Người lao động trông chờ vào quyết tâm của Chính phủ
Tuần qua, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV bàn về dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, với đề xuất giảm thời gian làm việc của người lao động từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế có liên quan.
Người lao động đều rất mừng vì dự thảo Bộ luật này đã có những bước tiến phù hợp cơ bản với các nội dung, nguyên tắc của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), như nguyên tắc về bình đẳng, không phân biệt đối xử, về quyền tự do thương lượng của người lao động, cũng phù hợp với cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng giảm giờ làm khiến chi phí lao động sẽ tăng khoảng 18%, kim ngạch xuất khẩu giảm 20 tỷ USD, GDP giảm 0,5% mỗi năm…
Từ năm 1999 chúng ta đã áp dụng quy định 40 giờ/ tuần đối với lao động trong cơ quan, đơn vị hành chính, tổ chức chính trị, xã hội. Đến nay, sau 20 năm, điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng quy định thời giờ làm việc với người lao động khu vực ngoài Nhà nước vẫn là 48 giờ/tuần.
Điều này đã tạo ra khoảng cách và sự phân biệt khá lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước và người lao động khu vực ngoài Nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong lực lượng lao động.
Chúng ta đều biết, khi mà cả nhân loại đang chuyển từ nền kinh tế công, nông nghiệp sang nền kinh tế trí tuệ, thì lao động giá rẻ với trình độ lao động thấp không còn là thế mạnh trong thu hút đầu tư. Cơ cấu nghề nghiệp của giai cấp công nhân, của người lao động diễn ra theo chiều hướng tăng tỉ lệ công nhân "áo trắng cổ cồn" trong các ngành dịch vụ và các ngành sản xuất công nghiệp có sử dụng công nghệ cao, giảm tỉ lệ "công nhân cổ xanh" ở các ngành sản xuất công nghiệp truyền thống. Thực tế, nền kinh tế tri thức phát triển đến đâu thì lao động trí tuệ thay thế dần lao động cơ bắp đến đó.
Kinh tế tri thức mới hình thành và phát triển đã làm thay đổi định hướng phát triển kinh tế từ chỉ vì lợi nhuận chuyển sang định hướng phát triển đồng thuận giữa kinh tế, xã hội và môi trường. Tác động về mặt xã hội thể hiện sự xóa bỏ dần khoảng cách giữa lao động chân tay và lao động trí óc, xóa bỏ dần lao động sản xuất trực tiếp với lao động lãnh đạo quản lý đội ngũ công nhân đang vươn lên trở thành - giai cấp vô sản trí thức hay công nhân trí thức hóa, làm mất dần sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn.
Vấn đề lao động có vai trò quan trọng, mang tính cấp thiết, lâu dài đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Nếu chúng ta không có những bước thay đổi mang tính đột phá thì với điều kiện lao động, thời gian lao động và thu nhập như hiện nay thì người lao động Việt Nam lấy đâu ra thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình, nói gì tới việc dành thời gian học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ để tăng năng suất lao động. Còn đối với doanh nghiệp mà vẫn tận dụng được nhân công giá rẻ, thì chẳng ai dại gì phải mất tiền để đầu tư cho máy móc, công nghệ tiên tiến cả.
Xu hướng giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của loài người trên cơ sở phát triển của lực lượng sản xuất, đảm bảo tăng năng suất lao động, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, nhưng duy trì được sức khỏe, khả năng tái tạo sức lao động cũng như có thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội của người lao động.
Để giải quyết mâu thuẫn giữa lợi ích người lao động làm thuê với lợi ích nhà đầu tư, cần phải kết hợp hài hòa hai lợi ích này. Nhà nước cần tạo điều kiện thông thoáng để cho nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, bảo đảm lợi ích chính đáng của họ, đánh giá đúng vai trò và những đóng góp của họ.
Đồng thời, Nhà nước cần có những quy định bắt buộc đối với nhà đầu tư về việc đảm bảo mức sống tối thiểu và những điều kiện thiết yếu cho người lao động. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư không ngừng nâng cao mức sống, phúc lợi và đời sống tinh thần cho người lao động để động viên người lao động. Làm được như vậy thì người lao động sẽ yên tâm, gắn bó, toàn tâm, toàn ý với doanh nghiệp.
Người lao động đang trông chờ vào quyết tâm của Chính phủ, sự đồng hành mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp nhằm có được những đạo luật thật sự chất lượng, khả thi, đi vào đời sống, xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.