Người lao động bị doanh nghiệp nợ BHXH 15 năm

Các doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn để lại món nợ BHXH rất lớn khiến không ít người lao động gặp khó khăn.

Cả nước hiện có 206.468 người lao động (NLĐ) bị nợ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền gần 3,2 ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN), tổ chức nợ bảo hiểm đã giải thể, phá sản hoặc chủ DN bỏ trốn nên không thể thu hồi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của NLĐ.

Gần 15 năm không được đóng BHXH

Một trong những NLĐ bị nợ BHXH nhiều nhất là chị LKT, tham gia BHXH tại Công ty TNHH Xây dựng kỹ thuật và công nghệ Lam Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu). Sau khi công ty phá sản, chị T phát hiện bản thân bị công ty chậm đóng BHXH đến 173 tháng (từ đầu năm 2008 đến tháng 3-2022) với tổng số tiền hơn 31 triệu đồng.

 Giờ tan tầm của công nhân một công ty trên địa bàn TP.HCM. Ảnh minh họa: VÕ THƠ

Giờ tan tầm của công nhân một công ty trên địa bàn TP.HCM. Ảnh minh họa: VÕ THƠ

Trường hợp tiếp theo bị “xù” tiền BHXH là anh DMS, làm việc tại Công ty TNHH ColdTech Việt Nam (Hà Nội). Anh S bị nợ BHXH từ tháng 5 đến tháng 8-2012, hiện anh cũng chưa biết lấy đâu ra số tiền hơn chục triệu đồng để đóng vào Quỹ BHXH.

Tương tự, chị NTH cũng cho biết chị và gần 500 công nhân bị một công ty nợ lương từ tháng 1-2017 và nợ BHXH từ tháng 7-2011. Tính đến trước tháng 3-2023, số tiền công ty nợ NLĐ là hơn 15 tỉ đồng.

Do công ty không đóng BHXH, BHYT nên nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản. Có hai trường hợp NLĐ chẳng may tử vong nhưng đến trước tháng 3-2023, gia đình họ chưa nhận được chế độ tử tuất. Đáng nói là do NLĐ không chấm dứt hợp đồng lao động nên không xin được việc làm ổn định dù có tay nghề, họ phải làm thuê tại các xưởng gia công hoặc các công việc thời vụ để có tiền trang trải cuộc sống.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, NLĐ bị nợ BHXH đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là công nhân. “Họ không được hưởng lương hưu, chế độ thai sản khi sinh con cũng như không được hưởng chế độ ốm đau, tai nạn lao động khi làm việc. Đây là vấn đề an sinh xã hội rất lớn khi hàng trăm ngàn người về hưu không biết sẽ sống bằng gì…” - ông Hiểu nói.

Cũng theo ông Hiểu, các DN trốn đóng BHXH về bản chất được lợi nhiều hơn. “Nhiều DN giữ BHXH rồi lấy tiền đó kinh doanh thay vì phải đi vay ngân hàng. Việc này không được pháp luật cho phép và vi phạm đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của DN” - ông Hiểu nhấn mạnh.

Đề xuất nhiều giải pháp đảm bảo quyền lợi cho NLĐ

Để giải quyết tình trạng trên, BHXH Việt Nam cho biết với 206.468 NLĐ tại các đơn vị chậm đóng không có khả năng thu hồi, BHXH đã thực hiện chốt sổ để giải quyết chế độ hưu trí, BHXH một lần, bảo lưu quá trình đóng hoặc chuyển đóng ở đơn vị mới.

Song song đó, ngành cũng chuyển hồ sơ đến các cơ quan điều tra kiến nghị điều tra, khởi tố các trường hợp vi phạm việc đóng BHXH. Tính đến ngày 30-6-2023, BHXH các tỉnh, thành gửi đi 401 hồ sơ kiến nghị khởi tố, thực hiện khởi kiện 5.376 đơn vị chậm đóng BHXH (đã đưa ra xét xử 1.759 đơn vị). Tuy vậy, tình trạng chậm đóng BHXH cho NLĐ vẫn xảy ra.

BHXH Việt Nam thừa nhận chế tài hành chính đối với hành vi chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Chẳng hạn DN có nhiều tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau và tài khoản cung cấp cho cơ quan xử phạt thường không có số dư. Vì vậy, nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính không được cá nhân, tổ chức vi phạm thực hiện.

Ngoài ra, việc khởi kiện của công đoàn gặp khó khăn khi các văn bản pháp luật chưa thống nhất về tư cách của đơn vị khởi kiện là tổ chức công đoàn cơ sở hay tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở. Nếu giao công đoàn cơ sở sẽ khó đảm bảo khách quan, vì đa số cán bộ bị lệ thuộc vào chủ DN.

Với các bất cập về luật, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung quy định cụ thể hai hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH. Cụ thể, quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng BHXH; ngừng sử dụng hóa đơn, hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động cố tình chậm đóng, trốn đóng BHXH.

Dự luật cũng bổ sung quy định cơ quan BHXH có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH. Trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ LĐ-TB&XH lấy tiền kết dư từ Quỹ BHTN (khoảng 2.262 tỉ đồng) để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ tại các đơn vị trên. Tuy nhiên, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng theo Luật Việc làm, Quỹ BHTN không có nội dung chi cho các trường hợp này, đề nghị BHXH Việt Nam đánh giá lại tác động, dự báo các phát sinh khi thực hiện đề xuất.

Điều 216 BLHS năm 2015 về tội trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT quy định dấu hiệu bắt buộc để xử lý hình sự là đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN mà còn vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết quyết định xử phạt hành chính kèm theo kiến nghị khởi tố do cơ quan BHXH chuyển sang cơ quan điều tra đều về hành vi chậm đóng, vì vậy không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Khoản 1 Điều 216 quy định: “Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định…” nhưng lại không nêu rõ hành vi gian dối hoặc thủ đoạn khác là những hành vi cụ thể nào.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-lao-dong-bi-doanh-nghiep-no-bhxh-15-nam-post770081.html