Người Mạ quay về với nhà dài
Sau nhiều thập kỷ bị mai một, có nguy cơ biến mất trong đời sống cộng đồng, thời gian gần đây, nhà dài truyền thống tái xuất hiện tại một số ngôi làng của người Mạ ở Lâm Đồng.
Nhà dài của người Mạ
Ngôi nhà dài còn thơm mùi lá mây rừng của ông Điểu K’Bôi (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên) nổi bật giữa những căn nhà xi măng và nhà kiểu mái Thái kiên cố ở làng Bù Gia Rá. Ông cho biết ngôi nhà này được làm đúng như nhà truyền thống cổ xưa của người Mạ: Tất cả vật liệu đều từ tự nhiên (cỏ tranh, lá mây, cây tre, lồ ô…) chứ không có bất cứ thứ gì bằng sắt thép hay những chất kết dính không mang tính tự nhiên.
Các cột và xà nhà được đặt chồng lên nhau, hoặc ghép mấu (theo dạng ngàm) cho trùng khít chứ không hề đóng đinh và cũng hiếm khi phải dùng dây buộc. Thân cột gian ngoài cùng hoặc trên các cột chính được vẽ hoặc khắc chạm những đường kỷ hà quen thuộc; trên xà ngang ngay cửa ra vào, hoặc cột ở gian khách, khắc nổi hình những con vật như chim, rùa, kỳ đà, hoặc các hình sao, dấu nhân… Sàn nhà cách mặt đất khoảng 50 cm; cột, kèo nhà làm bằng tre già; phên cũng bằng tre, mái lợp lá mây và cỏ tranh.
Phải mất 2 tháng, ông mới dựng xong gian chính và dự kiến sẽ nối dài ngôi nhà này thêm nữa bởi theo phong tục của người Mạ, khi mỗi thành viên trong gia đình “bắt chồng”, đôi vợ chồng trẻ sẽ “ra riêng” bằng cách tự vào rừng tìm vật liệu dựng nhà, nối vào ngôi nhà của ông bà, bố mẹ... Cứ thế, nhà sẽ dài thêm ra, tuy nhiên, chỉ ở gian nhà chính ban đầu mới có bàn thờ Yàng (thần mặt trời) và một cây nêu uống rượu. Có sự kiện gì, cả đại gia đình sẽ quây quần bên gian nhà chính.
Về lý do dựng ngôi nhà này, ông Điểu K’Bôi nói: Nhà dài là nơi linh thiêng mà thần lúa thường trú ngụ nên lễ ăn trâu, ăn bò tổ chức tại đó sẽ ý nghĩa hơn. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống trong không gian nhà dài luôn thể hiện sự trang nghiêm và linh thiêng; tiếng cồng, tiếng chiêng sẽ vang vọng, thanh thoát ngân xa chứ không bức bí như trong những căn nhà bê tông, cốt thép.
Theo bà Điểu Thị P’Rợt - Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, nhờ có căn nhà này, thanh niên trong làng mới biết cách dựng nhà dài như thế nào. Hy vọng sắp tới xã sẽ có thêm nhiều nhà dài nữa để thu hút du khách đến tham quan không gian văn hóa của người Mạ, xem biểu diễn cồng chiêng, ăn cơm lam, uống rượu cần…
“Trước kia, nhà dài là nơi cộng cư của 3-4 thế hệ cùng huyết thống. Một số nhà có hơn 10 cặp vợ chồng sinh sống nên được nối dài cả trăm mét như trong Trường ca Đam San đã nhắc đến “Nhà dài như một tiếng chiêng ngân”, già làng ở Bù Gia Rá hồi tưởng.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-ma-quay-ve-voi-nha-dai-post1338777.tpo