Người mắc bệnh tiểu đường có ăn được tổ yến hay không?
Yến sào hay tổ yến là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng. Tuy nhiên người mắc bệnh tiểu đường ăn yến có ảnh hưởng đến sức khỏe không?
Thành phần dinh dưỡng trong yến sào
Yến sào có đến 31 nguyên tố vi lượng tốt cho sức khỏe như kẽm, sắt, đồng, canxi… và 18 loại axit amin.
Một số nguyên tố dinh dưỡng chính trong yến sào có thể kể đến như: Protein chiếm 50-60%, cung cấp nguồn năng lượng chính cho cơ thể, giúp củng cố thêm sức đề kháng.
Threonine - một loại axit amin tốt cho gan chiếm khoảng 2,69%, giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn, tăng cường hệ miễn dịch.
Axit aspartic: Giúp thúc đẩy cơ thể sản sinh globutin, hỗ trợ giúp tăng cường hệ miễn dịch và kháng thể.
Insoleucine, fructose: Giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi sức khỏe của cơ thể sau mệt mỏi.
Các chuyên gia dinh dưỡng đặc biệt lưu ý, trong yến sào có chứa 2 loại acid amin chính là leucine và isoleucine. Những loại axit amin này có tác dụng hỗ trợ kiểm soát, cân bằng lượng đường trong máu, tránh làm lượng đường trong máu tăng cao.
Bên cạnh đó, Phenylalanine có công dụng hỗ trợ quá trình hình thành Hemoglobin (có tác dụng vận chuyển oxy và glucose nuôi cơ thể) là nhân của hồng cầu, giúp cho người bệnh bổ máu. Vì thế, ăn tổ yến sẽ giúp người bệnh kiểm soát được lượng đường trong máu, phòng ngừa các biến chứng bệnh nguy hiểm.
Các loại axit amin có trong yến chưng như Serine, Alanine có tác dụng giúp cơ thể bảo vệ hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, giảm căng thẳng, giảm stress, trầm cảm, đặc biệt giúp người bệnh tiểu đường hạn chế được các biến chứng nhiễm trùng.
Người bệnh tiểu đường cần lưu ý khi sử dụng tổ yến
TS. Phạm Thùy Dương - Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Phương Đông - chia sẻ, tổ yến là một nguyên liệu tự nhiên, được hình thành 100% từ nước dãi chim yến. Do đó trong thành phần của tổ yến không hề chứa đường. Vì vậy, người mắc bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể sử dụng tổ yến mà không sợ làm ảnh hưởng đến lượng đường huyết trong cơ thể.
Người mắc bệnh tiểu đường thường phải tuân thủ chế độ ăn kiêng nên rất dễ dẫn đến tình trạng thiếu dưỡng chất. Do đó, các thành phần dinh dưỡng trong tổ yến giúp bổ sung nguồn dưỡng chất tốt cho người bệnh mà không chứa các chất độc hại hay làm ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Mặc dù tổ yến tốt cho sức khỏe, trong đó có cả người mắc bệnh tiểu đường, tuy nhiên để hấp thụ tối đa dưỡng chất trong yến sào mà không làm tăng chỉ số đường huyết, khi chế biến cần lưu ý:
Không sử dụng đường khi chưng yến, có thể thêm long nhãn và táo đỏ nhưng với lượng vừa phải
Bên cạnh đó, cần hạn chế tinh bột, vì thế khi chế biến yến chưng nên kết hợp với các nguyên liệu như thịt, rau, trứng, củ giàu chất xơ để cân bằng lượng dinh dưỡng.
Không chế biến quá lâu: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chỉ nên chưng cách thủy tổ yến trong khoảng thời gian từ 20-30 phút để giữ được nguồn dinh dưỡng quý giá. Khi chế biến các món như cháo yến, yến hầm gà… thì cần nấu chín các nguyên liệu khác trước, sau đó thêm lượng yến đã cách thủy vừa đủ vào để yến không bị mất đi dưỡng chất.
Một số món ăn bổ dưỡng chế biến từ tổ yến
Tổ yến sào với táo tàu khô và hạt sen: 4g tổ yến, 4 - 7 quả táo tàu khô, 20g hạt sen.
Cách làm: Rửa sạch yến sào, nhặt bỏ lông yến và ngâm khoảng 30 phút cho nở mềm. Cho vào nồi thố sứ hoặc nồi chưng yến khoảng 20 phút. Mở nắp nồi và cho thêm táo tàu, hạt sen và chưng tiếp tục thêm 5 phút.
Nấu cháo tổ yến với gạo mầm: Nguyên liệu gồm 4g tổ yến; 1/2 bát gạo mầm; 20g thịt bằm; hành và các loại gia vị.
Cách làm: Yến sào nhặt sạch lông rồi đem ngâm nước khoảng 10 phút, sờ thấy mềm thì bỏ nước. Cho vào thố hoặc nồi chưng yến chuyên dụng trong khoảng 20 phút. Gạo mầm ngâm khoảng 40 phút và đem đi ninh cháo, nêm gia vị nhạt vừa ăn. Tiếp tục thêm thịt băm vào cháo, sau đó đảo đều. Cho yến đã chưng vào cháo và đậy nắp trong khoảng 5 phút, rắc thêm hành.
Tổ yến chưng hạnh nhân: Nguyên liệu 5 - 10g yến đã tinh chế, 80g hạt hạnh nhân, 1 muỗng hạnh nhân cắt lát mỏng, 3 muỗng bột ngô, 300ml nước lọc.
Cách làm: Tổ yến ngâm nước trong nước khoảng 1 giờ. Hạt hạnh nhân ngâm vào nước khoảng 1 giờ thì vớt ra cho ráo nước. Sau đó cho nước vào để xay nhuyễn, lọc bã để loại bỏ cặn. Tiếp đến, cho nước hạnh nhân vào nấu khuấy đều.
Cho yến sào vào chưng trong nồi khoảng 15 - 20 phút. Sau khi yến đã chín cho ra để nguội, tiếp tục hòa tan bột ngô với nửa cốc nước và đổ vào nồi nước hạnh nhân. Sau đó, tiếp tục khuấy đều, đun đến khi nước sôi lên.
Công đoạn cuối cùng, cho hạnh nhân ra bát và yến đã hấp lên. Thêm hạnh nhân đã xắt lát mỏng. Món ăn này có thể dùng nóng hoặc lạnh đều rất ngon, có công dụng hỗ trợ giảm cân, giảm nguy cơ ung thư đại tràng, tốt cho tim mạch và mạch máu. Bên cạnh đó, tốt cho não bộ và giảm đau đầu, kiểm soát đường huyết, phòng ngừa bệnh tiểu đường.