Người lao động Trung Quốc lựa chọn 'Ăn Tết tại chỗ'

Trung Quốc đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan tiềm ẩn của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, khi hàng trăm triệu lao động, người dân của quốc gia này đang bước vào cao điểm di chuyển, trên hàng loạt các phương tiện giao thông để đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết Tân Sửu 2021.

Doanh nghiệp Trung Quốc trao quà Tết và mừng tuổi cho lao động ở lại.

Doanh nghiệp Trung Quốc trao quà Tết và mừng tuổi cho lao động ở lại.

Trung Quốc đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan tiềm ẩn của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng, khi hàng trăm triệu lao động, người dân của quốc gia này đang bước vào cao điểm di chuyển, trên hàng loạt các phương tiện giao thông để đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết Tân Sửu 2021.

28-1 là ngày đầu tiên của đợt vận chuyển Xuân 2021, hàng không Trung Quốc có số lượng hành khách giảm 70%, ngành đường sắt tiếp nhận lượng khách giảm 60% năm trước. Càng gần những ngày Tết khối lượng di chuyển được dự báo sẽ tăng dần, tuy nhiên không thể tiến sát con số năm 2019.

Trong khảo sát gần đây nhất của mạng tìm việc số một Trung Quốc zhaopin.com, đối tượng khảo sát là các doanh nghiệp toàn quốc và lao động tại chỗ, có 57% số được hỏi cho biết sẽ lựa chọn ở lại, 27% muốn về quê đoàn tụ với gia đình.

Anh Lý, một đại diện cho lớp cổ cồn trắng đánh giá từ bản thân cho rằng, tốp lao động thu nhập cao đa phần đều đã ổn định cuộc sống tại chỗ, có chỗ ở và gia đình, cùng con cái hoặc thậm chí bố mẹ đang sinh sống cùng nhau, nên việc ăn Tết tại chỗ không ảnh hưởng quá lớn tới kỳ nghỉ. Nhưng đối với tầng lớp lao động nông thôn ra thành thị, đa số đều có nhu cầu về quê ăn Tết, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, nhóm lao động này đa phần quyết định ở lại bởi những chính sách hợp tình hợp lý từ doanh nghiệp chủ quản và chính quyền địa phương.

Anh Trương, một trong số những trường hợp đặc biệt lựa chọn ăn Tết tại chỗ cho hay, thay vì mua một chiếc vé đứng như mọi năm để về quê cho tiết kiệm, anh quyết định ở lại, cùng những đồng nghiệp như mình trải nghiệm một cái Tết trong ký túc xá. “Nguy cơ lây lan vẫn đang tồn tại, liệu tôi có thể quay lại với công việc sau Tết không vẫn là một câu hỏi. Công đoàn nơi tôi đang làm việc đã phân tích và động viên anh em chúng tôi rất nhiều, lãnh đạo cũng hết sức quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, vì an toàn xã hội, cũng cả vì thu nhập và nuôi sống gia đình trong tương lai, tôi sẽ ăn một cái Tết với gia đình qua mạng xã hội”, anh Trương nói.

Có 60% lao động nông thôn ra thành thị lựa chọn ở lại ăn Tết, một phần cũng bởi các chính sách kiểm soát bệnh dịch tại của Trung Quốc đưa ra nhiều yêu cầu nghiêm khắc. Các địa phương có số lao động nông thôn ở lại nhiều nhất gồm các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, sau đến các tỉnh, thành công nghiệp như Thiên Tân, Triết Giang, Hà Bắc, Quảng Đông.

Chính sách “ổn định chỗ làm, ăn tết tại chỗ” có sức ảnh hưởng lớn đến lao động thuộc các ngành sản xuất, thương mại, logistic, vốn là những ngành nghề trọng điểm trong công tác khôi phục kinh tế của Trung Quốc từ tháng 4-2020 trở lại đây. Sức hút của chính sách này ở chỗ, những người ở lại sẽ nhận được khoản lương thưởng từ doanh nghiệp và chính quyền sở tại, cùng với cơ sở vật chất và hạ tầng xã hội đầy đủ, phong phú tại nơi họ đang sinh sống và làm việc.

VI SA, phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/nguoi-lao-dong-trung-quoc-lua-chon-an-tet-tai-cho-634281/