Người làm tour san hô ở Hòn Mun kêu khổ

Do hiểu sai thông tin, nhiều người làm tour, thợ lặn san hô ở khu vực Hòn Mun bày tỏ bức xúc, không đồng tình với chỉ đạo tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển trong vịnh Nha Trang.

"Cấm lặn cũng giống như bảo dân làm nghề ở biển không được ra biển. Chắc hẳn thợ lặn là những nhân sự mất việc đầu tiên. Họ phải đổi nghề, cuộc sống bị ảnh hưởng trực tiếp", một người làm tour lặn ngắm san hô quả quyết.

Lo lắng

Ông Nguyễn Tấn Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Rùa Lặn Đại Dương (Turtle Drive), cho biết đã cơ bản nắm được được thông tin khiến du khách xôn xao mấy ngày nay và cho rằng nếu hoạt động lặn biển ở Hòn Mun thực sự bị dừng lại, những người làm nghề lặn, khai thác tour du lịch ở đây không lấy gì để sống.

"Cần có hướng giải quyết tối ưu hơn để vừa bảo tồn, phát triển san hô vừa giữ được du lịch. Doanh nghiệp tôi có hơn chục nhân sự, có người hàng chục năm gắn bó với biển cả. Tôi đề nghị nếu cấm thì cần có lộ trình cụ thể để lao động kịp chuẩn bị tâm lý, tìm việc thay thế", ông Thành nói.

 Vịnh Nha Trang là một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia với hệ sinh thái san hô đa dạng. Ảnh: Shoreexcursionsgroup.

Vịnh Nha Trang là một trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia với hệ sinh thái san hô đa dạng. Ảnh: Shoreexcursionsgroup.

Đại diện một đơn vị chuyên tour lặn biển ở Hòn Mun khác cũng cho biết đã đầu tư hàng tỷ đồng cho khâu đào tạo thợ lặn, chi phí giữ chân nhân sự, đóng tàu chuyên dụng lặn ngắm san hô, mua sắm trang thiết bị lặn.

"Hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng sự sống của san hô chính là chén cơm của mình. Những thợ lặn ở đây đều trải qua quá trình luyện tập khó khăn để lấy chứng chỉ lặn biển đạt chuẩn PADI (Hiệp hội thợ lặn chuyên nghiệp thế giới) và SSI (trường đào tạo lặn bằng bình dưỡng khí). Chúng tôi cũng phải ký cam kết không làm tổn hại đến san hô. Ví dụ trên tàu chở khách có một nhánh san hô, dù nhỏ vẫn bị phạt chục triệu đồng", ông chia sẻ.

Hiện, các đoàn khách đã đặt trước tour lặn biển tại đơn vị vẫn đang chờ chỉ thị chính thức. Tuy nhiên, số phận của hàng trăm thợ lặn tại Nha Trang nói chung, nhân sự công ty nói riêng trong trường hợp bị cấm lặn là điều người đàn ông này lo lắng.

Anh Trí, một HLV lặn dày dặn kinh nghiệm, cũng ngậm ngùi cho hay cứ đà vắng khách này, anh phải quay lại nghề thợ hàn, thợ sắt.

"Theo tôi thấy, thông tin có cấm lặn hay không vẫn chưa có chỉ thị chính thức. Nhưng nhiều trang mạng xã hội lan truyền chóng mặt các nội dung sai lệch làm ảnh hưởng tâm lý khách hàng. Suốt 3 ngày nay, hầu như không có khách đặt tour lặn ở Hòn Mun, tôi rất sốt ruột".

Hiểu sai

Trả lời Zing, ông Huỳnh Bình Thái, Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang, khẳng định những thông tin được đồn thổi mấy ngày nay trên mạng xã hội đang sai lệch so với định hướng ban đầu của Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa.

"Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không hề nói cấm tuyệt đối hoạt động khai thác du lịch tại Hòn Mun. Nội dung thông báo chỉ yêu cầu khảo sát, đánh giá nhanh để đưa ra kết luận, giải pháp khoa học nhất. Nhiều thông tin đang được lan truyền không chuẩn, một số trường hợp lại đọc lướt, bỏ qua chi tiết quan trọng nên thành ra hiểu sai", ông Thái cho hay chỉ vùng nào nhạy cảm mới tạm dừng không khai thác để bảo tồn, một số điểm khác vẫn đón khách bình thường.

Theo Trưởng ban quản lý vịnh Nha Trang, việc hiểu sai thông tin gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình khách du lịch và khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang, bức xúc.

 San hô chết phủ trắng đáy biển quanh đảo Hòn Mun. Ảnh: Xuân Hoát.

San hô chết phủ trắng đáy biển quanh đảo Hòn Mun. Ảnh: Xuân Hoát.

Trước đó, sáng 22/6, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có kết luận về việc suy giảm rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun, vịnh Nha Trang. Trong đó, nguyên nhân khách quan dẫn đến việc suy giảm rạn san hô là tác động của biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của cơn bão Damrey năm 2017 và cơn bão số 9 năm 2021 (không có hiện tượng axit hóa đại dương).

Nguyên nhân chủ quan là công tác quản lý, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót; nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời (khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch...).

Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng việc bảo tồn, giữ gìn và phục hồi hệ sinh thái biển đa dạng tại vịnh Nha Trang, trong đó có rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp thiết, vừa lâu dài.

Từ đó, đơn vị này đề nghị Ban cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong vịnh, đặc biệt là trong khu vực Hòn Mun. Đồng thời, khoanh vùng bảo vệ các khu vực nhạy cảm, đang có dấu hiệu phục hồi các hệ sinh thái (điển hình là rạn san hô và các bãi giống, bãi đẻ) của vịnh Nha Trang.

Xuân Hoát - Thảo Ly

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-lam-tour-san-ho-o-hon-mun-keu-kho-post1329276.html