Người lao động có quyền được rút bảo hiểm một lần dựa trên thành quả đóng góp

Nhiều ý kiến cho rằng người lao động đóng bảo hiểm xã hội bằng tiền của mình thì có quyền lựa chọn rút bảo hiểm một lần dựa trên thành quả đóng góp. Tuy nhiên, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng khuyến cáo người lao động nên cân nhắc, vì nếu rời bỏ hệ thống sẽ mất các quyền lợi về lương hưu, bảo hiểm y tế…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ tiếp tục được trình Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra vào cuối tháng 5/2024. Tuy nhiên, hiện nhiều nội dung trong dự thảo luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là vấn đề hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

ĐẢM BẢO QUYỀN HƯỞNG BẢO HIỂM MỘT LẦN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

Trước kỳ họp, mới đây đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đã tổ chức tiếp xúc cử tri là công nhân, người lao động Thủ đô góp ý vào dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Liên quan đến vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch Công đoàn Bảo hiểm xã hội quận Long Biên (Hà Nội) đồng tình với phương án 1, cho phép người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày luật này có hiệu lực thi hành được nhận một lần.

Ông Dương nêu quan điểm chỉ nên giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với những trường hợp có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội dưới 60 tháng. Vì từ 60 tháng trở lên, khi người lao động gặp rủi ro, thân nhân được hưởng chế độ mai táng phí, chế độ trợ cấp tuất một lần sẽ giảm bớt gánh nặng cho xã hội, và gia đình.

“Lựa chọn phương án này nhằm khắc phục tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần thời gian qua. Đồng thời, giúp người lao động thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già”, ông Dương nói, và nhận định vấn đề này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội.

Trong khi đó, ông Tô Mạnh Linh, cán bộ công đoàn thuộc Liên đoàn Lao động quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), lại cho rằng chính sách cho người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần cần được tiếp tục duy trì, không phân biệt trước hay sau khi có luật mới, bởi đây là quyền lợi chính đáng của người lao động.

“Khi người lao động tham gia bằng tiền của chính họ thì cần có quyền lựa chọn, quyền tự quyết đối với công sức, thành quả lao động đã bỏ ra để đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội”, ông Linh nêu quan điểm.

Hơn nữa, việc dừng chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần có thể càng dẫn đến tâm lý quan ngại của người dân đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội. Theo ông Linh, có nhiều lý do dẫn đến người lao động gia tăng rút bảo hiểm xã hội một lần trong thời gian qua, song một thực trạng cần xét đến nữa là sự hài lòng của người lao động đối với chính sách bảo hiểm xã hội.

QUAN TÂM ĐẾN SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM XÃ HỘI

Đề cập về nội dung liên quan đến về đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội, ông Tô Mạnh Linh cho rằng có thể xem cơ quan Bảo hiểm xã hội đang vận hành quỹ này như một tổ chức kinh doanh tài chính, và các khách hàng ở đây gồm có người gửi tiền chính là người lao động, và người vay tiền là các định chế phù hợp với danh mục đầu tư được nêu trong Điều 127 dự thảo Luật.

Vị cán bộ công đoàn nêu góp ý, Bảo hiểm xã hội cần thực sự xem người tham gia đóng góp là những khách hàng mang lại doanh thu, và cần được chăm sóc với những chế độ tốt, dịch vụ có chất lượng, chứ không phải những người có nghĩa vụ phải đóng tiền để được nhận sự “ban phát” lại từ bảo hiểm xã hội. Đây là bước đầu của xây dựng sự hài lòng và lòng trung thành của cộng đồng với bảo hiểm xã hội.

Cần đảm bảo các quyền lợi của người lao động khi đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội. Ảnh: N.Dương.

Cần đảm bảo các quyền lợi của người lao động khi đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xã hội. Ảnh: N.Dương.

Về vấn đề có hay không tâm lý sợ quỹ không duy trì được, nên người lao động chủ động rút trước cho an toàn, ông Linh cho rằng ngoài việc liên quan đến vấn đề nguồn thu, phương án chi trả bảo hiểm xã hội, tâm lý này còn xuất phát từ băn khoăn tiền đóng bảo hiểm xã hội của người dân đang được đổ vào đâu.

Vì thế, theo ông Linh, đầu tư từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội là việc cần làm, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu đánh giá, lựa chọn phương thức và danh mục đầu tư của quỹ.

“Thận trọng trong đầu tư từ nguồn quỹ đặc biệt cần thiết, nhưng cũng cần mạnh dạn, quyết đoán lựa chọn một số lĩnh vực đang còn rất nhiều dư địa phát triển, khả năng thu hồi vốn cao, vừa trực tiếp liên quan đến vấn đề an sinh xã hội. Cơ chế quản lý, vận hành quỹ cần tiếp tục được hoàn thiện, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, hiệu quả. Đây là vấn đề căn bản, và là nền tảng để xây dựng lòng tin của người dân đối với bảo hiểm xã hội”, vị cán bộ công đoàn góp ý.

Ông Lê Văn Long, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội nhìn nhận, việc rút bảo hiểm xã hội một lần là lựa chọn của người lao động và cơ quan Bảo hiểm xã hội tôn trọng quyết định đó.

Thống kê tại Hà Nội, trong giai đoạn 2019 - 2023, thành phố đã giải quyết cho 173 nghìn trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần, song có khoảng 27 nghìn người quay lại tham gia sau khi được giải quyết chế độ (chiếm 20%). Riêng năm 2023, thành phố giải quyết cho 41 nghìn trường hợp (chiếm trên 8%).

Qua thống kê, độ tuổi giải quyết chế độ bảo hiểm một lần phần lớn từ 30 - 40 tuổi. Các trường hợp chủ yếu rơi vào những người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội nhấn mạnh người lao động nên cân nhắc, bởi nếu rời bỏ bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ mất các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm y tế, lương hưu, chế độ tử tuất, mai táng phí…

“Hiện chúng tôi luôn có bàn tư vấn sự thiệt - hơn khi người lao động muốn giải quyết chế độ một lần. Thực tế, có khoảng 30% người lao động không rút hồ sơ sau khi được giải thích cặn kẽ”, ông Long thông tin thêm.

Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo, hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Chính phủ để giải trình, tiếp thu ý kiến trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới. Quan điểm là vẫn giữ hai phương án như Chính phủ trình tại kỳ họp tháng 10 năm ngoái.

Ban soạn thảo đánh giá, cả 2 phương án đưa ra đều có những ưu, nhược điểm, song đều nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo tốt hơn quyền lợi lâu dài, an sinh xã hội bền vững cho người lao động theo mức độ và cách thức khác nhau, hạn chế số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Nhật Dương

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/nguoi-lao-dong-co-quyen-duoc-rut-bao-hiem-mot-lan-dua-tren-thanh-qua-dong-gop.htm