Người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần sẽ đối mặt với những thiệt thòi gì sau này?

Thất nghiệp, thiếu tiền trang trải cuộc sống do dịch COVID-19 kéo dài, không chờ được đến ngày lĩnh lương hưu… là một trong những nguyên nhân khiến người lao động thực hiện rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần

Rút bảo hiểm xã hội 1 lần là câu chuyện đã xảy ra nhiều năm nay nhưng hiện rất đáng báo động. Thực trạng này không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia.

Chị Nguyễn Thu H. (nhân viên một công ty du lịch ở Hà Nội) vừa quyết định lĩnh bảo hiểm xã hội một lần với lý do dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến chị mất việc làm. Trong khi đó thu nhập của chồng cũng bấp bênh, gia đình đã phải vay mượn nhiều nơi để trang trải cuộc sống. Do vậy, chị H. quyết định rút bảo hiểm xã hội 1 lần, khi nào tìm được công việc mới thì sẽ đóng bảo hiểm xã hội lại sau.

Cuộc sống khó khăn, nhiều người đã lựa chọn rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Cuộc sống khó khăn, nhiều người đã lựa chọn rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Cũng đang chuẩn bị thủ tục rút bảo hiểm xã hội một lần, chị Nguyễn Thu Tr. (36 tuổi) cho biết, nguyên do chị muốn rút số tiền đóng bảo hiểm xã hội vì gia đình chị đang có nhu cầu gấp trang trải sinh hoạt. Tham gia bảo hiểm xã hội được 6 năm, dịch COVID-19 đã khiến gia đình chị lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Do mới có con nhỏ nên chị Tr. nghỉ hẳn ở nhà chăm con. Không biết mình rút được bao nhiêu tiền. Tuy nhiên, trước mắt số tiền này dùng để nuôi con nhỏ và phụ giúp chồng khi anh đang là lao động chính trong gia đình.

Là một giúp việc tự do, bà Trần Thị L. (45 tuổi) tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 10 năm nay. Biết rằng đóng thêm vài năm nữa là có lương hưu. Tuy nhiên bà Trần Thị L. cho biết mình không còn khả năng đóng tiếp nên phải rút. Dịch bệnh làm cho cuộc sống khó khăn, làm giúp việc cũng không ổn định, chỉ đủ nuôi bản thân.

Thiệt thòi khi rút bảo hiểm xã hội 1 lần

Theo Bộ Lao động - Thương Binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), nguyên nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần chủ yếu ở nhóm công nhân với thu nhập thấp, không có tích lũy, nên khi mất việc đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế. Tỷ lệ hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần rơi vào số người lao động nữ nhiều hơn, do sức ép về nuôi con, chăm lo gia đình, việc làm biến động . Khi đứng trước lựa chọn phải đi vay để lo cuộc sống và nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, người lao động thường chọn phương án rút bảo hiểm xã hội 1laanf.

Người lao động cần nắm được hệ lụy của việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Người lao động cần nắm được hệ lụy của việc rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Liên quan đến thực trạng này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã khuyến cáo người lao động không nên vì khó khăn trong đợt dịch bệnh mà chọn hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần. Bởi lẽ các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu.

Cụ thể, nếu nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, sau này khi tham gia lại bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ được tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội mới chứ không được cộng nối thời gian đóng trước đó.

Như vậy, người lao động mất đi cơ hội được hưởng lương hưu. Không có thu nhập để đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động. Hoặc nếu khi nghỉ hưu vẫn đủ thời gian được hưởng lương hưu thì do thời gian đóng bảo hiểm xã hội ít nên số tiền lương hưu sẽ thấp.

Cần nhanh chóng sửa luật

Để giảm số người rút bảo hiểm xã hội 1 lần, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa quy định theo hướng giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để được nhận lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới còn 10 năm. Cùng đó bổ sung chế độ trợ cấp nuôi con nhỏ; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm với người lao động trung tuổi.

Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH còn đề xuất sửa quy định về hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần theo hướng chỉ cho phép rút phần người lao động đóng góp. Bổ sung quy định người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu nếu không nhận bảo hiếm xã hội 1 lần sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn với mức trợ cấp hàng tháng cao hơn so với những người khác.

Theo ông Phạm Minh Huân (nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) , lý do rút bảo hiểm xã hội 1 lần có rất nhiều, nên cần điều chỉnh nhanh các chính sách liên quan. Đặc biệt là sửa Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó có giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu.

Những người đã đóng bảo hiểm xã hội hơn 10 năm thường đã trung tuổi. Họ dễ mất việc nhưng rất khó xin việc mới để đóng tiếp. Nên muốn giữ chân họ ở lại hệ thống cần điều kiện hưởng lương hưu dễ hơn. Cùng đó là các chính sách hỗ trợ khác đi kèm.

Việc tham gia bảo hiểm xã hội giúp người dân có lương hưu để chi tiêu, hưởng chính sách bảo hiểm y tế chăm sóc sức khỏe lúc hết tuổi lao động. Người dân không nên rút bảo hiểm xã hội 1 lần, điều này đồng nghĩa với việc phải gánh nỗi lo bảo đảm an sinh khi tuổi già.

H.P

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//nguoi-lao-dong-rut-bao-hiem-xa-hoi-1-lan-se-doi-mat-voi-nhung-thiet-thoi-gi-sau-nay-169220420154935185.htm