Người lao động là 'trái tim' chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh của PVPGB
Giai đoạn 2024-2029, các quy trình sản xuất, hệ thống quản trị và hoạt động kinh doanh của PVPGB tập trung vào bốn định hướng lớn: Điều khiển thông minh; dự báo hư hỏng, bảo trì; tối ưu chiến lược bảo dưỡng và tối ưu chiến lược kinh doanh.
Chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được triển khai sâu rộng tại Petrovietnam nhằm tạo ra chuyển biến lớn về năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Ngay từ những ngày đầu thành lập, PVPGB đã xác định chuyển đổi số là nền tảng và công cụ chính để phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chuyển đổi số và an toàn thông tin vừa là thách thức vừa là cơ hội, là chiến lược dài hạn giúp PVPGB gia tăng lợi thế cạnh tranh và sẵn sàng cho xu hướng dịch chuyển năng lượng.
Trong giai đoạn 5 năm (2024-2029), các quy trình sản xuất, hệ thống quản trị và hoạt động kinh doanh của Chi nhánh tập trung vào tự động hóa, số hóa tích hợp hệ thống IT (công nghệ thông tin) và OT (điều khiển) trên cơ sở dữ liệu vận hành thực tế của các nhà máy điện với bốn định hướng lớn: Điều khiển thông minh; dự báo hư hỏng, bảo trì; tối ưu chiến lược bảo dưỡng và tối ưu chiến lược kinh doanh.
Trong giai đoạn (2024-2025), chuyển đổi số tại Chi nhánh tập trung đảm bảo khả dụng thiết bị, an toàn vận hành nhà máy điện thông qua việc xây dựng báo cáo tự động để trực tiếp quản trị dữ liệu sản xuất, cảnh báo kịp thời về hư hỏng, sự cố máy móc thiết bị; quản trị kế hoạch chi phí, giá thành.
Ông Nguyễn Bá Quân, Tổ trưởng Tổ Chuyển đổi số PVPGB cho biết, kế hoạch bảo dưỡng sửa chữa nhà máy xây dựng dựa trên tình trạng thực tế của thiết bị, hướng đến độ tin cậy, hiệu quả kinh tế thay vì tuân thủ bảo dưỡng định kỳ truyền thống; chia sẻ, tối ưu dự phòng vật tư, tiết giảm tồn kho thông qua việc số hóa, chuẩn hóa mã, danh điểm, đặc tính kỹ thuật vật tư, hệ thống kho ảo giúp thống kê tài sản và chia sẻ thông tin vật tư giữa các nhà máy điện; đồng thời, sử dụng vật tư tương đương và gia công chế tạo không phụ thuộc vào nhà sản xuất gốc bằng việc số hóa các thông số, đặc tính kỹ thuật, bản thiết kế của vật tư.
Đặc biệt trong năm 2024, PVPGB đã có hơn 90 sáng kiến cải tiến, một số sáng kiến sử dụng dữ liệu từ nhà máy để tính toán tối ưu vận hành, xây dựng hệ thống quản lý bảo dưỡng sửa chữa bằng máy tính (CMMS), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nâng cao công tác vận hành... Ngay từ khi tiếp quản các nhà máy điện, PVPGB đã số hóa toàn bộ hệ thống điều hành về quản lý giấy tờ, chỉ số báo cáo sản xuất hằng ngày để kịp thời điều hành sản xuất.
Nhờ vậy, các nhà máy điện của PVPGB về đích năm 2024 với nhiều kết quả ấn tượng. Theo đó, Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1 đã 2 lần lập kỷ lục mới về sản lượng điện phát trong ngày. Ngày 28/10/2024, Nhà máy hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản lượng điện năm 2024 được giao 5,579 tỷ kWh, về đích sớm 64 ngày.
Ngày 2/12/2024, NMNĐ Sông Hậu 1 đã phát lên lưới điện quốc gia 27,488 triệu kWh với tỷ lệ % công suất huy động là 100,7%, lập kỷ lục sản lượng điện phát trong toàn Petrovietnam trong vòng 10 năm qua; là nhà máy nhiệt điện than có thời gian bảo dưỡng sửa chữa định kỳ ngắn nhất tính đến hết năm 2024 với 15 ngày cho mỗi tổ máy (thông thường các tổ máy khác sẽ từ 15-20 ngày) và vượt tiến độ 1,5 ngày.
Ngày 29/11/2024, NMNĐ Thái Bình 2 cũng chính thức cán mốc sản lượng 5,529 tỷ kWh điện, hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2024 sớm 32 ngày. Dự kiến đến hết năm 2024, trong điều kiện thuận lợi, PVPGB sẽ nỗ lực đạt mốc sản lượng 13 tỷ kWh, vượt 17% kế hoạch được giao, góp phần tích cực vào kết quả chung của toàn Tập đoàn.
Chi nhánh chú trọng nghiên cứu thuê đơn vị có uy tín, kinh nghiệm đánh giá tình hình suất hao nhiệt, các thông số vận hành và hiệu chỉnh lò hơi, từ đó có giải pháp để giảm suất hao nhiệt, nâng cao hiệu năng, hiệu suất nhà máy.
Bên cạnh đó, PVPGB tập trung nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật, chuyển đổi công nghệ, bám sát các chuyên đề quản lý hiệu năng; hoàn thành công tác chuyển đổi nhiên liệu tốt hơn. Rà soát, đánh giá tình trạng máy móc thiết bị để có giải pháp cải tiến thiết bị, nâng cao hiệu suất, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nguyễn Bá Quân, việc áp dụng công nghệ mới và chuyển đổi số sẽ giúp Chi nhánh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động mà con người là nhân tố trung tâm và quan trọng nhất khi thực hiện. Những khó khăn và rào cản có thể gặp phải không ở trình độ mỗi nhân sự mà nằm ở việc thay đổi tư duy và nhận thức của người sử dụng, bởi sự quen thuộc với văn hóa và quy trình cũ. Ngoài việc nắm vững những kỹ năng cơ bản, người lao động cần thay đổi tư duy số hóa từ những thao tác nhỏ trong công việc hàng ngày, nâng cao trình độ, làm chủ công nghệ.
“Khi người lao động làm chủ công nghệ sẽ phát huy được nhiều giá trị gia tăng, do đó, trong ba trụ cột (con người, quy trình, công nghệ) tạo tiền để PVPGB xây dựng các nhà máy điện thông minh trong tương lai, nếu hạ tầng công nghệ thông tin là ‘xương sống’ thì con người chính là ‘trái tim’ của mô hình này”, ông Quân nhấn mạnh.
Để tiếp tục nâng cao độ khả dụng các nhà máy điện, tăng hiệu quả sản xuất, trong năm 2025, Ban lãnh đạo PVPGB đề ra các giải pháp, tập trung giám sát thực hiện nghiêm ngặt quy trình vận hành, rà soát, chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị để thực hiện tốt công tác bảo dưỡng sửa chữa theo khuyến cáo của nhà sản xuất và theo tiên đoán.
Bên cạnh đó, PVPGB cũng chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ, chuyển đổi công nghệ, bám sát các chuyên đề quản lý hiệu năng; hoàn thành công tác chuyển đổi nhiên liệu tốt hơn. Rà soát, đánh giá tình trạng máy móc thiết bị để có giải pháp cải tiến công nghệ thiết bị, nâng cao hiệu suất, tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, trong năm 2025, Chi nhánh sẽ triển khai, thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số với hệ thống giám sát điện năng (Power Monitoring), báo cáo sản xuất hàng ngày; công tác xây dựng mã định danh vật tư tại 2 nhà máy điện, hoàn thiện văn phòng điện tử, hệ thống báo cáo kinh doanh thông minh, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.