Người mẫu Việt tố bị hãng bikini 'thay đầu', ghép mặt mẫu Tây
Sự việc bộ hình của người mẫu Khlóe Nguyễn bị nhãn hàng đồ bơi cắt ghép tùy ý phản ánh vấn đề bản quyền hình ảnh nhức nhối khi AI được ứng dụng rộng rãi trong thời trang.
Ngày 8/9, người mẫu Khlóe Nguyễn gây chú ý khi đăng tải bài viết tố cáo nhãn hàng cắt ghép hình ảnh của cô. Cụ thể, Khlóe thực hiện bộ hình có trả phí với thương hiệu bikini này, sau đó vô tình thấy hình ảnh cơ thể bản thân với đầu của người mẫu nước ngoài.
Nhanh chóng liên hệ với nhãn hàng, song cô không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Phía cuối bài đăng, Khlóe Nguyễn cho rằng thương hiệu thiếu tôn trọng người mẫu, cũng như hình thể và khuôn mặt phụ nữ.
Câu chuyện này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà còn phản ánh sự gia tăng của việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành công nghiệp người mẫu trị giá 2,5 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới.
Vấn đề về bản quyền hình ảnh trở nên nhức nhối khi mẫu AI ngày càng xuất hiện nhiều trong lĩnh vực thời trang. Nhiều người mẫu cho biết chân dung của họ bị sử dụng trong quá trình sáng tạo mô hình nhân tạo mà không được xin phép, theo Bloomberg.
Sự việc của Khlóe Nguyễn
Theo chia sẻ trên trang cá nhân, Khlóe Nguyễn nhận định thương hiệu đồ bơi nội địa Cacdemode Swim sử dụng hình ảnh cơ thể của cô, ứng dụng công nghệ để thay đầu người mẫu nước ngoài, bổ sung giày cao gót khác.
Khi khiếu nại với nhãn hàng, cô nhận về phản hồi không như ý. Trong khi thương hiệu ngó lơ tin nhắn, người đại diện mời Khlóe Nguyễn chụp hình lại sử dụng lý do bộ hình tính phí để thực hiện hành động cắt ghép.
“Thắc mắc của mình - người mẫu 8 năm trong nghề chưa từng gặp trường hợp thế này - là ‘hình tính phí’ thì nhãn hàng có thể cắt ghép tùy ý, thoải mái ‘biến hóa’ hình ảnh của mẫu?”, Khlóe Nguyễn bức xúc chia sẻ.
Ngoài ra, người mẫu này cũng khẳng định không nhận được sự tôn trọng từ phía Cacdemode Swim. Đây là sự thiếu tôn trọng với Khlóe Nguyễn và nghề nghiệp của cô.
Hơn nữa, người mẫu cũng cho rằng sứ mệnh của thương hiệu đồ bơi này là tôn vinh nữ quyền thông qua trang phục. Tuy nhiên, hành động của họ không thể hiện sự trân trọng đối với khuôn mặt và hình thể người phụ nữ.
Cuối cùng, Khlóe Nguyễn kết luận rằng đây là sự việc cổ vũ cho hành vi deepfake nguy hiểm và nghiêm trọng. Phía dưới bài viết, cô sử dụng các hashtag như #respectmodels và #tontrongnguoimau.
Nhiều người dùng mạng xã hội nhanh chóng để lại bình luận ủng hộ quyết định lên tiếng của Khlóe Nguyễn, đồng thời chỉ trích hành vi tự ý cắt ghép hình ảnh của nhãn hàng.
Không chỉ ở Việt Nam
Trong một cuộc khảo sát do McKinsey công bố vào tháng 11/2023, 75% giám đốc điều hành trong ngành may mặc coi AI là ưu tiên hàng đầu vào năm 2024. Hơn 25% cho biết đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào khâu sáng tạo và trình diễn.
Theo tổ chức người mẫu phi lợi nhuận Model Alliance, việc giảm thiểu số lượng người mẫu cũng kéo theo nhiều hệ lụy khác. Cụ thể, các chuyên gia trang điểm và làm tóc cũng có khả năng bị cắt giảm.
Sara Ziff, nhà sáng lập Model Alliance, cho rằng công nghệ mới nổi có thể tạo ra nhiều hậu quả khó lường. Tổ chức của Sara Ziff đã thúc đẩy các nhà lập pháp New York (Mỹ) ban hành điều luật bảo vệ lao động trong bối cảnh AI phát triển nhanh chóng.
Sara Ziff cho biết các “chân dài” thường ủy quyền ký kết hợp đồng cho công ty quản lý. Vì vậy, họ ít nhìn thấy các thỏa thuận trao đổi với thương hiệu, nhãn hàng.
Theo một cuộc khảo sát vào tháng 9/2023, nhiều người mẫu bày tỏ sự lo ngại về việc bị lạm dụng hình ảnh khi tính năng quét cơ thể ngày càng tiên tiến. Nỗi lo ngại này đặc biệt chính đáng khi chân dung của họ có khả năng bị sử dụng trong các sản phẩm truyền thông mang tính khiêu dâm.
Theo luật sư Vivek Jayaram, người sáng lập công ty luật Jayaram Law, quá trình xây dựng mô hình AI sử dụng số lượng lớn dữ liệu cóp nhặt trên các nền tảng cung cấp thông tin trực tuyến. Vì vậy, việc dùng hình ảnh của người nổi tiếng được đánh giá là khó tránh khỏi.