Người lao động cần cân nhắc việc lựa chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần

Những năm gần đây, số người nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần có chiều hướng gia tăng, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt và lâu dài của người lao động (NLĐ). Trước thực trạng này, ngành BHXH tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo NLĐ nên cân nhắc, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) để chăm sóc sức khỏe khi về già.

 Cần tăng cường tuyên tuyền để NLĐ hiểu rõ lợi ích khi không nhận BHXH một lần - Ảnh: B.B

Cần tăng cường tuyên tuyền để NLĐ hiểu rõ lợi ích khi không nhận BHXH một lần - Ảnh: B.B

Theo thống kê của BHXH tỉnh, trong năm 2020, đơn vị đã giải quyết cho 3.344 người hưởng BHXH một lần, trong đó có 3.204 người tham gia BHXH bắt buộc và 140 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong quý I/2021, có 942 người tham gia BHXH bắt buộc, 51 người tham gia BHXH tự nguyện nhận BHXH một lần.

Thời gian qua, cơ quan BHXH đã tích cực tư vấn, thông tin về lợi ích của chính sách BHXH với các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, thuyết phục, vận động NLĐ không nhận BHXH một lần. Tuy nhiên, nhiều lao động vẫn chọn hình thức nhận BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt mà chưa nhận thấy những thiệt thòi về lâu dài. Chị Trần Thị Lệ, ở Thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong từng có thời gian làm việc tại Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam 4 năm 10 tháng, nay đã nghỉ việc ở nhà. Chị Lệ cho biết, sau khi nghỉ việc, chị được nhận khoản trợ cấp BHXH một lần là 49,7 triệu đồng, cộng với khoản hệ số trượt giá hằng năm là 5 triệu đồng. “Tôi cũng nhận thức được không tham gia BHXH sẽ ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của mình, tuy nhiên vì hoàn cảnh cá nhân nên tôi buộc phải nghỉ việc về quê. Sau này có nguồn thu nhập ổn định, tôi sẽ cân nhắc việc tham gia BHXH tự nguyện”, chị Lệ cho biết.

Trường hợp của chị Nguyễn Thị Thu, ở xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong và chị Lê Thị Liên, ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa cũng vừa được BHXH tỉnh giải quyết BHXH một lần. Lý do cả hai đều từng là công nhân ở các công ty sản xuất ngoài tỉnh, sau khi lấy chồng, về quê sinh con thì đều quyết định nghỉ việc và nhận BHXH một lần. Chị Nguyễn Thị Thu cho biết: “Ban đầu nhận chế độ BHXH một lần, có được số tiền để trang trải cuộc sống, nuôi con cũng thấy mừng, nhưng bây giờ, khi làm nghề buôn bán tự do, không có điều kiện đóng BHXH tôi mới thấy thiệt thòi quyền lợi”.

Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng NLĐ nhận BHXH một lần trong năm 2020 tăng cao chủ yếu do ảnh hưởng của COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, NLĐ bị tạm ngừng việc hoặc mất việc làm. Bên cạnh đó, một bộ phận NLĐ chọn đăng ký hưởng chế độ BHXH do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hoặc cần thêm vốn đầu tư làm ăn kinh doanh… Một số khác chưa nhận thức rõ ý nghĩa của việc đóng BHXH để khi hết tuổi lao động có lương hưu, tự đảm bảo an sinh khi về già.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Hồ Sỹ Nam, nhận BHXH một lần, khi về già nếu không may bị bệnh, không có thẻ BHYT, NLĐ có thể phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám, chữa bệnh chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài... Bởi lẽ, trong toàn bộ thời gian hưởng lương hưu, NLĐ được quỹ BHXH trả kinh phí để cấp thẻ BHYT miễn phí và được hưởng các quyền lợi về khám, chữa bệnh BHYT. Mặt khác, khi người hưởng lương hưu không may qua đời thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại thời điểm người hưởng lương hưu chết và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.

“Theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ. Trong đó, NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Trong khi đó, mức hưởng BHXH một lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Rõ ràng đã có sự thiệt thòi khi nhận BHXH một lần. Theo tính toán sơ bộ của cơ quan BHXH, việc nhận BHXH một lần sẽ khiến NLĐ thiệt hại từ 4 - 5 lần so với việc tiếp tục đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu sau này”, ông Nam cho biết thêm.

Ngoài ra, nếu nhận BHXH một lần, NLĐ không được cộng nối thời gian tham gia BHXH. Khoản tiền đóng vào quỹ BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là khoản tích lũy, dự phòng cho bản thân NLĐ khi hết khả năng lao động. Số tiền này không mất đi mà vẫn được cơ quan BHXH quản lý, đầu tư tăng trưởng, NLĐ hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH khi bị mất việc làm, không có thu nhập và khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ một phần kinh phí từ Nhà nước (theo mức 10, 25, 30% mức đóng tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tùy theo đối tượng). Nếu chưa nhận BHXH một lần, NLĐ sẽ được cộng nối với thời gian tham gia BHXH trước đó. Ngược lại, nếu đã nhận BHXH một lần, thời gian tham gia BHXH sau này sẽ được tính mới.

Cơ quan BHXH cũng thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo NLĐ nếu không may bị thất nghiệp thì nên đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp học nghề; đăng ký nhận chế độ hỗ trợ từ gói an sinh của chính phủ. Theo quy định, trong thời gian chưa tìm được việc làm mới, NLĐ thất nghiệp khi đăng ký sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp, tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc 5 lần mức lương tối thiểu vùng; được hưởng chế độ BHYT theo quy định để khám, chữa bệnh BHYT khi không may ốm đau. Cùng với đó, được hỗ trợ học nghề (tối đa 1 triệu đồng/người/tháng); được hỗ trợ, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí… Đây có thể xem là “phao cứu sinh” của NLĐ, giúp đảm bảo phần nào đời sống của bản thân một bộ phận NLĐ thất nghiệp và gia đình, góp phần ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=156714&title=nguoi-lao-dong-can-can-nhac-viec-lua-chon-nhan-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan