Người lao động với việc tăng giờ làm thêm

Quốc hội đang bàn về điều chỉnh, bổ sung Bộ luật Lao động, trong đó có vấn đề tăng giờ làm thêm từ 200-300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Làm thêm nhiều giờ, lao động được trả nhiều tiền, nhưng không phải lao động nào cũng thấy vui, bởi phía sau những đồng tiền kiếm được đó, nhiều người lao động sẽ không còn thời gian để chăm sóc con cái, gia đình, vui chơi, giải trí, thậm chí là kiệt sức.

Về vấn đề tăng giờ làm thêm, phần lớn lao động trẻ hào hứng ủng hộ, nhất là những lao động trẻ mới lập gia đình, phải nuôi con nhỏ. Các công nhân trẻ cho rằng lương công nhân hiện nay chưa đủ sống nên phải “cày” thêm mới đủ tiền lo cho con... Còn những lao động lớn tuổi thì ngao ngán bởi sức khỏe giảm sút, làm thêm nhiều, chất lượng công việc không những không hiệu quả mà còn dễ dẫn đến sai sót, tai nạn bởi thao tác đã chậm chạp, thiếu chính xác...

Hiện người lao động Việt Nam đang thực hiện theo chế độ ngày làm việc 8 tiếng và làm 6 ngày/tuần, tính ra là 2.688 giờ/năm, chưa kể mỗi năm người lao động làm thêm từ 200-300 giờ. Như vậy là mỗi năm người lao động làm ngót ngét 3 ngàn giờ, so với nhiều nước trong khu vực là tương đối cao. Tuy nhiên, điều lo ngại của nhiều đại biểu Quốc hội cũng như người lao động là hiện nay là không phải ai cũng có nhu cầu làm thêm, nếu quy định này được thông qua, chủ doanh nghiệp sẽ căn cứ vào Bộ luật Lao động và ép lao động tăng ca, trong khi hiện nay mức lương người lao động thấp, mức sống thấp và sức khỏe cũng không phải tốt. Vì thế, nếu tăng số giờ làm thêm lên 400 giờ/năm và kéo dài, chất lượng sống của lao động sẽ dần giảm sút, chưa kể nguy cơ bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp sẽ tăng lên.

Vì thế, theo ông Huỳnh Văn Tịnh, Giám đốc Sở Lao động - thương binh xã hội, tăng giờ làm thêm, tăng thu nhập là tất yếu, nhưng cái lợi vẫn thuộc về chủ sử dụng lao động. Do đó, làm thêm giờ không nên là quy định bắt buộc, điều này cần được thể hiện trong hợp đồng lao động cũng như các thỏa thuận lao động giữa người lao động và chủ doanh nghiệp, đặc biệt phải có cách tính giờ làm thêm theo thu nhập lũy tiến. Chưa kể, Bộ luật Lao động cũng cần có quy định đi kèm là chủ doanh nghiệp phải cải thiện môi trường làm việc, cải thiện bữa ăn ngoài giờ, có giờ nghỉ giữa ca chính và ca phụ để giúp người lao động giảm bớt căng thẳng khi tăng ca cũng như có đủ sức khỏe để làm việc và cống hiến lâu dài…

Trần Ai (phường Long Bình, TP.Biên Hòa)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/201906/ban-doc-viet-nguoi-lao-dong-voi-viec-tang-gio-lam-them-2950482/