu đài kinh dị, ngôi nhà ma.

Sergio Moral (sống tại Tây Ban Nha) đã làm nghề dọa ma được 16 năm. Anh dành cả ngày của mình để khủng bố khách tham quan trong những căn phòng ma quái, chật hẹp và làm bất cứ hành động nào khiến họ khiếp sợ.

Moral cũng hoạt động trong cộng đồng yêu thích sự rùng rợn. Anh được xem là nhà tư vấn cho những người muốn học cách hù dọa trẻ em.

Ngôi nhà ma trong Parque de Atracciones de Madrid (Công viên giải trí của Madrid) là nơi đầu tiên Moral làm việc. Là một người mê kinh dị, ước mơ của anh là được hóa trang thành các nhân vật có tạo hình gây ám ảnh.

“Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ đây là công việc tạm thời, thật không ngờ tôi đã làm 16 năm rồi”, Moral nói với Vice.

 Nghề dọa ma kiếm tiền từ nỗi sợ hãi của khách tham quan.

Nghề dọa ma kiếm tiền từ nỗi sợ hãi của khách tham quan.

Kỹ năng dọa ma

Trong suốt sự nghiệp của mình, Moral đã đóng giả rất nhiều nhân vật: người điên, bác sĩ, thây ma, chú hề giết người, quản gia… Nhưng Freddy Krueger - nhân vật phản diện chính trong loạt phim A Nightmare on Elm Street và cô gái bị quỷ ám là hai tạo hình khiến mọi người sợ hãi nhất.

Chàng trai Tây Ban Nha cho biết dọa ma là một công việc tốn nhiều năng lượng vì phải hét lên để hù người khác. “Vào ngày đầu tiên, tôi đã mất giọng chỉ sau 10 phút. Làm nghề này phải chăm sóc cổ họng và học cách kiềm chế năng lượng của mình”.

Bí quyết gây sợ hãi của Moral là tập trung vào những thứ ma quái mà con người hay tưởng tượng kết hợp với cách trang điểm phù hợp và âm thanh sinh động. Một số người tỏ ra mạnh mẽ khi tham quan những ngôi nhà ma, nhưng cũng có nhiều thanh thiếu niên vừa bước vào đã rất hoảng sợ, sau đó bị ám ảnh một thời gian dài.

“Tôi đã chứng kiến nhiều người ngất xỉu, lên cơn hoảng loạn và phản ứng dữ dội, nhưng sốc nhất là khi ai đó tự đánh mình. Đối với tôi, đó là một thành công. Điều này có nghĩa là tôi đã hoàn thành tốt công việc của mình”, Moral kể về những phản ứng của mọi người khi nhìn thấy anh.

Hóa trang thành các nhân vật kinh dị là ước mơ của Moral.

Hóa trang thành các nhân vật kinh dị là ước mơ của Moral.

Nghề dọa ma cũng khắc nghiệt không kém những công việc khác. Moral phải dành nhiều giờ liền trong bóng tối kể cả lúc trời lạnh hay nóng.

Sau một thời gian hóa trang vào nhân vật quá lâu, anh sẽ thấy chán nản và buồn tẻ, mất đi cảm xúc hứng thú ban đầu. Vào những ngày nghỉ lễ, Moral vẫn phải đi làm vì đây là thời điểm khách tham quan đến khu vui chơi đông nhất.

Theo bản năng khi hoảng sợ, con người sẽ bỏ chạy, la hét hoặc tấn công thứ làm họ giật mình. Do đó, nhân viên làm việc tại những ngôi nhà ma thường kết thúc một ngày với các vết bầm tím trên cơ thể khi chống cự phản ứng của khách. Theo CNN, kỹ năng phòng vệ là điều đầu tiên được đề cập trong sổ tay của người dọa ma.

Dịch vụ kinh doanh dựa trên nỗi sợ hiếm khi cung cấp bảo hiểm y tế cho nhân viên nên nếu bị va đập hay trầy xước ngoài da, họ phải tự chườm đá và tiếp tục làm việc.

 Nhiệm vụ chính của những người dọa ma là khiến khách khiếp sợ.

Nhiệm vụ chính của những người dọa ma là khiến khách khiếp sợ.

"Quanh năm đều là Halloween"

Lillian Sharrow, người đóng giả zombie, buộc phải dùng đồ trang điểm có chứa cồn khi hóa trang. Vì thế, sau nhiều năm, da của Lillian bị khô nứt và sần sùi.

Đôi khi, người hù dọa phải làm việc trong những ngôi nhà đổ nát, có truyền thuyết ma ám thực sự.

"Tôi từng làm ở nơi có rất nhiều tiếng động ma quái và loài gặm nhấm. Nơi đó nằm trong một tòa nhà rất cũ, nhiều chuột, rác thì ở khắp nơi. Thậm chí tôi còn nghe thấy tiếng chúng cào vào tường, âm thanh đó rất đáng sợ”, Lillian nhớ lại.

Ngoài ra, trong một tòa nhà cũ kỹ và không có hệ thống điều hòa, nhiều người phải làm việc trong điều kiện nóng bức. Các nhân viên bị ép chịu đựng suốt 6 tiếng đồng hồ và chỉ được nghỉ ngơi 15 phút để hồi phục thể chất.

Trang phục cũng là một vấn đề lớn với người làm nghề dọa ma. Ở công việc cũ của Lillian, quần áo hóa trang chỉ được giặt 2 tuần/lần để tiết kiệm tiền. Vì vậy, vào cuối sự kiện, chúng phát ra "mùi hôi còn tồi tệ hơn thây ma thật".

 Ngành dịch vụ này không có mức lương cố định cho nhân viên.

Ngành dịch vụ này không có mức lương cố định cho nhân viên.

Tùy vào quy mô của mỗi nơi làm việc, người dọa ma sẽ được trả mức lương khác nhau. Tại một sự kiện tư nhân ở Madrid, Moral có thể kiếm được 150-200 euro trong vài tiếng. Nhưng ở các công viên giải trí, anh chỉ được trả 4-9 euro/giờ.

Với Moral, được theo đuổi đam mê, đóng vai nhân vật mình yêu thích là điều khiến anh thấy tuyệt vời nhất. Sự hiếu kỳ và những tràng pháo tay của mọi người là nguồn động viên lớn cho Moral.

Phương Thảo
Ảnh: Vice, Scare House

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-lam-nghe-doa-ma-de-bi-hanh-hung-phai-chiu-nong-buc-post1147980.html