Người lao động mong chờ những chính sách an sinh bền vững

Ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu đến nay vẫn tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiêp (DN) trong cả nước, trong đó có tỉnh Đồng Nai. Một số DN không có đơn hàng buộc phải giải thể hoặc thu hẹp sản xuất, kéo theo đó, người lao động (NLĐ) bị cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (thứ 2 từ trái qua) cùng đoàn công tác của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thăm hỏi tình hình đời sống, việc làm của công nhân lao động tại phòng trọ ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Mai

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường (thứ 2 từ trái qua) cùng đoàn công tác của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thăm hỏi tình hình đời sống, việc làm của công nhân lao động tại phòng trọ ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Mai

Trước thực trạng trên, rất cần những chính sách lâu dài, thiết thực từ Nhà nước, địa phương nhằm ổn định thị trường lao động và duy trì việc làm bền vững cho NLĐ.

* Vẫn còn nhiều khó khăn

Anh Lê Văn Tòng (quê tỉnh Hà Giang), làm việc tại Công ty TNHH Sanlim Furniture Việt Nam cho biết, vợ chồng anh đều làm công nhân với thu nhập hơn 12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đầu năm 2023, vợ anh bị mất việc làm do DN thu hẹp sản xuất, còn anh phải làm việc luân phiên vì DN không có đơn hàng.

“Hiện tiền điện và các chi phí đều tăng, trong khi mức lương của tôi còn 5 triệu đồng/tháng. Tôi đang tính tháng 6 này các con nghỉ hè sẽ chuyển trường và để vợ con về quê sống luôn. Dù biết xa con sẽ rất nhớ nhưng trong hoàn cảnh khó khăn buộc phải tính đến phương án này” - anh Tòng bày tỏ.

Còn chị Nguyễn Thị Hoàn, ở trọ tại KP.6, P.Long Bình (TP.Biên Hòa) đã nợ 2 tháng tiền thuê nhà trọ do thu nhập giảm, chi phí không đủ trang trải cuộc sống. Chị Hoàn làm việc trong DN sản xuất gỗ tại P.Long Bình. Cuối năm 2022, chị phải nghỉ việc không lương do DN không có hàng để làm. Mới đây, chị trở lại làm việc luân phiên, thu nhập còn 4,2 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, chị phải lo đóng tiền học cho con, tiền điện, nước, sinh hoạt nên tiền thuê trọ hơn 1 triệu đồng/tháng không đủ chi trả.

Để ổn định thị trường lao động, mới đây, Bộ LĐ-TBXH đã chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động. Đồng thời, tăng cường hoạt động giao dịch việc làm, hỗ trợ việc làm cho NLĐ bị mất, thiếu việc. Cùng với đó, triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp và đề xuất hỗ trợ cho DN khi bị thu hẹp sản xuất, kinh doanh.

Ghi nhận thực tế ở một số DN cho thấy, trong quý I-2023, các DN vẫn tiếp tục thực hiện giãn giờ làm, ngừng tăng ca, không tái ký hợp đồng lao động mới với NLĐ, tạm hoãn hợp đồng lao động chờ đơn hàng, thậm chí chấm dứt hợp đồng lao động. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ảnh hưởng kinh tế toàn cầu, xung đột giữa Nga - Ukraine. Điều này khiến cho một số nhãn hàng hủy hợp đồng, giảm đơn hàng, nhiều DN không có đơn hàng mới hoặc chỉ ký với số lượng ít ỏi. Các DN ảnh hưởng nhiều nhất thuộc lĩnh vực dệt may, chế biến gỗ, giày da…, nơi có tỷ lệ thâm dụng lao động cao.

Theo Bộ LĐ-TBXH, trong quý I-2023, cả nước có gần 294 ngàn NLĐ bị giãn việc do tình trạng cắt giảm đơn hàng. Số lao động bị giãn việc tập trung ở các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Cũng trong thời gian này, có 149 ngàn lao động mất việc (tăng 39 ngàn người so với cuối năm 2022). Lao động bị mất việc tập trung ở một số tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có Đồng Nai với trên 32 ngàn NLĐ bị mất việc.

* Cần nhiều chính sách thiết thực hơn

Thời gian qua, Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp chăm lo, hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn, trong đó có chính sách hỗ trợ tiền thuê trọ, hỗ trợ NLĐ bị giảm giờ làm, mất việc làm. Tổ chức Công đoàn tỉnh đã sát cánh chăm lo cho những lao động không may bị mất việc làm. Đồng thời, triển khai Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16-1-2023 của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng. Theo đó, tính đến cuối tháng 4-2023, Liên đoàn Lao động tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 16 ngàn đoàn viên, NLĐ với tổng số tiền trên 20 tỷ đồng.

Dù các chính sách đã hỗ trợ kịp thời nhưng với một tỉnh công nghiệp có số lượng lao động 1,2 triệu người thì việc chăm lo, hỗ trợ hiện tại vẫn chưa thể đảm bảo cuộc sống bền vững cho NLĐ. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri giữa Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh với công nhân Đồng Nai diễn ra trước Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, NLĐ đã kiến nghị nhiều vấn đề như: tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững cho NLĐ trong bối cảnh nhiều DN đang thiếu đơn hàng; tăng lương tối thiểu vùng để giảm khó khăn cho đời sống NLĐ; vấn đề về nhà ở cho công nhân, thiết chế Công đoàn và hỗ trợ NLĐ được tiếp cận nguồn vốn hợp pháp…

Những kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng gửi đến đại biểu Quốc hội là những vấn đề sát sườn, thực tế với đời sống NLĐ hiện nay. Nhớ lại thời điểm năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hàng ngàn NLĐ đã phải chật vật, bất chấp nguy hiểm chở cả gia đình chạy xe về quê trong mưa để tránh dịch. Thời điểm đó, Đồng Nai phải bố trí các chuyến xe đưa NLĐ về quê phòng dịch an toàn. Năm 2022, tưởng như dịch bệnh được kiểm soát, NLĐ sẽ có việc làm, thu nhập ổn hơn. Nhưng việc thiếu đơn hàng ở các DN đã khiến cho đời sống NLĐ đã khó khăn nay lại chật vật hơn.

Trong khi đó, những lao động bị mất việc chủ yếu là lao động lớn tuổi nên khó có thể tìm lại được việc làm mới để lo cho gia đình. Nhiều lao động vì quá khó khăn phải rút bảo hiểm xã hội 1 lần để có chi phí trang trải cuộc sống. Một số lao động bị giảm thu nhập buộc phải tìm đến “tín dụng đen” và để lại nhiều hệ lụy cho bản thân và gia đình, xã hội.

Theo các chuyên gia về lao động, trước thực trạng NLĐ vẫn bị giảm giờ làm, mất việc kéo dài từ năm 2022 đến nay, Nhà nước, các địa phương cần phải có những giải pháp an sinh bền vững hơn cho NLĐ, nhất là những lao động lớn tuổi, mất việc làm. Bởi điều mong mỏi của NLĐ không phải nằm ở những gói hỗ trợ an sinh hay những khoản tiền trợ cấp trong những lúc ngặt nghèo mà là một công việc ổn định để có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình. DN cần có nguồn quỹ dự phòng để khi sản xuất khó khăn vẫn có thể lo cho NLĐ nhằm giữ chân nguồn lực.

Tại buổi tiếp xúc cử tri là công nhân lao động mới đây, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường nhấn mạnh, Đồng Nai có số lượng công nhân lao động rất lớn, đây là trụ cột bảo đảm sự phát triển và tăng trưởng của tỉnh. Tuy nhiên, còn rất nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống của NLĐ. Những ý kiến của công nhân lao động đều là những ý kiến xác đáng, xuất phát từ thực tiễn sản xuất và cuộc sống. Nếu không giải quyết kịp thời sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Lan Mai

Công nhân NGUYỄN THỊ DIỄM, làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa: Mong có những chính sách kịp thời hỗ trợ NLĐ

Hiện nay, nhiều DN trên địa bàn các tỉnh, thành trong cả nước nói chung, trong đó có Đồng Nai, thiếu đơn hàng khiến cho NLĐ phải tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc giảm giờ làm dẫn tới tiền lương, thu nhập thấp. Vì vậy, tôi mong muốn Nhà nước, địa phương quan tâm, có những chính sách kịp thời để tạo việc làm mới, bền vững cho NLĐ.

Công nhân LÊ THỊ HÀ, làm việc tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Việt Nam (TP.Biên Hòa): NLĐ cần được đảm bảo thu nhập

Đời sống NLĐ vẫn còn nhiều khó khăn, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng quan tâm xây nhà ở xã hội cho công nhân và đẩy nhanh xây dựng thiết chế Công đoàn để NLĐ được thụ hưởng một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, hiện giá cả các mặt hàng tăng nhưng tiền lương, thu nhập của NLĐ thấp. Vì vậy, tôi mong năm 2023, NLĐ được tăng lương tối thiểu vùng để giảm bớt khó khăn.

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202306/nguoi-lao-dong-mong-cho-nhung-chinh-sach-an-sinh-ben-vung-3168732/