Người livestream phim 'Cô Ba Sài Gòn' có bị xử lý hình sự?

Theo luật sư, hành động livestream với mục đích 'câu like' sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính...

Bộ phim được livestream trên một trang phim online. Ảnh: Zing.vn

Bộ phim được livestream trên một trang phim online. Ảnh: Zing.vn

Liên quan vụ phim “Cô ba sài gòn” bị một người xem tại rạp livestream phát tán, trao đổi với PV Báo Giao thông chiều 15/11, luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội thông tin: Theo qui định của pháp luật hiện hành, trường hợp người quay lén, livestream dù có hay không có mục đích phán tán nội dung đã quay lên các trang mạng xã hội đều là hành vi vi phạm pháp luật.

"Trong các rạp chiếu phim, khán giả khi xem phim đều được phổ biến quy định không sử dụng các thiết bị ghi hình, điện thoại. Việc quay lén trong rạp chiếu phim trước tiên đã vi phạm quy định, nội quy của rạp chiếu phim. Việc này sẽ bị xử phạt theo quy định của rạp chiếu phim đó. Trường hợp người quay lén dù có hay không mục đích phán tán nội dung đã quay lên các trang mạng xã hội thì đây đều là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Tú nhận định.

Cũng theo luật sư Tú, những hành vi quay lén phim chiếu rạp có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự tùy theo trường hợp cụ thể.

"Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 131/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan, hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép, ghi âm hình như trên.

Người có hành vi quay lén trong rạp chiếu phim cũng có thể bị xử lý hình sự nếu có mục đích thương mại theo Điều 170a Bộ luật Hình sự năm 1999 sẽ được thay thế bởi Khoản 1 Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015:

Theo đó, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm", ông Tú dẫn luật và phân tích.

Ngoài ra, luật sư Trương Anh Tú còn cho biết: Việc sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình để phân phối công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo qui định trong trường hợp bên bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu bồi thường.

"Như vậy, đối với trường hợp nếu xác định việc quay lén trong rạp chiếu phim để cho bản thân lưu lại hoặc cho bạn bè xem, “livestream” với mục đích “câu like”, “câu view”, nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Chưa có bất kỳ dấu hiệu nào về việc quay lén trên nhằm vào mục đích “thương mại” mua bán nhiều sản phẩm, nhiều lần nhằm thu lợi bất chính nên chưa có dấu hiệu tội phạm, nên sẽ không bị xử lý hình sự.

Việc pháp luật quy định việc xử phạt đối với hành vi quay lén trong rạp chiếu phim như trên không chỉ giúp bảo vệ quyền tác giả của những nhà làm phim, bảo vệ giá trị đích thực của phim đồng thời nhằm răn đe những người có hành vi không đúng quy định pháp luật", ông Tú nói.

Lưu Huế

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nguoi-livestream-phim-co-ba-sai-gon-co-bi-xu-ly-hinh-su-d233154.html