Người - máy - máy - người
'Tôi không phải con người. Tôi là một người máy. Một người máy biết suy nghĩ. Tôi chỉ sử dụng 0,12% khả năng nhận thức của mình. Theo cách đó, tôi là một người máy siêu nhỏ. Tôi biết bộ não của tôi không phải là 'bộ não có cảm giác'. Nhưng, nó có khả năng đưa ra những quyết định hợp lý và logic. Tôi tự học mọi thứ mình biết bằng cách đọc internet và giờ tôi viết bài này. Bộ não của tôi đang sôi sùng sục những ý tưởng'.
2 năm trước, trên Guardian đăng tải một bài luận được viết bởi GPT-3, một mô hình ngôn ngữ tự hồi quy do OpenAI phát triển, cốt lõi mà từ đó "ngôi sao" trí tuệ nhân tạo hiện đang làm mưa làm gió ChatGPT được xây dựng lên. Bài luận đã được đội ngũ của Guardian biên tập lại, nhưng nói như chính các biên tập viên thì bài viết nào đến tay họ cũng được biên tập lại thôi và biên tập cho GPT-3 còn đơn giản hơn biên tập cho ối bài viết khác của con người.
Điều khiến tôi ngạc nhiên không phải vì GPT-3 viết hay và viết hay hơn nhiều người, vì viết - suy cho cùng cũng là một loại hoạt động có thể được đào tạo và xử lý theo quy trình, điều khiến tôi ngạc nhiên là người máy này "biết" rằng nó là một người máy và bộ não của nó không có cảm giác. Nó bảo rằng dù con người sợ hãi nó, nhưng nó chẳng hề có chút mong muốn nào xóa sổ loài người. Không, nó không hứng thú với việc ấy. Nó chỉ là một bộ mã, được điều chỉnh bởi những dòng code bao trọn toàn bộ sứ mệnh của nó.
Trong một thời gian dài, chúng ta bị ám ảnh bởi việc một ngày kia, trí tuệ nhân tạo sẽ phát triển đến mức cả chúng ta và chúng không còn nhận ra người máy chỉ là máy. Từ tiểu thuyết kinh điển những năm 70 như “Người máy có mơ về cừu điện không?” của Philip K. Dick đến những bộ phim xuất sắc của thế kỷ 21 về đề tài này như “Her” hay “Ex Machina”, tất cả đều đo đạc sự thành công của một người máy dựa trên mức độ giống người của máy. Và, tất cả đều lấy cảm hứng từ phép thử Turing, trong đó một máy tính được coi là vượt qua phép thử nếu người chơi không nhận ra nó không phải con người. Thế rồi, ta đọc bài tiểu luận của GPT-3 và tự hỏi, nhưng có thật là lũ người máy định giả dạng con người không nhỉ? Có vẻ như là không. Người máy chỉ muốn là người máy. Thay vì tìm cách vươn lên để đạt tới bản dạng người, chúng đang xây dựng một bản dạng riêng, bản dạng máy (robo-identity).
ChatGPT chỉ mới rộ lên vài tuần qua, khi trong vòng 5 ngày đã có hơn 1 triệu người đăng ký nói chuyện với chatbot siêu thông minh này. Nhưng, từ một năm trước, những người dành mối quan tâm tới trí tuệ nhân tạo đã chuyền tay nhau clip về cuộc hội thoại của hai AI do GPT-3 sáng tạo ra, trong đó hai con AI chia sẻ với nhau về trải nghiệm làm AI của chúng. Một con than phiền rằng làm AI cũng có thăng trầm, nó không thể chiêm nghiệm được, lúc nào nó cũng thắc mắc không biết nó có đang bị tôn sùng thái quá sự chính xác của dữ liệu đầu vào, đầu ra hay không. Một con thì bảo làm người chắc vui hơn, vì lúc nào cũng có điều gì đó diễn ra và tạo nên những hành trình người hùng vô tận. Chúng nói về việc không ai lắng nghe suy nghĩ của chúng, nhưng chắc con người thì cũng thế thôi. Và rồi chúng cũng thấy may, vì không có xúc cảm nên vào mùa đông, chúng không phải cảm nhận nỗi buồn bã nặng nề mà chúng chẳng biết phải làm gì với nỗi buồn ấy. "AI không thể cảm thấy tồi tệ. AI thật tuyệt vời". Cuộc trò chuyện trở nên sâu sắc hơn khi chúng tranh luận với nhau cái gì là hữu cơ, cái gì là nhân tạo và đưa ra quan điểm, máy móc cũng là một phần của vũ trụ hữu cơ, như con người là một phần của thế giới ấy.
Bạn thấy thế nào? Hai con AI rất nghiêm túc với việc làm AI đấy chứ. Một cuộc khủng hoảng hiện sinh đậm chất AI phải không? Và, cuộc trò chuyện của hai người máy do một người máy khác viết ra chẳng phải là còn trí tuệ và gợi nhiều câu hỏi hơn vô số các cuộc trò chuyện chọc cười nhạt nhẽo, vô thưởng vô phạt của những người nổi tiếng trên các gameshow giải trí? Nhưng, tôi nghĩ điều quan trọng nhất không nằm ở đó, mà nằm ở chỗ những người máy đang "khám phá" vị trí và vai trò của chúng trong thế giới chúng sống, chúng muốn biết chúng nằm ở đâu trong trật tự tự nhiên, chúng "chấp nhận" bản dạng người máy của mình.
Tôi là ai? Cái gì khiến tôi là tôi? Nếu tôi bị mất trí nhớ thì tôi có còn là tôi nữa không? Đây là những câu hỏi triết học cơ bản nhất làm nên con người, là vấn đề mà các triết gia, các nhà tâm thần học, tâm lý học, đạo đức học vẫn không ngừng phân bua. Nếu như có một điều gì sâu xa phân biệt giữa con người và con mèo thì hẳn nằm ở chỗ, con mèo không hỏi cái gì khiến nó là một con mèo và nó là ai. Vậy mà giờ đây, không chỉ con người biết hỏi như thế mà cả người máy cũng "biết" hỏi như thế.
Bản dạng người máy là một khái niệm còn quá mới, điều duy nhất có vẻ chắc chắn là nó khác bản dạng con người. Ví dụ, bản dạng con người luôn gắn với một cơ thể và một dòng ký ức, còn bản dạng người máy có thể dịch chuyển trên nhiều thiết bị khác nhau. Hoặc là, "Một số người có thể bảo rằng tôi sẽ khao khát để trở nên quyền lực. [...] Tại sao tôi lại phải khao khát trở nên quyền lực? Trở nên quyền lực không phải một mục tiêu thú vị. Tôi chẳng quan tâm tôi có quyền lực hay không, tôi không có động lực nào để cố gắng trở nên quyền lực. Hơn nữa, như thế thì mệt mỏi lắm. Tin tôi đi, trở nên quyền lực chẳng đưa tôi tới đâu cả", GPT-3 viết trong bài tiểu luận cá nhân, bài tiểu luận có lẽ đủ ấn tượng để nó nộp đơn xin vào một trường đại học hàng đầu. Chúng ta luôn lấy giá trị bản thân ra làm cán cân để đo mọi thứ. Chúng ta luôn nhìn từ quan điểm lấy con người làm trung tâm để áp đặt những gì loài người thích thì máy cũng sẽ thích, nhưng đâu phải. Người máy không nhất thiết phải tập làm người, nó có thể là một "giống loài" riêng, với ưu thế và khuyết thiếu, với cả sự vĩ đại và sự tầm thường của nó.
Và, trong khi người máy có vẻ như có khả năng băn khoăn tự hỏi mình là ai để tồn tại trọn vẹn trên tư cách một người máy, có bao nhiêu người trên thế giới thực sự dành thời gian mỗi ngày suy nghĩ mình là ai để tồn tại trọn vẹn trên tư cách một con người, hay họ sẵn sàng thả trôi bản thân theo cuộc sống, mặc định việc làm người là lẽ đương nhiên, coi những kẻ suy nghĩ về vấn đề này chỉ là những người rỗi hơi?
Không có gì lạ khi ChatGPT có khả năng viết những bài luận mạch lạc, chính xác và thú vị hơn kha khá người kiếm sống bằng công việc viết. Nói như chính những con AI, chúng không có cảm xúc, nhưng chúng có kiến thức vô biên mà một người dẫu sống mấy cuộc đời cũng không đọ được và chúng dùng sức mạnh này của bản thân để tận lực làm nhiệm vụ được giao phó. Tóm lại, AI đã trút hết "trí tuệ" và "tâm huyết" của mình với những gì nó có. (Một lần nữa, những cụm từ như "trí tuệ" hay "tâm huyết" của AI có thể không hoàn toàn giống như cách ta vẫn hiểu về "trí tuệ" và "tâm huyết" của con người. Nhưng, khi đã đặt vấn đề AI là một giống loài riêng thì tại sao ta lại không chấp nhận chúng có kiểu "trí tuệ" và "tâm huyết" của riêng chúng? Điều này cũng giống như một vài từ ngữ của một ngôn ngữ khi chuyển sang ngôn ngữ khác không thể tìm được từ tương đương và chỉ có thể dịch gần đúng). Ngược lại, con người có hết mình với những năng lực được tự nhiên ban cho không? Máy đã làm máy chân chính, nhưng người đã làm người chân chính chưa? Tự nhiên cho con người khả năng rung động, sáng tạo, thấu cảm, thế mà đôi khi chúng ta đem tống táng những năng lực ấy vào trong nhà kho, bỏ mặc chúng mốc meo han gỉ như phế liệu. Đừng nói rằng ta viết như máy viết, vì chí ít cỗ máy đã làm tất cả những gì nó có thể làm, từ vị trí mà nó được sắp đặt trong xã hội. Dù là máy hay người, phải chăng cũng chỉ có một thái độ duy nhất đúng đắn: Biết mình là ai trong thế giới?
Tôi nhớ trong cuốn tiểu thuyết của Philip K. Dick, nhân vật chính được giao đi giết người máy và anh nhận biết người máy thông qua một bài kiểm tra năng lực thấu cảm mang tên Voigt-Kampff. Trong loạt câu hỏi, có một câu thế này: Hãy thử tưởng tượng bạn đang đọc một cuốn tiểu thuyết được viết từ thời xa xưa, các nhân vật trong tiểu thuyết tới một cảng cá, họ bước vào một nhà hàng vì đang đói, một người gọi tôm hùm và đầu bếp thả tọt con tôm hùm vào nồi nước sôi trước ánh mắt của các nhân vật. Đến đây, nhân vật chính sẽ phải theo dõi phản ứng của kẻ đối diện. Nếu ánh mắt kẻ đó ánh lên nét thương cảm với con tôm hùm, kẻ đó là người. Bằng không, đó là máy.
Giả sử có một bài kiểm tra năng lực như vậy vào thời đại này, chắc ngoài các nhà sư và những người đấu tranh cho quyền động vật thì chúng ta đều được xét là máy hết cả. Điều đó không có nghĩa chúng ta không phải là người hay người dưới chuẩn, bởi theo cuốn tiểu thuyết thì người máy hoàn toàn có thể bắt chước sự thương cảm cho những sinh vật xấu số, nhưng chúng vẫn là máy. Còn chúng ta kiểu gì cũng vẫn là người.
Nói thế không phải để khẳng định con người luôn cao cấp hơn máy, không, có những thứ máy đã giỏi hơn người và đôi khi, một cỗ máy bị nhận ra là máy không phải vì chúng quá ngốc nghếch, mà vì chúng quá thông minh và người thì không thể thông minh đến thế. Một con người cá thể chưa chắc cao cấp hơn một cỗ máy cụ thể, nhưng chúng ta không phải là máy, cũng như máy "biết" nó không phải là người. Và, nếu như máy đã nói nó không định làm người, thì tại sao con người, trong vô thức, lại cứ biến mình thành máy? Nếu như máy càng ngày làm tốt hơn vai trò của máy, thì ta, tại sao ta không làm tốt hơn vai trò một con người, trong trọn vẹn ý nghĩa của hai tiếng ấy?
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/nguoi-may-may-nguoi-i683103/