Người làng làm du lịch

Bằng khát vọng bền bỉ giữ gìn những nét văn hóa đặc trưng, lan tỏa vẻ đẹp của từng nét chạm khắc ở các đình cổ, miếu mạo, các làng chài ở xã Nhơn Lý (Quy Nhơn, Bình Định) cần mẫn học thêm tiếng Anh, trao chuốt các điệu hát Bài Chòi, hát Bộ để kết nối các tuor du lịch về làng, kết hợp với việc tiêu thụ các sản phẩm sạch từ những buổi nhọc nhằn vươn khơi mà có được.

Thay đổi tư duy

Những cụm từ “Nhơn Lý xanh”; “Nhơn Lý sạch”; “Lý Hưng cự phách”; …không còn xa lạ với những người dân miền Trung. Những ngư dân quanh năm đánh vật với sóng gió đã làm cuộc “cách mạng” tư duy hòa nhập với dòng chảy của cuộc sống hiện đại, làm giàu trên chính làng của mình.

Lật lại ký ức, ông Trần Văn Hà (thôn Lý Hưng, xã Nhơn Lý) tâm tình: Vài chục năm trước, ngư dân mình đời nọ nối đời kia ngoài việc ra khơi thì chỉ biết quanh quẩn bên nhau uống rượu. Nhưng rồi, có mùa biển động, chuyến vươn khơi thất bát, đói dài. Lúc ấy, nhiều gia đình dắt díu nhau đi vào Nam làm nghề lao động tự do nhưng cũng không khấm khá lên được mà lại nhớ làng da diết. Bao đêm trăn trở bên những đình làng, miếu mạo, ngư dân Nhơn Lý bật ra ý nghĩ kết hợp với các đoàn du lịch hút khách về làng thăm quan và tiêu thụ sản phẩm. Những lao động da sạm, sức lực vạm vỡ xem ý tưởng này không phải chuyện viễn vông bởi trong hơn 12km2 (diện tích cả xã Nhơn Lý) nhưng hội tụ đầy đủ các điểm đến kỳ vỹ, trùng điệp như: Núi đơn; Núi đá đen; Hòn Son; Eo gió; Kỳ co; Hốc câu mực…Bên cạnh đó còn có đình làng Hưng Lương; đình làng Xương Lý; chùa Phước Sa; tịnh xá Ngọc Hòa; lăng Nam Hải vạn đầm Hưng Lương; lăng Nam Hải vạn đầm Xương Lý…Mỗi một công trình, điểm đến đều gắn với truyện kể làm say lòng người nghe. Trên mỗi vách tường, thớ gỗ hằn in các nét văn hóa thời lập làng.

Lúc đầu chỉ có 80 lao động tham gia nhưng dần rà đã lên đến hàng ngàn người. Ông Hòa bảo rằng: Lúc đầu bỡ ngỡ lắm nhưng cũng nhờ tính nhẫn nại và sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau. Những thanh niên đi học lên cao thì về hướng dẫn cho người ở làng đón khách, chào khách mua sản phẩm sạch mình làm ra. Gặp khách Việt thì nói tiếng Việt, gặp khách Tây thì dùng tiếng Tây. Người già thì kể cho các hướng dẫn viên trẻ nghe về những câu chuyện độc đáo ở vùng đất này. Thế nên, người Nhơn Lý mới đúc rút ra rằng, ở đâu có yêu thương và niềm tin, đùm bọc thì ở đó có sức mạnh vươn lên bền bỉ, dẫu bão tố vẫn thường xuyên ập đến với làng.

Luôn trong trạng thái háo hức mỗi lần đến Nhơn Lý, chị Lê Thị Hậu (du khách từ TP.Hồ Chí Minh) bộc bạch: Được một công ty du lịch tổ chức tour Nhơn Lý xanh với các thông tin: Người làng tại chỗ kể về Eo Gió, Kỳ Co. Ngư dân cự phách biểu diễn nghề lặn ngắm san hô rồi hướng dẫn cho khách lặn theo. Được hòa mình trong các cuộc thi nhặt rác. Khi bình minh lên thì khám phá từng nét kiến trúc cổ trong các ngôi đình. Đêm buông xuống, ngay trong các phòng nghỉ dạng homestay của làng được thưởng thức đầy đủ các món hải sản kèm câu chuyện săn bắt giữa biển khơi. Lúc ra về còn được mua sản phẩm sạch giá rẻ kèm quà tặng là những chiếc vỏ ốc hay đá cuội.

Khung cảnh ở Eo Gió

Nguồn thu nhập từ các hoạt động kế nối này dần góp phần đổi thay diện mạo mọi mặt của ngư dân Nhơn Lý. Hơn 30 năm làm nghề đánh bắt khơi xa, ngư dân Nguyễn Tùng ở thôn Lý Lương phấn chấn: Có ngày đón cả chục khách Tây. Xưa chả nghĩ có ngày họ đến nhà mình, dẫn họ đi chơi ở làng, nấu hải sản cho họ ăn lại có thu nhập như bây giờ. Hầu như mọi hoạt động của các tuor du lịch khi đến Nhơn Lý đều có lao động từ các làng tham gia. Khách thích nghe chúng tôi kể những câu chuyện mộc mạc nhưng khác biệt các vùng đất khác. Sự dung dị dồn cả vào giọng nói và hành động. Hơn nữa, các sản phẩm từ làng làm ra như: Cá ngừ đại dương; Ruốc biển; Ốc biển…đều tươi sạch, hiếm nơi nào có được.

Vừa ấm no vừa giữ được văn hóa

Đứng giữa những căn nhà tầng kiên cố, mọc lên san sát biểu thị cho sự no ấm, ông Nguyễn Thành Danh, Phó chủ tịch UBND xã Nhơn Lý chia sẻ: Mình phải khuyến khích người dân các làng làm du lịch xanh, du lịch sạch. Khách đến, các lao động ở làng còn nỗ lực tuyên truyền cách lặn biển an toàn, cách tạo môi trường sạch, cùng nhau gom rác. Tuyệt đối không đưa chất thải xuống nước. Nhiều người từ làng đã vươn lên làm du lịch kết nối cộng đồng rất tốt như anh Nguyễn Hữu Đảo, chị Trương Hoài Mỹ…

Ngư dân cần cù trong các làng vươn lên, rèn rũa ngôn ngữ, mở mang kiến thức để tham gia làm du lịch còn là để giữ gìn nếp văn hóa độc đáo của làng xã đã tồn tại từ thuở sơ khai đến nay. Các homestay hình thành cốt lõi cũng là để du khách được thẩm thấu những đặc trưng văn hóa.

Các sản phẩm sạch từ làng ở Nhơn Lý đến tay du khách

Đi qua nhiều biến cố của làng, ông Lê Văn Thành ở Lý Lương tâm tình: Để xóa bớt nhọc nhằn trong lao động thường nhật, mỗi cuối tuần hay ngày lễ, người dân mình thường hát Bài Chòi, Bả Trạo, Bội…dần dần thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Rồi, trong các buổi lễ cúng ông Nam Hải cũng quây quần để hát cho nhau nghe.

Thuộc hàng chục điệu Bài Chòi như: Nhơn Lý mình thương; Còn yêu thì về…ngư dân Lê Văn Bính mang ra “làm quà” mỗi khi gặp khách lạ. Bính thổ lộ rằng: Tiếng ca cất lên là người nọ í ới người kia đến nghe. Có người khách đang ngắm biển cũng dời vào nhà dân để nghe, rất thích thú.

45 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các làng chài giờ đã khác xưa, hiếm có hộ nghèo, cuộc “lột xác” quá thần kỳ, chẳng khác nào đô thị. Mới ngày nào phải mang cá, tôm đi chia nhau giờ ôtô, xe máy chạy vi vu, ai cũng biết hát hàng chục điệu Bài Chòi, Bộ, Bả Trạo…tệ nạn bị đánh bay bởi văn hóa truyền thống, hiếm nơi nào có những nét thú vị như Nhơn Lý.

Cảm nhận được sự khác biệt, đậm đà của các mặt hàng thủy hải sản ở Nhơn Lý, du khách và thương lái tấp nập đến đặt hàng. Cứ nhận một đơn hàng, người Nhơn Lý lại đưa ra một cam kết vì sức khỏe người dùng. Nhìn làn sóng biển ngát xanh và bình yên, ngư dân Phạm Văn Tùng ước vọng và chia sẻ: Từ đây sẽ có nhiều vụ mùa bội thu. Việc kết hợp làm ngư nghiệp với tham gia làm du lịch khiến hàng hóa tiêu thụ nhanh hơn, uy tín hơn.

Dẫu cuộc sống sung túc, những vụ nuôi trồng, đánh bắt thắng lợi cộng với nguồn thu nhập từ làm du lịch đã đổi đời hàng ngàn thân phận con người nhưng ký ức của cư dân Nhơn Lý về “mẹ biển” luôn khắc sâu. Đó nét văn hóa không thay đổi dẫu có biến thiên, nhọc nhằn.

Cứ sau mỗi chuyến vươn khơi, ngày cuối tuần, lại quây quần bên đình làng vừa gửi đi lời khẩn cầu vừa trao cho nhau những kinh nghiệm xây dựng đời sống mới. Thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau những phong tục văn hóa cần bảo tồn như: Cúng đình làng; Kỹ thuật hát Bài Chòi…

Có người vừa dầm mình bắt cá hôm trước, hôm sau có thể nói tiếng Anh vanh vách và biểu diễn nhiều làn điệu truyền thống của làng một cách nhuần nhuyễn và hướng dẫn khách phiêu diêu trên biển để cảm nhận đổi thay của vùng đất, xứ biển này.

Bài và ảnh Hà Văn Đạo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-lang-lam-du-lich--n174436.html