Người lao động vất vả mưu sinh giữa trời nắng nóng

Từ ngày 16/5, Hà Nội lại bước vào đợt nắng nóng với nhiệt độ tăng mạnh lên tới 36 - 37 độ C. Vào lúc cao điểm giữa trưa đến đầu giờ chiều, nhiệt độ ngoài trời có nơi vượt mức 37 độ C.

Thời tiết khắc nghiệt, hơi nóng hầm hập bốc lên từ mặt đường bê tông khiến người đi đường cảm thấy vô cùng nóng rát, khó chịu. Không ít người chọn giải pháp làm việc ở nhà, hạn chế tối đa việc ra ngoài vào những lúc nắng gắt. Song, trên khắp các đường phố Hà Nội, người lao động vẫn vất vả vì đặc thù công việc, cuộc sống mưu sinh.

Vất vả mưu sinh

Ngồi ngay trước cổng Làng sinh viên Hacinco (phố Ngụy Như Kon Tum, quận Thanh Xuân) bên 2 chiếc mâm được kê trên thùng xốp bày nhiều loại hoa quả và ngô, khoai, lạc, chị Nguyễn Thị Hoa cho biết, ngày nào chị cũng bán hàng ở đây dù trời nắng to hay mưa gió, trừ khi ốm đau. "Nghĩ đến 36 - 37 độ C, ai cũng sợ, nhưng nghỉ ở nhà, lấy đâu ra tiền trang trải mọi thứ sinh hoạt, ăn học của các con. Nắng nóng quá, tôi trang bị cho mình các đồ chống nắng cẩn thận hơn và thường tìm chỗ có bóng cây để bán hàng cho đỡ oi bức, khách dễ dừng lại mua hơn", chị Hoa chia sẻ.

Nắng nóng, nhiều người bán hàng rong tìm đến những nơi có gốc cây to trên phố Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để bán hàng. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Nắng nóng, nhiều người bán hàng rong tìm đến những nơi có gốc cây to trên phố Nguyễn Thị Thập (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để bán hàng. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Dọc các con phố trên địa bàn quận Thanh Xuân, giữa trưa 17/5, dù thời tiết rất nóng bức nhưng vẫn xuất hiện nhiều người bán hàng rong bên lề đường, vỉa hè. Họ thường tập trung ở những nơi có tán cây to, nhà cao tầng che bớt nắng để tranh thủ bán hàng. Tuy nhiên, không ít người vẫn bất chấp cái nắng như "đổ lửa" gánh đồ hoặc đẩy xe đi bán rong khắp các phố để mong sớm bán hết hàng, bởi với một số đồ thực phẩm tươi nếu tồn đọng ở thời tiết như thế này rất dễ hỏng, héo.

Không cùng ngành nghề lao động như những người phụ nữ bán hàng rong, hàng chục tài xế (shipper công nghệ) của những hãng như: Grab, GoViet, Now, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm,...vẫn đứng khu chợ thuốc Hapulico (85 Vũ Trọng Phụng) chờ giao hàng cho khách. Các mặt hàng giao có thể là quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn hay bất cứ đồ gì khách có nhu cầu đặt mua là có shipper. Đặc biệt, vào những ngày nắng nóng 37-40 độ C, lượng hàng càng nhiều, nhất là đồ ăn uống, vì mọi người làm việc ở các khu văn phòng ngại ra ngoài ăn trưa.

Hàng chục shipper công nghệ đứng trên phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chờ giao hàng cho khách giữa cái nắng nóng oi bức đầu hè. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Hàng chục shipper công nghệ đứng trên phố Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chờ giao hàng cho khách giữa cái nắng nóng oi bức đầu hè. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Là shipper giao hàng nhiều năm cho Shopee, anh Đặng Ngọc Tiến cho biết, công việc của anh rất bận rộn, luôn bắt đầu từ sáng sớm đến chiều muộn. Dù mưa to hay nắng gắt, anh Tiến cũng như nhiều đồng nghiệp khác vẫn phải lao ra đường mưu sinh, giao hàng đến cho khách đúng thời hạn.

Vào những ngày nắng nóng, những vật dụng như áo chống nắng (loại dày, dễ thấm mồ hôi), khẩu trang, gang tay, nước uống, khăn bông thấm nước... luôn là những "trợ thủ đắc lực" giúp tài xế giao hàng như anh chống lại cái nóng như thiêu như đốt. Dù quá quen với thời tiết mùa hè, nhưng những ngày đầu mùa, anh Tiến vẫn bị "sốc" với nhiệt độ tăng cao.

"Mình làm nghề này phải quen với nắng to, mưa lớn dù công việc giao hàng phải đi nhiều địa điểm. Những người lao động như chúng tôi chỉ mong khách hàng hiểu, thông cảm nghe điện thoại và hẹn nhận hàng đúng giờ. Chứ nhiều khi mang hàng đến đúng địa chỉ rồi mà gọi khách không nghe hoặc ra lấy đồ rất chậm khiến chúng tôi càng thêm mệt mỏi. Thậm chí, có món đồ nhỏ phải đi 2 - 3 lần mới giao được cho khách", anh Tiến tâm sự.

Chủ động thích nghi với thời tiết khắc nghiệt

Vất vả hơn trong những ngày hè nóng bức phải kể đến công việc của hàng ngàn công nhân làm vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội. Bất chấp cái nắng khắc nghiệt của thời tiết, họ vẫn lặng lẽ quét dọn, thu gom rác thải trên khắp nẻo đường, góc phố để giữ cho Thủ đô luôn xanh - sạch - đẹp.

Trưa 17/5, vào lúc cao điểm của nắng nóng, công nhân môi trường vẫn vất vả thu dọn rác thải trên phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Trưa 17/5, vào lúc cao điểm của nắng nóng, công nhân môi trường vẫn vất vả thu dọn rác thải trên phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Đưa tay kéo chiếc khẩu trang to dày che gần kín khuôn mặt xuống thấp hơn một chút, anh Nguyễn Văn Phi, công nhân Hợp tác xã Thành Công đang làm nhiệm vụ thu gom rác tại đầu phố Nhân Hòa (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) chia sẻ, công việc dù vất vả, nhất là những ngày nắng to, nhưng hàng ngày anh vẫn ra đường cùng chiếc chổi, xẻng và xe đẩy rác cố gắng làm tốt nhiệm vụ của mình. "Ai cũng biết, càng nắng nóng, rác thải càng bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường nên không thể để rác thải tồn đọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân", anh Nguyễn Văn Phi bày tỏ.

Cùng chung công việc như anh Nguyễn Văn Phi, những ngày này như bao ngày khác, chị Hoàng Thị Tú vẫn phải ra đường từ sáng sớm thu dọn rác thải trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Giữa cái nắng gắt, nắng rát của đầu hè, vừa lau những giọt mồ hôi đổ đầy trên trán, chị Tú vừa ngập ngừng nói: "Do đặc thù nghề nghiệp thôi mà, nắng hay mưa, chúng tôi vẫn phải lao động. Vào những hôm nhiệt độ cao, làm việc lâu, tôi dễ bị choáng váng, say nắng. Vì vậy, ngoài những thiết bị bảo hộ do công ty trang bị, tôi luôn mang theo khăn mặt ướt và một chai nước to để uống cho đỡ khát, mệt"...

Nắng nóng như bỏng rát nhưng nhiều người thợ vẫn cố gắng làm việc để mưu sinh vì cuộc sống gia đình. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Nắng nóng như bỏng rát nhưng nhiều người thợ vẫn cố gắng làm việc để mưu sinh vì cuộc sống gia đình. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Nhặt những thanh sắt ngoài đường, anh Nguyễn Văn Ninh (quận Hoàng Mai) vất vả chuyển vật liệu vào công trình xây dựng đang thi công. Do phải khuân vác, đi lại nhiều, anh Ninh và một số người khác không sử dụng nhiều vật dụng chống nắng, chỉ cần một chiếc mũ, khẩu trang và áo dài tay là đủ. Làm công việc này gần 7 năm, anh Ninh cho hay, mặc dù nắng nóng vất vả hơn nhiều nhưng anh hạn chế tối đa việc mặc quá kín vì sẽ ra nhiều mồ hôi và nhanh mệt hơn.

Chưa hết ám ảnh bởi cái nắng như thiêu như đốt mới những ngày đầu tháng 5, sinh viên đang thuê trọ trong những khu nhà ở chật hẹp trên địa bàn Hà Nội không phải vất vả lao động để kiếm tiền nhưng họ cũng tiếp tục đối mặt với những khó khăn do nắng nóng. "Em thuê trọ ở một mình với căn phòng nhỏ chỉ tầm 10m2, không có điều hòa nhưng lại ở tầng 3 trên cùng nên thời tiết này vô cùng nóng bức, mệt mỏi. Sau một ngày đi học vất vả ở trường, đường sá đông đúc tắc nghẽn, về đến phòng trọ đêm rồi hầm hập, nóng không thể ngủ được", một sinh viên thuê trọ phố Nhân Hòa (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) tâm sự.

Cũng theo chia sẻ của nhiều sinh viên thuê nhà trên các địa bàn khác, do giá thuê tăng cao lại thêm tăng giá điện, họ không có điều kiện để thuê phòng có điều hòa, diện tích rộng rãi hơn. Vì vậy, để sống chung với mùa hè nóng bức, nhiều sinh viên tính cách đến những nơi có điều hòa mát mẻ để học tập, thư giãn như thư viện, quán cafe, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi 24/24h…Khi về phòng ngủ, nóng quá sinh viên lại nghĩ ra nhiều cách để hạ nhiệt trong phòng như làm ướt sàn nhà, tự chế "quạt điều hòa" với chậu đá…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, đợt nắng nóng lần này sẽ còn kéo dài với nền nhiệt cao. Đáng chú ý, từ ngày 16 - 18/5, chỉ số UV cực đại duy trì ở ngưỡng nguy cơ gây hại rất cao (từ 8 - 10), có thể gây bỏng da nếu tiếp xúc trực tiếp liên tục trong 25 phút. Chỉ số từ 10.5 trở lên là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, gây nguy cơ làm tổn thương da, bỏng mắt nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút nếu không được bảo vệ.

Nhiều người bán hàng rong vẫn vất vả mưu sinh giữa trời nắng nóng. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Nhiều người bán hàng rong vẫn vất vả mưu sinh giữa trời nắng nóng. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là người lao động khi ra đường để phòng tránh các tác hại của tia cực tím và đề phòng sốc nhiệt nên mặc áo chống nắng, mang kính bảo hộ; bố trí thời gian làm việc ngoài trời và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc môi trường nhiệt độ cao quá lâu; uống đủ nước và chủ động tăng khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.

Linh Khánh ( TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nguoi-lao-dong-vat-va-muu-sinh-giua-troi-nang-nong-20230517181403594.htm