Người mang cây su su phủ xanh đồi trọc

Nhìn những giàn su su xanh mướt phủ kín sườn đồi ở thôn Háng Gàng, xã Lao Chải, tỉnh Lào Cai, ít ai biết rằng, nơi đây đã từng là đồi trọc bị bỏ hoang.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, người tiên phong đưa giống su su về trồng, phủ xanh đồi trọc nơi đây chính là anh Phạm Quang Thọ (một người dân tỉnh Phú Thọ lên lập nghiệp tại xã vùng cao Lao Chải).

 Toàn cảnh khu trang trại su su của anh Phạm Quang Thọ ở thôn Háng Gàng, xã Lao Chải.

Toàn cảnh khu trang trại su su của anh Phạm Quang Thọ ở thôn Háng Gàng, xã Lao Chải.

Anh Thọ năm nay 48 tuổi. Trước đây, anh là cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải. Với đặc thù công việc trồng và bảo vệ rừng, anh được đi qua nhiều khu vực núi bị bỏ hoang. Nhận thấy những vùng núi hoang này có thể mang lại thu nhập, anh Thọ luôn trăn trở: “Tại sao không tận dụng quỹ đất này để trồng cây phù hợp, vừa có thu nhập, vừa giữ đất, giữ rừng, tránh sói mòn cho đất?”.

Nghĩ là làm, năm 2007, sau khi mua lại 5 ha đất bỏ hoang của người dân, anh Phạm Quang Thọ bắt tay trồng Sơn tra. Sau 10 năm trồng, anh Thọ nhận thấy loại cây này không mang lại hiệu quả kinh tế, khiến cuộc sống gia đình vẫn khó khăn.

 Trồng su su không chỉ giúp gia đình anh Thọ có thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động trong vùng.

Trồng su su không chỉ giúp gia đình anh Thọ có thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động trong vùng.

Năm 2017, qua tìm hiểu anh được biết, su su là loại cây dễ trồng, thích nghi tốt với đất đồi, cho thu hoạch kéo dài quanh năm. Anh quyết định chặt bỏ từng phần diện tích cây Sơn tra, vay vốn để mua giống, mua dây thép, cột tre dựng giàn trên diện tích 2 ha để trồng su su.

Ban đầu, nhiều người nghi ngờ, thậm chí còn chê cười, bảo anh mạo hiểm khi mang cây su su vốn chỉ ưa ẩm, thời tiết lạnh lên trồng ở triền núi cao, nơi mà gió mạnh, sương muối dày, thiếu nước tưới. Nhưng anh vẫn kiên định, ngày nào cũng chăm chỉ từ sáng sớm để đào hố, kéo dây làm giàn, vun gốc, bón phân.

 Mỗi năm, gia đình anh Thọ thu từ 80 - 100 tấn quả su su, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng.

Mỗi năm, gia đình anh Thọ thu từ 80 - 100 tấn quả su su, doanh thu đạt trên 4 tỷ đồng.

Không phụ công người, chỉ sau gần 1 năm, 2 ha su su đầu tiên đã cho quả sai lúc lỉu. Mỗi ngày, gia đình anh thu hái khoảng 1 tấn quả su su, với giá bán dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, năm đầu tiên, anh thu lãi gần 800 triệu đồng.

Thấy hiệu quả rõ rệt, anh mua thêm đất và mở rộng diện tích trồng, đến nay, gia đình đã có 16 ha trồng cây su su. Để thuận tiện chăm sóc, anh đầu tư hệ thống tưới đến tận gốc, dây giàn chắc chắn để su su leo bền vững, làm đường đi để tiện cho thu hái, vận chuyển.

Diện tích su su này đã tạo việc làm thường xuyên cho 30 đến 40 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 6 - 7,5 triệu đồng/người mỗi tháng. Anh Lờ A Di ở thôn Hú Trù Lình, xã Lao Chải chia sẻ: “Tôi được anh Thọ nhận vào làm với mức lương 7,5 triệu đồng/tháng, giúp gia đình có cuộc sống ổn định. Ngoài thời gian thu hái quả, chúng tôi còn được anh Thọ hướng dẫn cách trồng, chăm sóc cây su su”.

 Anh Hờ A Di, thôn Hú Trù Lình có thu nhập ổn định nhờ làm việc thu hái và chăm sóc su su.

Anh Hờ A Di, thôn Hú Trù Lình có thu nhập ổn định nhờ làm việc thu hái và chăm sóc su su.

Năm 2022, anh Phạm Quang Thọ thành lập Hợp tác xã nông nghiệp sạch T&D và mở rộng diện tích bằng cách đầu tư vốn, cây giống, phân bón giúp 5 hộ dân thôn Háng Gàng, thôn Hú Trù Lình trồng 15 ha.

Anh Giàng A Hồng, thôn Háng Gàng tâm sự: “Tôi được anh Thọ giúp trồng gần 2 ha cây su su. Anh Thọ còn tìm nơi tiêu thụ giúp, mỗi ngày bán quả gia đình tôi thu về hơn 3 triệu đồng”.

Không dừng ở phát triển cây su su, anh Thọ còn chuẩn bị xây dựng nhà màng để trồng những loại rau, củ quả có giá trị kinh tế cao, đồng thời tìm đầu ra cho bà con để gom bán với số lượng lớn, giúp họ không bị ép giá, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.

Anh Thọ chia sẻ: “Hợp tác xã chúng tôi có định hướng tiếp tục mở rộng diện tích cho bà con, những vùng nào trồng được, chúng tôi sẽ triển khai để tạo ra khối lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu thị trường”.

 Anh Phạm Quang Thọ chỉ đạo vận chuyển su su mang đi tiêu thụ.

Anh Phạm Quang Thọ chỉ đạo vận chuyển su su mang đi tiêu thụ.

Ông Hảng Đình Thu, Chủ tịch UBND xã Lao Chải nhận xét: “Anh Thọ tiên phong đưa cây su su vào trồng tại khu vực đất cằn cỗi mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế để người dân trong xã làm theo, từ đó nâng cao thu nhập”.

Nhờ sự mạnh dạn, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, anh Phạm Quang Thọ đã biến những đồi trọc cằn cỗi ngày nào thành vườn su su xanh mướt, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường bền vững ở xã Lao Chải.

Phạm Ngọc Sơn - Trần Kim Tiến

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nguoi-mang-cay-su-su-phu-xanh-doi-troc-post649648.html