Người mang sông nước miền Tây đi muôn phương
Là thầy giáo, nhà văn, người viết báo, với phong cách giản dị, mộc mạc, bao năm qua, nhà văn Trương Chí Hùng (giảng viên Trường Đại học An Giang) đã ấp ủ và liên tục xuất bản những quyển sách viết về miền Tây, về đời sống người dân vùng sông nước ĐBSCL.
Với tập thơ "Một nửa nhà quê", tản văn "Trong sương thương má", tản văn "Miền Tây lạ lắm à nghen", bút ký "Man mác Vàm Nao"… độc giả đã được chia sẻ về một phần không gian văn hóa và tâm tình người con miền Tây đối với vùng đất hiền hòa, hào sảng. Với quyển "Sống cùng nước", nhà văn Trương Chí Hùng đã dẫn dắt bạn đọc và hành trình khám phá đầy xúc cảm, cùng nhiều phát hiện thú vị về văn hóa và con người đang gắn bó mật thiết với dòng Cửu Long.
"Sinh ra đã thấy dòng sông bên nhà, lớn lên một chút bơi xuồng trên kinh rạch, trưởng thành đi xa ai cũng nhớ mùa nước nổi, nước ròng. Nước hòa vào lời ăn tiếng nói, nhập vào nếp nghĩ, nếp làm. Nước tặng cho con người đời sống no đủ với bao sản vật. Khi mất đi, con người và sông nước cũng không thể tách rời… " - đó là nhân duyên, chất liệu, động lực thôi thúc để nhà văn Trương Chí Hùng tiếp tục hành trình khám phá vùng sông nước.
Nhà văn Trương Chí Hùng chia sẻ: "Tôi lớn lên gắn bó cùng sông nước, gắn với mùa nước nổi hàng năm, nên hiểu từng ngôn từ, hình ảnh, câu chuyện vùng sông nước, những thú vui, trải nghiệm của bọn trẻ con thời nhỏ đã trở thành vốn sống; là những kỷ niệm dễ thương mà trẻ con hiện nay hiếm khi có được. Đó là sự gian truân của cha mẹ, của người dân phải sống vừa chế ngự, vừa tựa nương mùa nước nổi.
Thế nhưng, cùng với sự đổi thay của thiên nhiên và con người, mùa nước nổi đang dần biến mất, ký ức về mùa nước nổi đang dần phai mờ; ngôn ngữ sông nước, văn hóa sông nước thưa vắng. Do vậy, cùng với vốn sống bản thân và kỹ năng "điền dã", lắng nghe những chia sẻ, những tích truyện từ ông bà, cô bác từ vùng đất thượng nguồn sông Cửu Long, tôi quyết tâm tái hiện đời sống người dân sông nước, để bạn bè phương xa dễ mường tượng hơn về đời sống, văn hóa đặc sắc của mảnh đất miền Tây".
Điều thú vị ở quyển sách "Sống cùng nước" không chỉ đơn thuần là những cảm xúc cá nhân của tác giả, mà với sự am hiểu thực tế và kiến thức chuyên ngành ngôn ngữ học, nhà văn Trương Chí Hùng đã có cách trình bày, diễn giải dễ hiểu nhất về ngôn từ, về bối cảnh xuất hiện của từ ngữ, làm cho người đọc, đặc biệt là các em thiếu nhi được tiếp thu dễ dàng.
"Chúng ta cần phải giữ gìn ngôn ngữ vùng sông nước, vì đó là đặc trưng, văn hóa bao đời của ông bà để lại. Hãy cho từ ngữ vào đúng không gian sống của chúng. Bởi lẽ, nhiều người miền Tây giờ không biết "nước ăn" là gì. Nhiều bạn nhỏ cứ thắc mắc, nước không có răng sao ăn được? Hoặc giả, khi đi nhờ xe cộ ai đó, rõ ràng chỉ là đi trên đường bộ, không hề vượt qua sông suối gì, sao dân ở đây gọi là "quá giang"? Có người không hiểu tại sao 2 người đàn ông xa lạ, cùng lấy 2 chị em ruột trong một gia đình, dân miền Tây lại gọi họ là "anh em cột chèo"… nghe lạ lẫm mà không phải ai cũng hiểu" - nhà văn Trương Chí Hùng chia sẻ.
Lật giở từng trang sách viết về sông nước, bạn đọc đi từ thú vị này đến thú vị khác. Từ nguồn gốc tên gọi của cá linh, đến hiểu hơn về cách các bà, các mẹ nấu nước mắm bằng cá linh. Rồi tại sao dân dỡ chà, lấy đất tà lệch thường hay uống nước mắm để chống cái lạnh giá của sông nước. Là thú vui khi đánh bắt được các loại cá ngon, săn cua đồng và cả cơ cực của người dân quê sống chật vật trong những gian nhà sàn mùa nước nổi...
Không dừng lại ở sự tái hiện cảnh sống miền Tây, mà qua tác phẩm, nhà văn Trương Chí Hùng còn gửi gắm bao tâm tình, là sự xót xa khi trẻ con, người lớn "chơi xấu với tự nhiên", dùng thuốc trừ sâu giết cả cá mẹ lẫn cá con để đánh bắt được nhiều hơn. Đó còn là sự trăn trở về sự thay đổi nguồn nước của sông Mekong đã dần làm mất đi mùa nước nổi. Khi con nước không về, mưu sinh bấp bênh, dân làm nghề hạ bạc ở miền Tây đành phải bán cả xuồng ghe và câu lưới để đi làm mướn, làm công nhân trên các thành phố lớn…
Với cái nhìn sâu sắc, nhạy cảm trước cái hay, cái đẹp, nhà văn Trương Chí Hùng đã thật sự mang lại bức tranh đẹp nhưng đau đáu về đời sống, văn hóa sông nước miền Tây.
Nhà văn Trương Chí Hùng đã viết và xuất bản 6 quyển sách (tập thơ, bút ký, tản văn) về đề tài sông nước miền Tây. Anh đạt nhiều giải thưởng khu vực và có nhiều tác phẩm được đăng sách, báo, tạp chí địa phương, Trung ương.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nguoi-mang-song-nuoc-mien-tay-di-muon-phuong-a358251.html