Người lao động là tài sản vô giá của doanh nghiệp
Trong quá trình trưởng thành, phát triển của mỗi doanh nghiệp, người lao động chính là nguồn lực sản xuất, là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Người lao động cũng là một động lực để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Do đó, việc chăm lo, bảo vệ và tạo ra phúc lợi lâu dài cho người lao động, xây dựng được mối quan hệ lao động ổn định, bền vững, tiến bộ cũng chính là yếu tố giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ
Đề cao vai trò của người lao động đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, tại lễ vinh danh 64 Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã nhấn mạnh: “Để đạt được mối quan hệ hài hòa, ổn định, doanh nghiệp cần phải coi mỗi người lao động là tài sản vô giá của mình và mỗi người lao động cũng đều nhận thức đầy đủ trách nhiệm của bản thân với sự phát triển chung của doanh nghiệp”.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, trong những năm qua, đặc biệt giai đoạn đại dịch COVID-19 xảy ra, Đảng và Nhà nước có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Nhiều chính sách hỗ trợ liên quan tới an sinh xã hội, lao động, việc làm đã góp phần ổn định tâm lý người lao động, giữ chân người lao động tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong nhiều thời điểm khó khăn.
Nhờ đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, sự hỗ trợ tích cực của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp thực sự đã trở thành lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều lĩnh vực; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, góp phần giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 910.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 31.000 hợp tác xã và 5,5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp hơn 60% GDP cho đất nước.
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tại Nghị quyết, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo cần phải xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, thực chất giữa doanh nghiệp và người lao động, đẩy mạnh ký kết thỏa ước lao động tập thể, giải quyết hài hòa lợi ích doanh nghiệp và người lao động; định kỳ tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động trong doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nhân, doanh nghiệp, phối hợp phát triển doanh nghiệp, xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội.
“Nghị quyết mới với những nội dung mới trong quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển, phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam chắc chắn sẽ mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ nhất quán quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức mới, để xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, hùng cường và thịnh vượng, tại lễ vinh danh Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần phải tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm xã hội nhất là với người lao động và kiến tạo môi trường sống, làm việc ngày càng tốt hơn.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ, tập thể lãnh đạo Chính phủ tiếp tục nhất quán quan điểm đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp. Tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đây là mục tiêu lớn nhất và xuyên suốt chúng ta đã đạt được và sẽ tiếp tục phải giữ vững trong các năm tiếp theo. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị:
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế đáp ứng yêu cầu của thị trường trong tình hình mới.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp tiếp tục xây dựng, triển khai hiệu quả phong trào thi đua học tập, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học tập suốt đời trong công nhân lao động. Tăng cường các hoạt động tư vấn, tuyên truyền pháp luật để người lao động tuân thủ và hiểu biết pháp luật trong lao động, hỗ trợ kịp thời người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động. Tăng cường hoạt động đối thoại, thương lượng, tham gia ý kiến với những người sử dụng lao động về bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết chế độ cho người lao động theo đúng quy định pháp luật.
Các doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế. Phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động sáng tạo để không những phát triển doanh nghiệp do mình làm chủ mà còn tăng cường liên kết với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp để nâng tầm vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu. Đẩy mạnh tìm hiểu, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Cùng với đó, bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người lao động, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về phía người lao động, cần chủ động học tập, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng nghề, kỹ năng làm việc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu môi trường lao động, môi trường làm việc trong tình hình mới. Song song đó, hỗ trợ, đồng hành cùng chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp để tạo ra nhiều giá trị kinh tế, duy trì mối quan hệ làm việc tích cực, đảm bảo môi trường làm việc lành mạnh.