Người lao động chật vật giữa cơn 'bão giá'
Đại dịch Covid-19 vừa lắng xuống, cơn bão mới lại kéo đến đó là 'bão giá', nguyên nhân là do giá xăng, dầu liên tục tăng cao, kéo theo nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo, đời sống người lao động vốn đã khó nay chồng chất thêm khó khăn.
Quay cuồng với “bão giá”
Vừa đưa khách ra bến xe buýt, anh Sơn Sal quay lại bãi đậu xe nghiệp đoàn xe ôm trước Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng với hy vọng đón thêm được vài lượt khách nữa. Lau vội những giọt mồ hôi trên gương mặt đỏ bừng vì cái nắng gắt, uống ngụm trà đá tự mang theo, anh Sal bộc bạch: “Trời đã đứng bóng mà tôi mới chạy được 2 cuốc xe nội ô 40.000 đồng, đổ 1 lít xăng, phần còn lại không đủ mua 1kg gạo, nói gì đến mua thịt, rau. Hy vọng chiều mát xuống bà con đi lại nhiều hơn, kiếm thêm vài cuốc xe mới mong có được bữa cơm chiều cho vợ, con”.
Anh Sal hành nghề xe ôm cũng hơn chục năm, chưa bao giờ giá xăng lên cao như bây giờ, lấy cớ xăng tăng cái gì cũng tăng, chỉ xe ôm là không tăng giá, nếu tăng người dân sẽ không đi, bởi họ cũng khổ lắm. Đỡ hơn anh Sal, anh Bành Phước Sang cũng chạy được 2 cuốc xe nội ô nhưng được 80.000 đồng, đổ xăng xong, phần còn lại chỉ đủ lo cho bản thân. Còn anh Lê Văn Cường đi được 3 cuốc xe thu về 60.000 đồng, trong khi nhà có 3 đứa cháu đang chờ anh lo 3 bữa ăn/ngày, nghĩ đến anh lắc đầu ngao ngán. Anh Cường cho biết, trước dịch mỗi ngày anh em nghiệp đoàn kiếm được 300.000 - 400.000 đồng/ngày, sau khi trừ tiền xăng, cà phê, thuốc hút. Bây giờ mỗi người chỉ thu nhập được khoảng 150.000 đồng/ngày, chưa kể tiền xăng mỗi lít đã mất hơn 30.000 đồng. Mỗi lần xe hư chỉ biết mượn tiền góp để sửa; rồi tiền ăn uống, học hành hàng ngày của 3 cháu; hàng hóa cái gì cũng mắc… chưa kể phải trả tiền góp hàng ngày.
Sau giờ tan ca, nhiều công nhân lao động của các công ty thủy sản trên địa bàn tỉnh tranh thủ ghé chợ cạnh công ty mua vội ít thịt, cá, rau, củ để nấu bữa cơm chiều vì gần và giá cũng rẻ hơn so với các chợ khác. Lựa mãi, chị Phượng mới mua được trái bí đỏ tầm nửa ký và ít tôm thẻ với số tiền khoảng 50.000 đồng cho bữa ăn của hai vợ chồng, nếu trước đây chị chỉ bỏ ra khoảng hơn 30.000 đồng cũng với số lượng như thế. Theo chị Phượng, vợ chồng chị quê ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) nhưng để tiện cho công việc nên thuê phòng trọ gần công ty với giá 600.000 đồng/tháng luôn chi phí điện, nước. Đây được xem là mức giá thấp nhất, giúp chị tiết kiệm chi phí trong thời điểm bão giá, để có phần dư gửi tiền về quê nuôi con.
Đối mặt với "bão giá", công nhân lao động phải tiết kiệm các chi phí. Ảnh: H.LAN
Còn chị Kim Phụng quê Mỹ Tú (Sóc Trăng), khá ngần ngại khi chúng tôi xin phép vào phòng để bắt chuyện, bởi căn phòng khá ọp ẹp, đơn sơ. Theo chia sẻ của chị Phụng, do ở lâu dài và có một mình nên chị chọn thuê phòng tầm 500.000 đồng/tháng. Chị Phụng bộc bạch, trước đây, sau khi trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng chị dư được 2 triệu - 3 triệu đồng, nhưng nay vật giá cao quá, phần dư cũng mỏng lét, tháng nào không thiếu là mừng rồi. “Để tiết kiệm, chiều nay tôi chỉ mua bó rau muống về xào ăn chung với thịt kho hột vịt để sẵn mấy bữa nay. Có hôm mệt quá chỉ ăn tạm ổ bánh mì hay cái bánh bao cũng xong bữa, thời "bão giá" mà tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy” - chị Phụng chia sẻ.
Cần có chính sách hỗ trợ
Khi nghe thu nhập của công nhân lao động mỗi người khoảng 9 triệu - 10 triệu đồng/tháng (công nhân thủy sản), 5 triệu - 7 triệu đồng (công nhân may), 3 triệu - 4 triệu đồng (chạy xe ôm hoặc buôn bán hàng rong…), xét ra thì họ thuộc diện thu nhập cao, trung bình và trên chuẩn nghèo. Nhưng thực tế, một người thu nhập 9 triệu - 10 triệu/tháng nhưng số người phụ thuộc không ít. Điển hình như chị Thạch Thị Ma Ni, với mức lương bình quân 9 triệu đồng/tháng nhưng chị phải nuôi mẹ già, con gái đang tuổi học, thường xuyên phải phụ chồng trả tiền phân thuốc cho 5 công ruộng đang canh tác ở quê Long Phú (Sóc Trăng). Theo chị Ni, cuối tháng mà trong người còn được 200.000 đồng là vui lắm, vì phần lớn chị đều cháy túi và phải mượn tiền xài đỡ chờ đến ngày lãnh lương.
Nhiều người cũng tâm sự: "Tôi thu nhập cũng chục triệu nhưng không đủ chi tiêu trong gia đình". Bởi họ phải lo tiền học, tiền sữa, tiền ăn cho con, phí điện, nước sinh hoạt, internet… và khi ghi sổ và cộng lại lúc cuối tháng, ai cũng vỡ lẽ vì chi phí ăn uống quá cao do dầu ăn tăng, sữa lên giá, tiền xăng xe, giá thịt, cá, rau, củ, quả… tất tần tật đều tăng vì giá xăng liên tục lập kỷ lục sau mỗi lần điều chỉnh. Vì vậy, để công nhân lao động yên tâm sản xuất, người dân an tâm sản xuất, kinh doanh, trước mắt cần phải điều chỉnh giá xăng về mức hợp lý. Các ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng, nhất là hàng hóa thiết yếu, tránh tình trạng “té nước theo mưa” (lấy cớ xăng, phân, thuốc tăng… đẩy giá lên cao).
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, ngày 12-6-2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, theo đó tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% so với mức lương tối thiểu hiện hành từ ngày 1-7-2022, giúp cuộc sống công nhân lao động bớt phần vất vả. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã có Kế hoạch số 72/KH-UBND, ngày 3-6-2022 thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Chính sách này rất thiết thực, ý nghĩa nên rất cần triển khai nhanh nhất có thể, góp phần giúp công nhân lao động vượt qua cơn "bão giá". Ngoài ra, đối tượng cũng đang rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước, đó là những lao động tự do. Mặc dù nhiều lao động vừa qua đã được hỗ trợ tích cực từ Nhà nước, chính quyền địa phương trong lúc dịch Covid-19 nhưng tác động từ đại dịch là rất lớn và hiện kéo dài và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ. Vì vậy, Nhà nước cần có chương trình hỗ trợ vay vốn với cơ chế riêng biệt đối với các đối tượng này (như xe ôm, bán hàng rong, vé số…), vì đơn thuần họ chỉ có sức lao động chứ không hề có tài sản thế chấp nên rất khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng lành mạnh, an toàn. Do vậy, khi túng quẫn họ chọn lấy tiền bạc góp, vay nóng, vay tín dụng đen, vay qua app… với mức lãi suất trên trời và “không đủ khả năng” thanh toán nợ, nên họ mãi rơi vào vòng “vay - trả - vay”, cứ thế lãi mẹ đẻ lãi con không dứt.
Có thể thấy “bão giá” đã và đang hiện hữu trong từng bữa ăn, chi phí sinh hoạt của từng người, từng gia đình. Và cơn bão này dự báo vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Trung ương, bộ, ban ngành có liên quan và chính quyền địa phương để người dân không rơi vào bẫy tín dụng đen, công nhân lao động yên tâm lao động, sản xuất.