Người lao động với bộn bề nỗi lo

Giá cả leo thang, đồng lương eo hẹp, nguy cơ mất việc cao, điều kiện sinh hoạt còn khó khăn, nhất là trong mùa nắng nóng… đó là những áp lực lớn luôn đè nặng lên người công nhân ở các khu, cụm công nghiệp, nhất là công nhân phải thuê trọ.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh tặng quà, chia sẻ khó khăn với người lao động công ty MC NEXVINA ở KCN Phúc Sơn.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh tặng quà, chia sẻ khó khăn với người lao động công ty MC NEXVINA ở KCN Phúc Sơn.

Hơn 17 giờ, nắng nóng vẫn hầm hập trong căn phòng trọ rộng chừng 15m2 lợp bằng tôn của nam công nhân Bùi Văn Cường. Anh Cường năm nay ngoài 30 tuổi, quê ở tỉnh Thanh Hóa, đến làm việc tại một công ty trong KCN Khánh Phú từ vài năm nay. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp, để tiết kiệm chi phí, anh Cường cho một người bạn cùng công ty đến ở cùng. Cả hai đều đã có gia đình ở quê nên đều cố gắng tằn tiện để mỗi tháng dư chút tiền gửi về quê nhà.

Anh Cường chia sẻ: Từ đầu năm 2023 tới nay, công việc của chúng tôi bị ảnh hưởng vì công ty thiếu đơn hàng. Tôi không được tăng ca nên mức lương cũng chỉ còn khoảng 5 triệu đồng/tháng. Khoản lương này gồng gánh nhiều chi tiêu, trong đó có tiền nhà là 500 nghìn đồng, tiền ăn hơn 1 triệu đồng, ngoài ra còn xăng xe và nhiều chi phí khác. Bước vào mùa hè nắng nóng, công ty phải cắt điện luân phiên nên công việc đã khó còn khó hơn. Chưa kể giá điện tăng, nên mỗi tháng tiền điện của chúng tôi cũng tăng từ 150 nghìn/tháng lên 170-180 nghìn đồng/tháng.

Căn phòng nắng nóng lắm, nhưng cũng không dám mua các thiết bị làm mát vì sợ tốn thêm tiền điện. Ở dãy nhà trọ này, nhiều công nhân phải bỏ trọ để về nhà tránh nắng nóng và cũng một phần vì do bị cắt, giảm giờ làm. Bình thường nếu tăng ca thì chúng tôi kết thúc ngày làm việc vào lúc 19-20 giờ tối. Nhưng hiện nay, hầu như công nhân nghỉ làm lúc 17 giờ, đủ để người lao động nội tỉnh vượt chặng đường xa để về nhà.

Dãy nhà trọ mà anh Cường nói đến gồm 10 phòng trọ, mỗi phòng rộng chừng 15m2 của gia đình ông Lê Văn Dược, ở thôn Phú Bình, xã Khánh Phú (huyện Yên Khánh). Ông Dược cho biết, dãy nhà trọ này được ông xây dựng từ lâu, để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Thường thì dãy nhà trọ kín người ở. Nhưng từ đầu mùa hè 2023, dãy trọ chỉ còn 5 phòng có người thuê.

"Người trọ ở đây chủ yếu là công nhân trong KCN Khánh Phú và là người ở huyện khác, còn một vài người là ở khác tỉnh. Mùa nắng nóng, giá điện lại tăng trong khi việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng nên nhiều công nhân chọn giải pháp chấp nhận đi xa để trở về nhà sau mỗi ngày làm việc. Trước đây, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để chia sẻ khó khăn với người lao động thì tôi cũng đã giảm giá nhà từ 500 nghìn đồng xuống còn 300 nghìn đồng/phòng/tháng"- ông Dược nói.

Ở xã Khánh Phú có 20 hộ kinh doanh phòng trọ với khoảng 60 phòng trọ. Đối tượng thuê trọ chủ yếu là công nhân làm việc tại các công ty thuộc KCN trên địa bàn và vùng lân cận. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều phòng trọ không có người thuê. Nguyên nhân là do người lao động phải nghỉ việc hoặc gặp khó khăn do công ty cắt giảm lao động; giảm giờ làm; chi phí sinh hoạt tăng cao; thời tiết nắng nóng… nên đã chuyển nơi ở hoặc đi về nhà. Để chia sẻ khó khăn với người lao động, chính quyền địa phương cũng thực hiện tuyên truyền, vận động các chủ nhà trọ giảm tiền thuê nhà.

Nữ công nhân Bùi Thị Bích Hợp đang làm việc tại Công ty MC NEXVINA ở KCN Phúc Sơn cũng chọn giải pháp sống chung với bạn để tiết giảm chi phí. Mức lương mà nữ công nhân nhận được là trên 5 triệu đồng/tháng. Bước vào mùa hè với những đợt nắng nóng cao điểm, với sự hỗ trợ thêm của gia đình, Hợp và bạn đã mua một chiếc quạt điều hòa có giá trên 3 triệu đồng để đảm bảo sức khỏe. Nhưng với khoản thu nhập vốn eo hẹp, nay lại phải gánh thêm chi phí phát sinh vì giá điện tăng, khiến Hợp và bạn cũng không dám sử dụng nhiều.

"Mấy tháng nay em không được tăng ca, thậm chí công ty đang thực hiện cắt, giảm lao động vì thiếu đơn hàng nên thu nhập của em bị giảm đáng kể. Điều em mong mỏi là công ty sớm tìm được giải pháp nhằm đảm bảo đơn hàng, duy trì việc làm cho lao động. Để tiết kiệm chi phí, chúng em cũng cố gắng "cầm cự" qua mùa nắng nóng bằng cách buổi tối thì đi ra ngoài, đi chơi ở siêu thị, đến khi căn phòng hạ nhiệt mới về ngủ"- Hợp nói.

Lao động trong ngành may mặc bị ảnh hưởng bởi làn sóng cắt, giảm lao động.

Theo số liệu thống kê từ Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có trên 42 nghìn lao động đang làm việc tại 73 doanh nghiệp trong 5 KCN. Trong đó, chủ yếu là lao động trong tỉnh. Một bộ phận lao động là người ngoại tỉnh, phải thuê nhà trọ để tiện thuận tiện cho công việc. Hiện nay, do hệ lụy của "hậu" dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động ở cả 8 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phải thu hẹp sản xuất, không tăng ca nên mức lương của người lao động thấp hơn so với trước đây.

Thậm chí, theo số liệu từ LĐLĐ tỉnh, tính đến giữa tháng 5/2023, toàn tỉnh có 21 doanh nghiệp phải cắt giảm lao động (tăng 5 doanh nghiệp so với quý I/2023) với tổng số CNLĐ bị ảnh hưởng là 20.459 người (số lao động bị giảm giờ làm là 19.788 người, số lao động bị chấm đứt HĐLĐ là 669 người); lao động nữ từ 35 tuổi trở lên là 6.037 người.

Để chia sẻ khó khăn với người lao động, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành chuyên môn tiến hành kiểm tra một số doanh nghiệp có đông công nhân về việc thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của Bộ Luật lao động đối với người lao động. LĐLĐ tỉnh cũng đã chỉ đạo LĐLĐ các huyện, ngành tuyên truyền để người lao động hiểu và chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Đồng thời, đồng hành cùng các doanh nghiệp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động. LĐLĐ tỉnh cũng hỗ trợ người lao động chủ động tìm kiếm việc làm thông qua việc giới thiệu nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khác trên địa bàn, đăng thông tin tuyển dụng trên wedsite, facebook, zalo của Công đoàn Ninh Bình.

Ông Phùng Minh Chung, Trưởng Ban Chính sách, Pháp luật, LĐLĐ tỉnh cho biết: LĐLĐ tỉnh triển khai Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam về hỗ trợ công nhân phải thực hiện giảm giờ làm, chấm đứt hợp đồng lao động. Đến nay, đã có quyết định hỗ trợ 261 người với số tiền 274,5 triệu đồng trong 5 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh cũng hướng dẫn các cấp Công đoàn tham gia động viên người sử dụng lao động quan tâm, điều chỉnh tiền lương, tăng định mức ăn cơm ca, hỗ trợ tiền đi lại, tiền thâm niên công tác đối với người lao động. Một số LĐLĐ huyện, thành phố và Công đoàn các KCN đã chủ động phối hợp với chính quyền địa phương có các KCN tuyên truyền, vận động các chủ nhà trọ giảm giá tiền thuê nhà, tiền điện, nước.

Đáng chú ý, các cấp Công đoàn đã tiến hành khảo sát, tổng hợp CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có kế hoạch giúp đỡ, nguồn kinh phí được trích từ Quỹ "Mái ấm công đoàn"…

Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp trước mắt, thiết nghĩ các ngành chức năng cần tiếp tục triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Bởi chỉ khi doanh nghiệp ổn định và phát triển thì đời sống người lao động mới được cải thiện bền vững.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/nguoi-lao-dong-voi-bon-be-noi-lo/d20230607152555538.htm