Người lính già và ký ức qua hai cuộc chiến
Ông Dài đọc lại những trận đánh địch có ông và đồng đội tham gia cho cháu chắt nghe. Ảnh: KHÔI NGUYÊN
97 tuổi đời, 72 năm tuổi Đảng, 46 năm sống trong hòa bình nhưng những kỷ niệm về những năm tháng đi theo cách mạng, tham gia đánh Pháp và đánh Mỹ cứu nước vẫn không thể xóa nhòa trong tâm trí của người lính năm xưa.
Theo sự giới thiệu và hướng dẫn của Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hòa Thành, TX Đông Hòa, chúng tôi tìm về thôn Lộc Đông, xã Hòa Thành gặp CCB Lê Văn Dài (bí danh Lê Văn Nhiên, Lê Kim Chi).Trong căn nhà cấp 4 vừa được Nhà nước hỗ trợ sửa chữa lại, ông Dài cười rôm rả và bồi hồi kể về những năm tháng của đời mình.
Đi theo cách mạng
29 năm gắn bó với chiến trường và gần 10 năm công tác kinh qua nhiều chức vụ cho đến hôm nay, ông Dài sức khỏe yếu dần nhưng tâm trí vẫn còn minh mẫn, ánh mắt vẫn còn rất sáng. Lúc rảnh rỗi, ông đọc lại những cuốn sách lịch sử về những trận đánh của đồng đội và bản thân mình. Ông luôn dặn lòng và nhắc nhở con cháu: “Hòa bình hôm nay là xương máu của cha ông, hãy trân trọng!”.
Ông Lê Văn Dài là con thứ tám trong một gia đình nông dân nghèo yêu nước ở thôn Phước Bình (nay là Lộc Đông). Thân sinh của ông tham gia Hội Phụ lão cứu quốc và anh, em trong gia đình đều tham gia Thanh niên cứu quốc. Mới học hết lớp 5, ông phải đi ở mướn cho nhà địa chủ trong vùng để kiếm cơm. Những lúc rảnh rỗi, ông theo học nghề thợ điện từ người anh. Nhờ biết chút ít về nghề này, sau đó ông xin vào làm thợ máy ở Nhà máy đường Đồng Bò. Khi thực dân Pháp chiếm được các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Khánh Hòa, trực tiếp uy hiếp tỉnh Phú Yên, để kịp thời đối phó với tình hình chiến sự ngày một lan rộng, Ủy ban Việt Minh và Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh ra lời kêu gọi toàn dân làm vũ khí và chủ trương tổ chức các công binh xưởng, đáp ứng nhu cầu trang bị vũ khí cho các lực lượng vũ trang đủ sức ngăn cản bước tiến của quân thù. Ông tham gia tổ chức lực lượng vũ trang khởi nghĩa tại nhà máy đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Sau cuộc khởi nghĩa này, nhà máy đường giải tán. Vừa lúc đó, theo lời kêu gọi của Bác Hồ tổ chức Bình dân học vụ, ông trở về gia đình tham gia mở lớp dạy chữ cho bà con trong làng tại nhà. Ông nói: “Lúc này, ai biết nhiều dạy nhiều, ai biết ít dạy ít. Vợ biết chỉ cho chồng, chồng biết chỉ cho vợ nên việc dạy chữ rất sôi nổi và đồng loạt lan rộng khắp cả xã”.
Tháng 5/1946, ông Dài nhập ngũ vào Đại đội Ngọc Hà (đây là đại đội độc lập của tỉnh Phú Yên) do đồng chí Ngọc Hà làm Đại đội trưởng. Đơn vị nhiều lần tổ chức đánh vào các đồn địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. Năm 1947, ông được tăng cường về địa phương, tham gia đội du kích của xã Hòa Thành, giữ chức trung đội trưởng đảm trách nhiệm vụ tuần tra, canh gác kiêm nhiệm Phó Chi trưởng Quân báo, nắm tình hình địch để báo cáo lại bộ phận chỉ huy, chính trị viên của trung đội.
Sau khi Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có quyết định thành lập Tiểu đoàn 375 trên cơ sở hợp nhất các đơn vị: Đại đội 4 (Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 108), Đại đội 10 (Tiểu đoàn 49, Tỉnh đội Quảng Nam), Đại đội 389 (Tỉnh đội Phú Yên), do đồng chí Phạm Dưng làm Tiểu đoàn trưởng, ông Dài tình nguyện nhập ngũ vào tiểu đoàn này cầm súng đánh giặc.
Đánh đồn Bàn Nham là một trong những trận đánh in đậm trong tâm trí của người lính già ở tuổi U100 này. Ông Dài nhớ lại: “Đồn Bàn Nham của quân Pháp nằm sát quốc lộ 1, ở phía nam cầu Bàn Thạch (nay thuộc phường Hòa Xuân Tây, TX Đông Hòa). Tiểu đoàn 375 và 365 hiệp đồng phối hợp công đồn. Chỉ huy 2 tiểu đoàn quyết định tập kết quân ở tây nam Hòa Tâm (hiện nay) rồi dùng thuyền vượt sông Bánh Lái, bí mật men theo 2 bờ sông rồi chia làm 2 mũi, một mũi từ mé sông đánh lên, mũi khác từ hai bên quốc lộ 1 đánh ra tạo thế bất ngờ. Chưa đầy 1 giờ đồng hồ, quân ta đã tiêu diệt một nửa sinh lực địch, phá hủy nhiều lô cốt lộ thiên và hầm ngầm của địch rồi rút lui an toàn”.
Năm 1954, ông Dài tập kết ra miền Bắc đổi tên thành Lê Văn Nhiên, được bố trí công tác ở nông trường Đông Hiếu (tỉnh Nghệ An) với vai trò tổ trưởng tổ sản xuất và tổ trưởng tổ Đảng. Năm 1963, ông được trở lại miền Nam theo nguyện vọng, đổi tên thành Lê Kim Chi và làm Trưởng Trạm hành lang vận chuyển hàng chi viện của Hội đồng tiền phương Phân khu Nam. Năm 1968, ông được bổ sung vào Hội đồng chi viện tiền phương Phân khu Nam Phú Yên. Ông Dài kể: “Hội đồng chi viện tiền phương có nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế thuốc men, quần áo, đạn dược từ Bắc vào Nam phục vụ kháng chiến. Mỗi đợt, đoàn có khoảng 40-50 người đi bộ trên cung đường Trường Sơn ra đến trạm Quảng Nam nhận và gùi hàng về. Cứ thế, hết đợt này rồi đến đợt khác. Mặc dù phải luôn hứng chịu mưa bom, bão đạn; vất vả với căn bệnh sốt rét rừng, nhưng khi có lệnh lên đường làm nhiệm vụ thì tinh thần ai nấy đều rất hăng hái vì một mục tiêu: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc”.
Thời gian sau, ông Dài được điều về làm trưởng bộ phận tiếp liệu Tỉnh ủy Phú Yên. Từ Sơn Hòa, ông cùng anh em trong bộ phận thường xuyên trực tiếp xuống các “cửa khẩu” ở xã An Xuân, An Nghiệp (Tuy An) mua hàng mang về cho đơn vị. Đến năm 1971, ông làm Trưởng Trạm Ngư nghiệp. “Tháng 9/1972, trong lúc tôi cùng một số anh em đang đan đó để đơm cá ở sông Ba thì bị địch phục kích bắt. Chúng giam tôi ở Củng Sơn, rồi đưa ra trại tù binh Phú Tài, Quy Nhơn (Bình Định), sau đó là nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa, Đồng Nai) và cuối cùng là đày ra nhà tù Phú Quốc”, ông Dài nhớ lại.
Ở trong tù, ông tiếp tục móc nối với các đồng chí tiếp tục hoạt động tham gia các cuộc đấu tranh về dân sinh, dân chủ, phản đối đánh đập theo kiểu côn đồ của bọn cai ngục…
Nhiệm vụ nào cũng tận lực, tận tâm
Đầu năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Dài được trao trả về huyện Thiện Ngôn (Tây Ninh) làm B trưởng của Trung ương Cục đón tiếp anh em tù chính trị. Khi hoàn thành nhiệm vụ, ông được ra Bắc điều dưỡng và làm quản lý Ban T72, Sầm Sơn (Thanh Hóa). Sau ngày giải phóng, trở về địa phương, ông lần lượt làm Bí thư Nông hội xã Hòa Thành và trúng cử vào HĐND xã; Phó Chủ tịch xã phụ trách khối kinh tế; Quyền Bí thư Chi bộ xã Hòa Thành. Trong thời gian này, đời sống bà con rất khó khăn, không có ruộng đất để sản xuất. Thực hiện chủ trương của Trung ương, ông đến từng nhà động viên các gia đình có nhiều ruộng đất vào hợp tác xã, phát triển kinh tế tập thể. Năm 1977, hạn hán kéo dài, hơn 300 mẫu ruộng của xã khô cạn, ông đi mượn từng thùng phuy để chứa xăng chạy máy nổ lấy nước về đồng chống hạn. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, ông đưa ra quyết định táo bạo: vận động bà con đi xẻ mương dẫn thủy, đưa nước về đồng. Ông vác cuốc cùng bà con xã viên lên kênh chính (mương cái) từ ấp Nam, xã Hòa Thành đào mương con dẫn nước về cánh đồng của xã. Nhờ vậy, năm đó cánh đồng lúa của bà con Hòa Thành có đủ nước. Năm 1978, ông được cấp trên điều động về bộ phận chính sách huyện Tuy Hòa, đến năm 1980 làm Giám đốc Xí nghiệp Nước đá Phú Hòa cho đến năm 1984 nghỉ hưu.
Ông Võ Thành Hải, Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Thành nhận xét: “CCB Lê Văn Dài đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Trở về với đời thường, ông luôn gương mẫu, thường xuyên nhắc nhở thế hệ trẻ thực hiện đúng theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, không quan liêu, tham nhũng, gần gũi với nhân dân”.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/265973/nguoi-linh-gia-va-ky-uc-qua-hai-cuoc-chien.html