Người lớn tuổi và bệnh tiểu đường
Phần lớn các hướng dẫn chăm sóc cho người tiểu đường đều như nhau ở mọi nhóm tuổi. Nhưng đối với những người lớn tuổi, việc chăm sóc có một số thay đổi.
Lựa chọn dinh dưỡng
Trong một số trường hợp, chế độ dinh dưỡng dành cho người lớn tuổi bị bệnh tiểu đường có thể không giống với các nhóm tuổi khác. Người lớn tuổi trong viện dưỡng lão thường bị thiếu cân hơn là thừa cân và có tỉ lệ cao bị thiếu dinh dưỡng. Vì thế, không nên lúc nào cũng giảm lượng chất béo, muối và đường trong khẩu phần ăn của người lớn tuổi bị bệnh tiểu đường. Chế độ ăn uống nghèo nàn hay không được quản lí là nguyên nhân của bệnh hạ đường huyết.
Sức khỏe răng miệng kém, hậu quả của việc dùng thuốc tiêu hóa, khả năng di chuyển, hạn chế vận động tay hay thị lực có thể gây khó chịu khi ăn uống. Người lớn tuổi thường uống ít nước hơn khiến cho cơ thể bị mất nước, đặc biệt trong thời gian bệnh. Đối tượng có nguy cơ cao nên được đánh giá về nhu cầu dinh dưỡng và nhận sự tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng, từ đó xác định được các vấn đề cần quan tâm như bổ sung năng lượng, thực phẩm chức năng và thực phẩm dinh dưỡng thay thế bữa ăn, giảm cân, chế độ ăn ít muối hay quản lí bữa ăn.
Đánh giá nhu cầu dinh dưỡng và chế độ ăn kiêng là một phần trong kế hoạch săn sóc cá nhân nếu sống trong viện dưỡng lão. Sở thích ăn uống cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong bất cứ chế độ ăn nào và người lớn tuổi bị bệnh tiểu đường nên được ăn nhiều loại thức ăn khác nhau. Nhân viên trong các viện dưỡng lão nên được đào tạo để có nền tảng kiến thức về nhu cầu dinh dưỡng cá nhân dành cho người bị tiểu đường.
Duy trì vận động
Việc tiếp tục vận động giúp tăng cường cơ bắp, duy trì sự linh hoạt và thăng bằng cơ thể, đồng thời nâng cao tính nhạy cảm với insulin. Điều này giúp người lớn tuổi tự chăm sóc bản thân, cải thiện sức khỏe tinh thần và ngăn ngừa bệnh tật.
Các bài tập rèn luyện thể lực mức nhẹ và giữ thăng bằng đã được chứng minh mang lại lợi ích cho người lớn tuổi, bao gồm đối tượng có sức khỏe yếu. Bài tập nâng cao sức mạnh và sự dẻo dai cho các chi trên giường hay ghế dành cho người nội trợ hay đối tượng bị giới hạn vận động có thể được hướng dẫn bởi chuyên gia vật lý trị liệu và được hỗ trợ bởi các nhân viên chăm sóc. Hãy thảo luận với bác sĩ gia đình trước khi bắt đầu một bài tập mới.
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết xảy ra khi mức đường huyết thấp hơn 4 mmol/l. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị hạ đường huyết ở người lớn tuổi:
Sử dụng 5 loại thuốc hoặc hơn
Bệnh thận mạn
Chế độ ăn uống nghèo nàn
Có các bệnh lý khác đi kèm
Nhiều người lớn tuổi có những triệu chứng gợi ý bệnh hạ đường huyết ít rõ ràng hơn, một số không biểu hiện triệu chứng. Vậy nên, có những dấu hiệu đầu tiên nên được người chăm sóc để ý:
Mất khả năng tập trung
Thay đổi tính tình
Đau đầu vào sáng sớm
Rối loạn giấc ngủ
Hạ đường huyết diễn tiến âm thầm có thể dẫn đến những triệu chứng gây khó chịu sau:
Dễ lẫn lộn
Khó khăn trong nói năng và khả năng tự chăm sóc
Khẩu vị kém
Cáu gắt
Đi đứng loạng choạng, dễ ngã
Hôn mê
Mất nhận thức
Đau tim hay đột quỵ
Chữa trị
Hạ đường huyết nên được điều trị ngay lập tức khi đối tượng còn tỉnh táo bằng đường glucose tác dụng nhanh, ví dụ như nước đường (không nóng, không thêm sữa), glucose dạng viên và kèm theo sau đó với thực phẩm chứa tinh bột như bánh quy, bánh sandwich hoặc bữa ăn. Nếu người đó bất tỉnh, hãy gọi cho các cơ sở y tế để nhận giúp đỡ hoặc xe cứu thương.
Đối với người lớn tuổi ở các viện dưỡng lão, hypo box (một bộ dụng cụ chăm sóc tại chỗ cung cấp nhiều loại sản phẩm chứa glucose để sử dụng trong trường hợp bị hạ đường huyết ở các bệnh nhân bị tiểu đường) với những phương pháp hướng dẫn chữa trị bệnh hạ đường huyết cầm tay.
Ngăn ngừa
Để ngăn ngừa hạ đường huyết, thời gian các bữa ăn nên được phân đều đặn và đồng thời có những bữa ăn phụ chứa carbohydrate (hyđrat-cacbon). Nên lưu ý những triệu chứng của bệnh hạ đường huyết và dấu hiệu nhận biết đối với các cá nhân có nguy cơ cao. Nồng độ đường huyết không nên kiểm soát quá chặt và thuốc phải đúng cho từng đối tượng. Đây là điều nên thảo luận với bác sĩ gia đình.
Theo dõi đường huyết giúp xác định những người lớn tuổi có nguy cơ bị hạ đường huyết nhưng phải luôn kết hợp theo dõi kết quả xét nghiệm máu có tính dài hạn hơn như chỉ số HbA1c.
Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người bị tiểu đường nên có chính sách riêng dành cho những đối tượng này, bao gồm quản lí và ngăn ngừa bệnh hạ đường huyết, kế hoạch chăm sóc những cá nhân bệnh tiểu đường và huấn luyện kĩ năng cho đội ngũ chăm sóc bệnh nhân tiểu đường.
Sức khỏe tinh thần
Trầm cảm thường phổ biến ở những người bệnh mãn tính và thường diễn ra âm thầm ở người lớn tuổi kèm theo các vấn đề sức khỏe phức tạp khác. Bệnh lí thần kinh, vết loét lòng bàn chân và tác dụng phụ của thuốc là nguyên nhân hình thành trầm cảm. Nguy cơ mất trí nhớ gia tăng theo tuổi. Bất cứ nguyên nhân nào gây ảnh hưởng tới tinh thần cũng có tác động đến khả năng kiểm soát bệnh tiểu đường.
Bác sĩ gia đình có các bài kiểm tra giúp tầm soát các triệu chứng của trầm cảm và mất trí. Việc nhận biết những vấn đề này ở giai đoạn sớm sẽ giúp hạn chế những tác động lâu dài.
Đối với người lớn tuổi ở viện dưỡng lão, việc tầm soát nên được thực hiện khi nhận vào và thường niên. Nếu bạn hoặc người thân đang sống chung với căn bệnh tiểu đường và mất trí, Living with Diabetes and Dementia (được cập nhật link bên dưới) sẽ giúp hướng dẫn và cung cấp những lời khuyên hữu ích dành cho bạn.
Nhập viện
Người lớn tuổi bị tiểu đường, đặc biệt là những người sống trong viện dưỡng lão có nhiều nguy cơ nhập viện hơn do bệnh tiểu đường làm cho bệnh đang mắc phải trầm trọng hơn và chính bệnh lí đó cũng tác động lên bệnh tiểu đường.
Đường huyết có thể tăng lên nhanh chóng trong suốt diễn tiến bệnh, đặc biệt là những người lớn tuổi bị mất nước. Người chăm sóc nên tăng cường theo dõi và hỗ trợ dùng thuốc trong thời gian này. Nên có hướng dẫn dành cho người chăm sóc trong đó chỉ rõ khi nào thì sự chăm sóc y tế là bắt buộc.
Nếu phải đi bệnh viện, nên mang theo bản sao chép kế hoạch chăm sóc bên mình để nhân viên y tế có thể biết được tiền sử bệnh tiểu đường và thuốc đang được sử dụng
Quản lý việc tự chăm sóc
Khi những thay đổi về cơ học khi cơ thể già đi ảnh hưởng đến khả năng tự chăm sóc bản thân, đó là dấu hiệu nên đi kiểm tra và có thể cần đổi thuốc.
Tuổi tác là nhân tố quan trọng trong các vấn đề phổ biến liên quan tới mắt như bệnh cườm mắt, đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng. Giảm thị lực và vận động làm cho việc chăm sóc bàn chân hằng ngày khó khăn hơn và những dấu hiệu ở giai đoạn sớm bị bỏ lỡ. Tiểu tiện không kiểm soát là triệu chứng chung của nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, bao gồm bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt hoặc thay đổi chức năng thận.
Có thể cho rằng các triệu chứng trên là do quá trình lão hóa hay do tình trạng tiểu đường. Tuy nhiên, nên gặp bác sĩ để được tư vấn khi có bất cứ triệu chứng mới nào xuất hiện và kêu gọi sự hỗ trợ từ người khác khi gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc và kiểm soát bệnh của bản thân.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-lon-tuoi-va-benh-tieu-duong-124984.html