Người mang văn hóa đọc lên núi

Sau 3 lần lỗi hẹn, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được thầy Ngô Duy Hưng (sinh năm 1982), Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Thầy Hưng có gần 20 năm gắn bó với học sinh miền núi, trong đó, với những nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao chất lượng văn hóa đọc, kêu gọi doanh nghiệp, cá nhân xây trường, mua sắm trang thiết bị cho học sinh... đã làm nên 'thương hiệu' của người hiệu phó này.

Thầy Ngô Duy Hưng lì xì sách cho học sinh trong đêm giao thừa. Ảnh: Yên Mã Sơn

Thầy Ngô Duy Hưng lì xì sách cho học sinh trong đêm giao thừa. Ảnh: Yên Mã Sơn

Đói cũng phải đọc sách

Nằm trên đường Hồ Chí Minh, tính từ cầu treo Đakrông đi vào khoảng 60 cây số, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở A Ngo thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị. Trường có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ nằm phân tán trên địa bàn xa trung tâm; có 528 học sinh, với hơn 90% con em đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô.

Sau cung đường đầy khó nhọc với nhiều ổ gà, ổ voi, chúng tôi đến trường vào thời điểm nhà trường tổ chức họp phụ huynh tổng kết cuối năm. Ở nơi vùng đất “cực Nam” của tỉnh Quảng Trị với muôn vàn khó khăn nhưng những người làm cha, làm mẹ đi họp phụ huynh khá đông đủ, minh chứng cho thấy vai trò của sự học ở nơi này đã được đồng bào chăm lo, coi trọng.

Cô Hoàng Thị Hoài Thương, nhân viên thư viện nhà trường “khoe” với chúng tôi: “Các anh đừng nghĩ trường nhỏ, heo hút thế này mà thư viện nghèo nàn nhé. Chúng tôi có hơn 12 ngàn đầu sách dành cho học sinh 2 cấp”. Nói rồi cô Thương cười tự hào về thành quả rất đáng nể này. “Tất cả là nhờ thầy Hưng đấy. Bạn bè thầy nhiều lắm. Thầy xin mỗi năm một ít, tích lũy sau nhiều năm đã có số lượng sách lớn như vậy” - cô Thương tâm sự.

Lướt qua các đầu sách, đều là sách phù hợp với lứa tuổi học trò như sách khoa học, văn học thiếu nhi, lịch sử, văn hóa... Thầy Ngô Duy Hưng cho biết, xuất phát từ niềm đam mê đọc sách từ nhỏ nên trong quá trình công tác, thầy luôn coi sách là bạn, luôn tận dụng thời gian để đến với sách. “Từ niềm đam mê đó, tôi có nhiều người bạn yêu sách, quen biết với nhiều nhà xuất bản nên đã xin mỗi nơi một ít, lâu dần người ta biết mình hay xin sách nên cứ gặp là... cho sách” - thầy Hưng chia sẻ.

Cô Thương cho biết thêm, những em ham đọc sách đều là “trợ lý” đặc biệt của cô trong việc sắp xếp, phân bổ sách cho các lớp để tuần nào cũng có sách mới cho các bạn trong lớp tiếp cận. Phong trào đọc sách trong học sinh đã được lan tỏa nhờ chương trình khuyến đọc của nhà trường. “Mỗi giáo viên là mỗi tấm gương về đọc sách”, như lời thầy hiệu trưởng nói, nên ở nơi rẻo cao trên dãy Trường Sơn này, văn hóa đọc được nâng cao và tri thức trong sách được nâng niu, trân trọng. Em Hồ Thị Ngân, học sinh nhà trường tự hào: “Nhờ sách từ thư viện, từ các bạn mà gia đình em có 3 chị em đều đạt học sinh giỏi nhiều năm nay”.

Người "cõng sách về bản"

Chuyện thầy Hưng ở A Ngo như một đại sứ văn hóa đọc, khuyến đọc đã lan tỏa đi nhiều nơi. Những ngôi trường vùng biên đều ít nhiều quen với hình ảnh người thầy có dáng người cao, mảnh khảnh với gương mặt sáng thường xuyên về tặng sách cho học sinh.

Thầy Hưng kể, từ năm 2014, qua kết nối với một số người bạn ở Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác, nhóm thầy thành lập dự án thiện nguyện “Gom sách - xóa khoảng cách” để thu gom các loại sách tham khảo, sách truyện, các tài liệu có giá trị đã qua sử dụng của học sinh, sinh viên ở các thành phố và đưa về hỗ trợ cho thư viện các trường miền núi tại Quảng Trị. Sau khi dự án hình thành, hàng chục chuyến xe vận chuyển hàng tấn sách đi đến các trường trong nhiều năm với mong muốn trẻ em vùng sâu, vùng xa có thêm sách, thêm tài liệu học tập, khuyến khích việc đọc.

“Năm 2022, chúng tôi đã kết nối với Chương trình “Đáp đền tiếp nối” tại thành phố Hồ Chí Minh ra mắt tủ sách “Đáp đền tiếp nối” và tặng sách cho học sinh các trường tiểu học ở 2 xã A Ngo, A Bung (huyện Đakrông) và 2 xã Xy, Ba Tầng (huyện Hướng Hóa). Mỗi trường nói trên đã nhận được khoảng 800 đến 1.000 đầu sách mới thuộc các chủ đề: Sách khoa học thường thức, sách truyện lịch sử Việt Nam, sách giáo dục nhân cách và giới tính” - thầy Hưng cho biết.

Một điểm sáng đầy tính sáng tạo mà chỉ những người tâm huyết, dám dấn thân mới làm được, đó là chương trình lì xì sách. Năm mới, muôn người thường bận rộn với những cuộc giao lưu, thăm thú thì thầy Hưng cùng nhóm của mình tổ chức lì xì sách cho học sinh.

“Hơn 10 năm nay, chúng tôi thường rong ruổi khắp nơi trong tỉnh để kết nối nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học. Ngoài việc chuyển tiền của nhà hảo tâm hỗ trợ học tập cho các em, việc chúng tôi quan tâm nhất là góc học tập và những cuốn sách tham khảo mà các em sử dụng. Trong 5 năm qua, vào đêm giao thừa, trong lúc các gia đình chuẩn bị mâm cỗ cúng tạ ơn đất trời, trẻ em ra đường xem bắn pháo hoa thì cũng là lúc chúng tôi mang sách đi lì xì dọc các tuyến đường chính của thành phố Đông Hà” - thầy Hưng bộc bạch.

Thầy Phạm Quang Cẩn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong năm học 2023-2024, nhà trường đã tặng hàng trăm bộ sách giáo khoa, hàng chục chiếc xe đạp, máy tính xách tay, ti vi hỗ trợ dạy học, xây mới phòng học cấp 4... với tổng số tiền huy động gần 900 triệu đồng. “Đó là con số ấn tượng đối với ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa này. Và người có vài trò rất lớn là thầy Ngô Duy Hưng” - thầy Cẩn chia sẻ.

Rời A Ngo, tôi nhận được điện thoại của một người bạn. Khi biết tôi vào trường gặp thầy Hưng, người này tiếc vì không kịp gửi những cuốn sách vào cho thầy Hưng - người "cõng sách về bản", mang tri thức đến với học trò miền núi!

Yên Mã Sơn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nguoi-mang-van-hoa-doc-len-nui-post480042.html