Người mang sâm 'tiến vua' về miền đất võ

Bén duyên từ bảy cây sâm được người bạn tặng, ông Tâm 'sâm' đã nhân giống thành công và kiếm tiền tỉ mỗi năm.

Tiên phong trong việc đưa sâm bố chính (thường gọi sâm “tiến vua”) về gieo trồng ở địa phương, ông Trần Minh Tâm (42 tuổi, phường Bình Định, thị xã An Nhơn, Bình Định) được người dân nơi đây quen gọi là Tâm “sâm”.

“Trăm nghề” không bằng một lần may

Chúng tôi đến vườn sâm lúc ông chủ vườn đang nhổ cỏ, bật vòi phun nước cùng khoảng chục người phụ việc. “Trăm nghề nhưng không bằng một cú may” - ông Tâm mở đầu câu chuyện đến với cây sâm khiến chúng tôi tò mò.

Không để mọi người chờ đợi lâu, ông Tâm giải thích: Ngày trước ông làm đủ nghề, từ “thợ đụng” (làm gì cũng được) cho đến kinh doanh nhưng đều không khấm khá. Ông cũng nhiều năm làm nghề mộc rồi trồng cây cảnh bán tết và mở quán ăn nhưng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên phải đóng cửa.

Không nản lòng, ông chuyển sang trồng nấm. Thời gian đầu, nghề trồng nấm cho thu nhập cũng khá nhưng sau đó cạnh tranh với nhiều người nên cũng không ổn.

Năm 2021, lúc đang loay hoay với công việc thì may mắn ông được một người bạn chạy xe tải đường dài từ Quảng Bình về tặng cho bảy nhánh sâm bố chính. Đem về nhà, ông dụi bụi sâm vào đất để đó vì cũng chưa biết làm gì. Vài ngày sau, thấy hoa và lá đẹp mắt, ông đem trồng thử.

Sâm bố chính hay còn gọi là sâm thổ hào, một loài thực vật có hoa trong họ cẩm quỳ. Sâm thổ hào có nguồn gốc từ Thanh Hà, Thanh Chương, Nghệ An. Trước đó, khoảng thế kỷ 14, loại sâm này được mệnh danh là sâm “tiến vua”.

Loài cây này được danh y Hải Thượng Lãn Ông dùng làm thuốc chữa suy nhược cơ thể lần đầu tiên tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình nên thường được gọi với tên sâm bố chính.

Sau một thời gian tìm tòi trên các trang mạng về cách trồng và công dụng của sâm bố chính, ông Tâm “lóe” lên trong đầu ý tưởng táo bạo về mô hình kinh doanh sâm. Trải qua bốn lần thử nghiệm với hàng loạt ý tưởng hình thành trong đầu nhưng đến lần thứ năm, ông Tâm mới vỡ òa với mô hình nhân giống sâm diện rộng.

“Thời gian đầu, tôi không biết phải chăm sóc cây và đầu ra như thế nào. Sau khi tìm hiểu đặc tính của cây sâm, tôi thấy việc chăm sóc, nhân giống cũng dễ dàng. Điều quan trọng là trong thời gian trồng thử nghiệm, tôi thấy cây sâm cũng phù hợp với khí hậu và đất Bình Định. Do đó, tôi mạnh dạn nhân giống để mở rộng diện tích trồng” - ông Tâm chia sẻ.

Cũng theo ông Tâm, sau khi thử nghiệm bốn lần, ông quyết định đưa cây sâm vào sản xuất diện rộng để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng phải kiên định trước nhiều ý kiến can ngăn vì đây là giống cây lạ, chưa từng được trồng làm kinh tế ở địa phương.

“Vì cây sâm này ở Quảng Bình, nếu đưa về đây trồng phải cân nhắc kỹ và thử đi thử lại xem có phù hợp với môi trường, khí hậu ở đây không. Sau khi thử nghiệm nhiều lần, đến đầu năm nay tôi mới mạnh dạn đưa ra trồng đại trà để làm kinh tế” - ông Tâm cho biết.

Đổi đời nhờ giống sâm “tiến vua”

Tính đến thời điểm này, ông Tâm đang sở hữu vườn sâm với diện tích gần 5.000 m2 cùng khoảng 20.000 chậu sâm giống.

“Để được như hôm nay, công sức bỏ ra không hề nhỏ nhưng nhìn thành quả bước đầu như vậy tôi rất mừng. Trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng diện tích sản xuất và cung cấp giống ra thị trường” - ông Tâm bày tỏ.

Vườn sâm “tiến vua” của ông Tâm có khoảng chục nhân công đang làm việc mỗi ngày. “Việc chăm sóc cây sâm cũng không có gì khó khăn, chủ yếu là nhổ cỏ bám quanh gốc sâm, rồi bón phân phù hợp và thường xuyên tưới nước là được. Ngoài ra, cần để ý bắt sâu trên thân, cuống lá” - chị Hồng, một lao động tại vườn sâm, chia sẻ.

Ông Tâm bên vườn sâm “tiến vua” bạc tỉ của mình. Ảnh: HT

Ông Tâm bên vườn sâm “tiến vua” bạc tỉ của mình. Ảnh: HT

Ông chủ vườn sâm cho biết qua tìm hiểu, ông được biết sâm bố chính là một dược liệu rất tốt cho sức khỏe. Tất cả bộ phận trên cây sâm đều có thể sử dụng được, như dùng vào việc ngâm rượu hoặc nấu nước uống để bồi bổ sức khỏe.

Dẫn chúng tôi sang một khu ươm trồng sâm ở gần đó, ông Tâm cho biết trước mắt đang hướng đến việc cung cấp cây sâm bố chính giống cho người dân trong khu vực và các tỉnh lân cận. “Mới đây, một số người ở các tỉnh Tây Nguyên đến thăm vườn và mong muốn tôi chia sẻ cây giống cũng như các kỹ thuật liên quan đến việc gieo trồng loài sâm này. Một số người ở Đắk Lắk đã ký hợp đồng đặt mua sâm giống, trị giá hơn 5 tỉ đồng” - ông Tâm nói.

Đem sâm “tiến vua” đến vùng đất mới phải xem xét kỹ

Theo ông Tâm, để “di thực” sâm bố chính đến một vùng đất mới, cần xem kỹ vấn đề đất đai, khí hậu. Do đó, ông đã mang một ít đất từ Đắk Lắk về để tự gieo trồng thử. Hiện ông đang nhân giống sâm trên loại đất này, trước khi giao sâm giống cho đối tác. Việc cung cấp giống sâm ước tính mang về thu nhập cho gia đình ông hơn 1 tỉ đồng mỗi năm.

“Hiệu quả kinh tế từ loại sâm này khá cao, do đó tôi đang hướng tới việc cung cấp giống sâm, cũng như các nhu cầu về kỹ thuật để hỗ trợ những nông dân có thể trồng để phát triển kinh tế. Mình làm được thì tin rằng những người khác cũng sẽ làm được” - ông Tâm tâm sự.

Hiện ông Tâm đang nhân giống sâm bố chính để bán ra thị trường. Ảnh: HT

HUY TRƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-mang-sam-tien-vua-ve-mien-dat-vo-post707439.html