Người lớn phải là tấm gương sáng cho con trẻ học theo
Từ xa xưa, người Hà Nội đã luôn coi trọng nền nếp, gia phong, văn hóa ứng xử trong gia đình và đây là một yếu tố quan trọng hình thành nên nét đẹp văn hóa người Hà Nội. Trải qua quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa, văn hóa ứng xử trong gia đình của người Hà Nội vẫn như một nét đẹp bất biến trong cuộc sống hiện đại. Hànôịmới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Giáo sư Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam.
- Thưa Giáo sư Lê Thị Quý, nét thanh lịch của người Hà Nội xưa thường được nhắc đến với chuẩn mực về văn hóa ứng xử trong gia đình. Cụ thể chuẩn mực ấy là những gì, thưa bà?
- Nói đến Hà Nội là người ta dễ thấy nét thanh lịch, gia giáo, đặc biệt là trong các gia đình nhiều đời sống ở đây. Có thể nói, sự gia giáo trong gia đình thì ở nơi nào cũng có, nhưng ở Hà Nội thì có tính tập trung và tiêu biểu hơn. Tính gia giáo của gia đình Hà Nội rất mạnh mẽ, biểu hiện qua giáo dục gia đình, văn hóa gia đình, các chuẩn mực trong gia đình, và đặc biệt là nó chịu ảnh hưởng nhiều của Nho giáo và văn hóa dân tộc. Những phép tắc, quy chuẩn của Nho giáo ở Việt Nam mềm mại và nhân văn. Chính điều này đã tạo ra nét gia giáo đặc trưng, tiêu biểu của gia đình Hà Nội so với các địa phương khác.
Người Việt Nam, đặc biệt là người Hà Nội xưa, luôn hướng đến việc xây dựng gia đình trong một hình mẫu: Cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, "anh em như thể chân tay”, vợ chồng chung thủy, hòa thuận... Đàn ông trong gia đình thường được giáo dục theo chuẩn mực đạo đức "nhân", "nghĩa", "lễ", "trí", tín" (Ngũ thường). “Nhân” là lòng nhân từ, lấy lòng nhân là lẽ sống, sống phải biết đối nhân xử thế, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. “Nghĩa” là thể hiện vai trò, trách nhiệm của con người với con người, giữa người với đời, với xã hội hiện tại. “Lễ” là lễ phép, lễ nghi, tức là phải biết xử sự, biết phép tắc, có văn hóa, có đạo đức truyền thống. “Trí” là sự hiểu biết, đã là đàn ông thì phải giỏi giang, có công danh sự nghiệp. Còn “Tín” là uy tín, là phải biết thủy chung trước sau như một, không thay lòng đổi dạ, dù hứa hẹn một việc nhỏ cũng chẳng sai lời.
Phụ nữ thường được cha mẹ dạy dỗ đủ bốn tiêu chuẩn (Tứ đức) gồm "công", "dung", "ngôn", "hạnh". “Công” tức là nữ công gia chánh, tề gia nội trợ, may vá thêu thùa, nuôi dạy con cái khỏe mạnh, chăm ngoan... “Dung” được hiểu là vẻ đẹp hình thức, dáng vẻ bề ngoài, sâu xa hơn còn là nét đẹp văn hóa, nhân ái, biết ứng xử, biết kính trên nhường dưới. “Ngôn” là lời nói luôn phải nhã nhặn, kín đáo, nhỏ nhẹ, dễ nghe. Lời nói đẹp còn phải gắn liền với cử chỉ phù hợp, đúng phép tắc, thể hiện sự đoan trang. “Hạnh” là đức thứ tư, được xem là quan trọng nhất của người phụ nữ. Nó bao gồm đạo đức, thủy chung son sắt, giàu tình yêu thương, đức hy sinh, giữ gìn nền nếp gia phong...
- Vậy những chuẩn mực văn hóa ấy có tác dụng thế nào trong việc duy trì nếp sống văn hóa của người Hà Nội, thưa bà?
- Trên đây là những chuẩn mực chung của gia đình Việt Nam nhưng nó được các gia đình Thăng Long - Hà Nội xưa giữ gìn và tạo thành một đặc điểm, một nếp sống độc đáo từ đời này đến đời khác. Từ quan điểm gia đình với cấu trúc chặt chẽ như vậy, tôn ti trật tự như vậy nên những người được giáo dục trong hoàn cảnh đó đều trở thành những người sống chuẩn mực trong lời ăn tiếng nói, trong văn hóa ứng xử, nho nhã, giàu lòng nhân ái, chừng mực, thanh lịch, văn minh... Khi nói đến gia đình Hà Nội là nói đến một gia đình điển hình của sự gia giáo nền nếp, khiến bất cứ ai là người Hà Nội cũng mang trong mình niềm tự hào khi được sinh ra trong một mẫu hình gia đình được nhiều người ngưỡng mộ.
- Trải qua một thời gian dài giao thoa, biến đổi và chịu ảnh hưởng của nhiều luồng văn hóa khác nhau, theo bà, các giá trị truyền thống trong cách ứng xử trong gia đình Hà Nội có còn không?
- Theo tôi, rất nhiều gia đình hiện vẫn giữ được chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình Hà Nội xưa. Theo kết quả điều tra xã hội học, hầu hết những người lớn tuổi trong các gia đình Hà Nội ngày nay đều tôn trọng chuẩn mực, nền nếp của gia đình xưa. Họ truyền dạy các thế hệ con cái không chỉ bằng lời nói mà còn bằng chính tấm gương của họ. Với người trẻ, bên cạnh một bộ phận “hòa tan” trong những giá trị mới thì vẫn còn nhiều người gìn giữ nếp cũ. Nhìn họ là thấy ngay "nét Hà Nội”, từ dáng đi, lời ăn, tiếng nói đều mang vẻ tao nhã, lịch thiệp. Những nét đẹp văn hóa đậm chất Hà Nội đã khiến bạn bè phương Tây yêu mến. Nhiều chàng rể phương Tây đã rất thích thú khi gia nhập cuộc sống và học văn hóa ứng xử của người Việt.
- Theo bà, người Hà Nội đã lưu giữ những nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình ấy bằng cách nào?
- Tôi nghĩ, phần nhiều là do giáo dục trong gia đình, và đặc biệt là nhờ sự nêu gương của cha mẹ. Trong các gia đình Hà Nội xưa, con cái học theo cách sống của ông bà, cha mẹ, từ “kính trên nhường dưới”, “đói cho sạch, rách cho thơm”, “giấy rách phải giữ lấy lề”, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” đến “thương người như thể thương thân”, "lá lành đùm lá rách”...
- Trong tương lai, Hà Nội có thể làm gì để nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình truyền thống vừa được lan tỏa rộng rãi vừa phù hợp với đời sống hiện tại?
- Các dân tộc, các quốc gia với nét riêng đặc sắc về phong cách sống, ẩm thực, trang phục... đã tạo thành bức tranh thế giới lộng lẫy. Dân tộc nào cũng cố gắng gìn giữ nét riêng của mình và Việt Nam cũng vậy. Chúng ta phân biệt được người Nhật với người Mỹ, người Pháp, người Trung Quốc, người Việt Nam, người Angola, người Nam Phi... bởi những nét riêng này. Cũng như vậy, nét đẹp rất riêng của người Hà Nội sẽ không mất đi mà mãi mãi là biểu tượng văn hóa. Chúng ta cần có chính sách bảo vệ và gìn giữ văn hóa dân tộc và truyền dạy nó cho các thế hệ tương lai.
Theo tôi, chúng ta cần tuyên truyền, quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống nhiều hơn nữa. Truyền thông, nghệ thuật..., mỗi lĩnh vực cần được đặt trong trách nhiệm chung là lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp đến mọi người dân. Tại các trường học, cần có những tiết học dành riêng cho việc giáo dục quy tắc ứng xử trong gia đình. Nhà trường phải đặc biệt chăm lo giáo dục học sinh các chuẩn mực về đạo đức, hành vi. Cần giáo dục để các em biết noi theo những tấm gương sống đẹp, biết tôn trọng bố mẹ, tôn trọng anh chị, người lớn trong nhà. Thầy cô giáo phải thực sự trở thành tấm gương tốt để các em học theo. Đặc biệt, bố mẹ phải biết tôn trọng con cái, biết nói chuyện với con, biết khuyên con cái làm điều hay, lẽ phải, hướng dẫn các con thành người... Có như thế thì mới mong gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa ứng xử trong gia đình, góp phần xây dựng lớp lớp người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
- Trân trọng cảm ơn Giáo sư!