Người lính năm xưa

Cái giếng nước sau vườn nhà bà Nụ quanh năm phủ đầy lá khô. Từng lớp, từng lớp lá trút xuống như ký ức của một người có tuổi. Mỗi năm cứ vào đêm trăng ấy, bà sẽ tắm gội bằng nước lá thơm, mặc bộ quần áo mới và ra giếng lấy nước về đặt lên bàn thờ cùng nén hương trầm.

Nửa thế kỷ đã qua, nơi đây vẫn còn những mái nhà nằm bình yên dưới bóng núi. Mùa xuân, cây lên xanh khiến đất đai thức dậy như một người trai trẻ sau giấc ngủ dài. Những cánh ong bay khắp các đồi cao, vườn thấp để tìm ra thứ hương tinh khôi nhất của mùa hoa mới. Năm ấy, bà Nụ còn trẻ lắm. Mới hôm nào cô bé Nụ còn gầy guộc, đen đúa theo cha dắt trâu lên đồi, giờ đã thành một cô gái ngày ngày lên đồi hái dâu về miệt mài nuôi tằm, dệt vải.

 Minh họa: TQ.

Minh họa: TQ.

Năm nay, từ lúc ra Giêng đến giờ không có một cơn mưa nào, ngay cả nước ở Mó Khoóng cũng chảy ri rỉ. Đêm đến, trẻ con khóc vật vã vì ngứa ngáy. Mặt trời nhô lên rọi ánh nắng gay gắt vào đôi mắt trũng sâu của những người già.

Một sớm, ông Bản - bố của Nụ dẫn về hai người thợ đào giếng. Nhà Nụ tíu tít lo thịt gà, làm cơm. Ở dưới bếp, Nụ lờ mờ hiểu ra rằng đám thợ này nhìn các loại cây mọc trên đất và dùng thuật có thể đoán được nơi có mạch nước.

Sáng ngày hôm sau, chọn giờ đẹp, ông Bản và hai người kia bắt đầu nhổ cỏ lên xem xét, bàn tính gì đó rồi lại tiếp tục đào bới. Sang ngày thứ hai, Nụ thấy họ bẻ cành cây làm thành hình chữ V, cứ thế cầm trên tay dò theo một đường vạch trên đất mà họ cho là “có mạch”. Đến ngày thứ ba, xem ra chẳng có hy vọng gì, người già trong xóm bắt đầu nghĩ đến lời cảnh báo mà tổ tiên để lại.

Một tối, khi cả nhà cùng ngồi bên bếp lửa, Nụ nghe cha bảo mấy hôm trước đi rừng thấy có vết bánh xe ở gần gò Mốc. Mẹ vừa cời than, vừa nói bâng quơ:

- Rồi ra chiến trường hết thôi.

- Nếu còn trẻ, tôi lại xin đi - bố cô đáp.

Bố của Nụ từng bị thương trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Giờ mỗi lần trái gió, trở trời vết thương lại đau nhức. Cả nhà im lặng. Nụ nhớ hồi bé, cũng bên bếp lửa này từng nghe kể câu chuyện cổ về con rắn thiêng nằm đầu quay về hướng Bắc. Chỗ gò Mốc chính là cái mào của nó, phần đuôi rắn quặt về hướng Tây chính là chỗ các xóm Dệu, xóm Dạo… Ngày xửa, ngày xưa không ai biết nó từ đâu đến bắt dê, bò, trẻ con. Một lần, nó bị trúng một mũi tên của chàng dũng sĩ nên chạy về đây nằm quằn quại. Nó không chết mà nhập vào đất nên chàng dũng sĩ không thể giết nó được. Dân đi nứa, đi củi không dám qua gò Mốc mà phải vòng qua mấy xóm dưới vì sợ động đến “ngài”. Khi “ngài” được yên ổn thì nước ở Mó Khoóng sẽ đầy ắp. Nếu ai phạm phải đất ở gò Mốc dù chỉ một dấu chân thì năm ấy sẽ hạn hán.

Hằng năm, cứ đến đêm trăng ấy, Nụ lại ra lấy nước đặt lên bàn thờ để ngóng vọng về những người lính đã mãi mãi sống trong lòng dân như một huyền thoại đầy hào sảng…

Thế nên khi có những vết xe bánh xích dưới gò Mốc ai cũng lo lắng. Nhiều lần, ông Bản định bụng gặp chỉ huy đơn vị để nói về chuyện cấm kị đó nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Cuộc kháng chiến đang ở giai đoạn quyết liệt, những đoàn quân đi miết mà chưa thấy trở về. Việc nước trọng đại nhưng chuyện làng, chuyện xóm cũng đâu nhỏ.

Một hôm, trong lúc vào rừng hái dâu, Nụ phát hiện ra nhiều cành vừa bị bẻ. Nhìn cách bẻ cành, cô đoán không phải do người dân đi rừng bẻ cành làm nêu nhận hay cắm để che bẫy thú. Bộ đội, đúng rồi, bộ đội bẻ lá để ngụy trang cho xe, Nụ thốt lên một mình. Từ nhỏ, dù hay được nghe người lớn kể nhưng cô cũng lại chưa bao giờ được gặp họ. Đang mải suy nghĩ bỗng Nụ nhìn thấy một vệt cỏ bị nhàu nát như thể vừa có con thú nào chạy qua. Tim đập mạnh nhưng Nụ vẫn không giấu được sự tò mò. Tay cầm con dao rựa đi rừng, Nụ rón rén từng bước theo vết trượt. Trước mặt cô lúc này là một cái hủm nhỏ. Còn nhớ ngày bé, Nụ đã thấy trâu bò bị sa chân xuống đây rất nhiều. Như có một sự mách bảo, ngước nhìn ánh nắng còn rọi qua kẽ lá, Nụ bám dây rừng men xuống. Trước mặt cô, một người mặc quân phục đang nằm với vẻ đau đớn. Nghe tiếng động, người đó nén đau đưa vội tay xuống thắt lưng định tìm bao súng. Cô vội lên tiếng: “Bộ đội ơi!”. Người này có vẻ đỡ lo lắng.

- Bộ đội bị sao đấy.

- Tôi, tôi…

Nhìn xuống bắp chân anh ta, Nụ nhận ra người này vừa bị rắn cắn chưa lâu. Cô nhớ ra mấy hạt đậu lào mang theo bên mình. Lát sau, thấy anh bộ đội đã qua cơn nguy kịch, cô chặt cái ống nứa cho anh uống nước. Lúc này anh đã tỉnh táo hơn nên đề nghị:

- Cô kiếm cho cái gậy, tôi có thể tự đứng dậy được.

- Không, anh vừa bị rắn cắn, không đi được. Chất độc sẽ chạy vào tim.

Nói xong, chính cô bỗng thấy đỏ mặt nghĩ đến lần thằng em trai cũng bị rắn cắn, cô đã phải cõng nó về tận nhà.

- Thế này nhé, cô cầm vật này chạy về đưa cho ông Bản trưởng xóm, ông ấy sẽ biết cách báo cho đồng đội của tôi. Nhờ cô…

Nghe nhắc đến “trưởng xóm”, Nụ suýt nữa bật cười nhưng lúc này cô vội chạy về thật nhanh. Sau khi báo cho bố biết, cô lại chạy đi lo cho mấy nong tằm và đàn lợn. Đến đêm khi đã đến giường đi ngủ cô mới nhớ ra trong cái bao nhỏ đeo bên hông lúc chiều còn một ngôi sao mà anh đã đưa cho cô cầm về như một vật làm tin. “Cái anh này thật thà, dễ tin người…”, Nụ cứ nghĩ đến điều đó rồi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Sáng hôm sau, hỏi bố về anh lính bị rắn cắn, ông chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Nụ hiểu bố mình đâu còn tâm trạng nghĩ đến việc khác khi nước ở Mó Khoóng càng ngày càng ít đi, không biết người dân cầm cự được đến bao giờ. Những kinh nghiệm mà người già truyền lại về cách tìm nguồn nước hình như chẳng còn giúp ích được nữa. Trước đây, khi gặp việc thế này người dân sẽ sắm một lễ, mời thày về cúng để nước về nhưng với điều kiện quanh khu gò Mốc phải yên tĩnh, không để ảnh hưởng đến lễ cúng…

Một hôm, đang hái dâu trên đồi, Nụ thấy từ dưới chân dốc, bố cô dẫn theo mấy chú bộ đội, Nụ đã thấy là lạ. Từ xa, cô chỉ thấy ông Bản và họ đi vào phía gốc cây nhội. Nụ vội men theo những thửa ruộng bậc thang để về nhà. Khi cô về đến nơi đã thấy cả ba người đang đào đất, những lớp đất mới được xới ẩm ướt như thể đang có mạch nước dưới đó. Một trong ba người đó là anh bộ đội hôm nọ. Lúc này cô mới để ý kỹ thấy anh ta trắng trẻo, thư sinh chứ không dày dạn mưa nắng, mình đồng da sắt như trong suy nghĩ của Nụ.

Hôm sau, lại có thêm một tốp các anh bộ đội tìm đến nhà cô. Trong bếp, cốp đồ xôi tỏa hương nghi ngút, bên cạnh là nồi nước để pha chè xanh, người trong xóm ra vào tíu tít. Bà nội vừa cời than vừa nói vọng ra sân hỏi mẹ cô:

- Đã thấy mạch nước chưa mẹ nó.

- Chưa bà ạ, nhưng nhà con với các chú ấy bảo nó chỉ ở quanh đây thôi…

Bà nội vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa than thở:

- Từ bé đến giờ tôi chưa thấy ai xem bản đồ để đào giếng như cái nhà anh Tuấn ấy cả.

Mẹ nói vọng vào:

- Chú ấy là sinh viên tổng hợp, là người Hà Nội giỏi lắm đấy bà ạ. Các chú ấy bảo cái gì khoa học cũng giải thích được.

Bà không nói gì nữa, lặng lẽ vào nhà thắp hương. Đêm ấy, khi trăng lên tỏ, mạch nước xuất hiện trong tiếng hò reo của mọi người. Hóa ra, mạch nước chẳng đâu xa mà ngay trong chính khu vườn này.

Đúng lúc ấy, các anh bộ đội nhận được tin phải tập hợp để sớm mai hành quân gấp vào chiến trường. Nụ chẳng kịp nói gì nhiều với Tuấn. Cô đưa cho anh ngôi sao gói trong chiếc khăn thổ cẩm, ánh mắt như một vì sao lấp lánh. Tuấn cầm chiếc khăn, họ cảm nhận được bàn tay nhau nóng hổi.

Rồi những đợt oanh tạc của máy bay Mỹ ra miền Bắc, cả nước cùng ra trận. Chiến tranh qua đi, từng ngày, từng tháng, từng năm đều có những người lính trở về. Nụ đã lên tỉnh học, cô tìm đọc từng tờ báo, từng mẩu tin nhưng không hề thấy phiên hiệu của đơn vì nào đóng quân ở thôn Gò Mốc năm ấy. Những gì còn đọng lại chỉ là hình ảnh anh bộ đội thư sinh với tấm bản đồ đã tìm ra mạch nước ngầm này.

Hằng năm, cứ đến đêm trăng ấy, Nụ lại ra lấy nước đặt lên bàn thờ để ngóng vọng về những người lính đã mãi mãi sống trong lòng dân như một huyền thoại đầy hào sảng…

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/van-hoa/tac-gia-tac-pham/405038/nguoi-linh-nam-xua.html