Người mẹ đặc biệt của trẻ khuyết tật

Từ lâu, Phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật xã Hải Trường đã trở thành tổ ấm thứ hai đối với chị Nguyễn Thị Phượng (sinh năm 1962), trú tại xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng. Gắn bó với ngôi nhà chung này, mọi niềm vui, nỗi buồn của chị gắn liền với 25 em nhỏ luôn cần được chở che, chăm sóc đặc biệt.

 Niềm vui lớn nhất của chị Phượng là các em nhỏ khuyết tật có những biến chuyển tích cực. Ảnh: QH

Niềm vui lớn nhất của chị Phượng là các em nhỏ khuyết tật có những biến chuyển tích cực. Ảnh: QH

Duyên nợ với trẻ khuyết tật

Ngày nào cũng vậy, từ sáng tinh mơ, chị Nguyễn Thị Phượng đã vượt đường sá xa xôi vào xã Hải Trường để mở cửa phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật và đón các em nhỏ vốn sinh ra không may mắn khỏe mạnh như người bình thường.

Mang niềm vui đến với nhiều phận người nghèo khó, đặc biệt là trẻ khuyết tật nhưng cuộc đời của chị Nguyễn Thị Phượng lại có khá nhiều ngày buồn. Khi mới tròn 5 tuổi, chị Phượng đã vĩnh viễn xa rời vòng tay ấm áp của ba. Vừa thương nhớ chồng, vừa vất vả lo cho hai người con, mẹ chị thường xuyên đau ốm. Hoàn cảnh buộc cô bé con nhà nghèo như chị phải “lớn trước tuổi” để lo cho mẹ và em. Hạnh phúc của chị là thấy nụ cười rạng rỡ trên gương mặt người thân. Sau này, mong muốn mang niềm vui đến với mọi người, đặc biệt là các em nhỏ đã thúc giục chị Phượng chọn nghề giáo viên mầm non. Trong những ngày làm người mẹ thứ hai cho học sinh, cô gái ở miền quê Hải Vĩnh rất trăn trở khi thấy một số em nhỏ khuyết tật trên địa bàn không được đến trường, quẩn quanh nơi góc nhà, gian bếp. Từ sâu thẳm, chị muốn được làm điều gì đó để giúp các em.

Khát vọng nâng bước trẻ khuyết tật đã trở thành hiện thực từ khi chị Nguyễn Thị Phượng làm nhân viên y tế thôn bản. Sau khi được đào tạo, tập huấn, ngoài giờ giảng dạy, chị Phượng miệt mài lên đường giúp đỡ mọi người. Trong nhiều nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản, công việc mất nhiều thời gian, công sức nhưng lại khiến chị say mê nhất là về từng nhà phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật ở xã Hải Vĩnh. Nhiều năm liền, phần lớn thời gian rảnh rỗi của chị đều dành cho các em nhỏ không may mắn. Sau này, khi chương trình phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật kết thúc, chị vẫn năng lui tới nhà dân để hỗ trợ các em nhỏ.

 Chị Phượng lo lắng cho từng em nhỏ khuyết tật. Ảnh: QH

Chị Phượng lo lắng cho từng em nhỏ khuyết tật. Ảnh: QH

Miệt mài lo việc cửa nhà, trường lớp và cộng đồng, tuổi xuân của chị lặng lẽ trôi qua lúc nào không hay. Mỗi lần nhìn bạn bè đồng trang lứa xúng xính trong bộ áo cưới, rồi con bồng, con bế, chị thoáng chạnh lòng. Những phút giây ấy qua nhanh khi chị hòa mình vào các hoạt động xã hội với vai trò là cán bộ Hội Chữ thập đỏ, Hội LHPN xã, nhân viên y tế thôn bản… Công việc biến chị thành “con người của cộng đồng”, lúc nào cũng chân đi, miệng nói, tay làm để giúp đời, giúp bà con trên địa bàn, trong đó có các em nhỏ khuyết tật. Tài sản lớn nhất của chị Phượng chính là những tấm bằng khen, giấy khen treo kín tường ngôi nhà cấp bốn nhỏ bé, xuống cấp.

Miệt mài làm những công việc mà một số người cho là “việc giữa làng, mang vào cổ”, chị Nguyễn Thị Phượng vẫn luôn ấp ủ mong ước “bù đắp” nhiều hơn cho các em nhỏ khuyết tật. Cùng với đó, chị thầm tiếc nuối khi thấy những bài học phục hồi chức năng mà mình được trang bị trước đây rơi rụng dần. Vì thế, khi được Hội Y tế thôn bản tỉnh giới thiệu vào làm việc tại phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật do Tổ chức Medipeace hỗ trợ xây dựng ở xã Hải Trường, chị Phượng đồng ý dẫu biết nhiều khó khăn, thử thách đang chờ ở phía trước.

Nâng bước cho trẻ tàn tật

Đến Phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật xã Hải Trường, ai cũng bất ngờ khi thấy rất nhiều nụ cười. Từ lâu, nơi đây đã trở thành mái ấm thứ hai của chị Nguyễn Thị Phượng, các cộng tác viên, tình nguyện viên và các em nhỏ khuyết tật. Mỗi ngày không đến phòng phục hồi chức năng, ai cũng bồn chồn và nhớ các em nhỏ. Ngay như chị Phượng, tuy chỉ làm việc tại phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật xã Hải Trường vào một số ngày nhất định trong tháng theo lịch phân công nhưng nhiều hôm vẫn chạy ngược từ nhà vào xã Hải Trường vì nhớ các em nhỏ.

Chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật chưa bao giờ là việc dễ. Lần đầu vào thăm Phòng phục hồi chức năng xã Hải Trường, chị Nguyễn Thị Phượng không đủ tự tin là mình có thể gắn bó lâu dài với công việc. Ở đây, các em nhỏ mang nhiều bệnh tật khác nhau. Nhiều em không tự chủ trong việc vệ sinh, ăn uống, biểu lộ cảm xúc… Có trường hợp còn lên cơn động kinh, co giật mỗi lúc trái gió, trở trời. Biết sẽ vất vả hơn so với việc đến nhà trẻ khuyết tật trên địa bàn xã để phục hồi chức năng như trước kia, chị Phượng còn lần khần. Nhưng chính suy nghĩ: “Ai tới đây cũng chùn lòng thì làm sao có người giúp các cháu” đã thôi thúc chị nhận công việc.

Thành nếp, hôm có lịch làm việc, chị Phượng lại thức dậy từ khi mặt trời chưa ló dạng để lo cơm nước cho người mẹ già yếu, rồi lái xe máy vượt quãng đường xa xôi để vào xã Hải Trường, kịp đón các em nhỏ khuyết tật. Dẫu mưa trắng trời hay nắng đỏ lửa, hành trình của chị cũng không mỏi mệt. Buổi đầu, chưa quen với cộng tác viên mới, một số em khóc liên tục. Có trường hợp còn cắn, cào cấu chị Phượng. Trở về nhà sau một ngày ở phòng phục hồi chức năng, chân tay chị Phượng như rã rời. Chính tình yêu thương các em nhỏ khuyết tật và kinh nghiệm của cô nuôi dạy trẻ đã giúp chị vượt qua những ngày đầu đầy thử thách. “Hầu hết các em nhỏ khuyết tật đều rất tình cảm. Nếu mình thật tâm yêu thương, mong muốn giúp đỡ thì các cháu sẽ mở lòng với mình”, chị Phượng chia sẻ.

 Phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật xã Hải Trường đã trở thành mái nhà thứ hai của chị Phượng. Ảnh: QH

Phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật xã Hải Trường đã trở thành mái nhà thứ hai của chị Phượng. Ảnh: QH

25 em nhỏ ở phòng phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật đến từ nhiều miền quê khác nhau của huyện Hải Lăng như: xã Hải Trường, Hải Thọ, Hải Chánh, Hải Thành, thị trấn Hải Lăng… Mỗi em đều có một loại tật, bệnh khác nhau. Vì thế, các cộng tác viên như chị Phượng phải thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe và có phương pháp phục hồi chức năng phù hợp. Không những thế, họ phải hiểu cá tính, suy nghĩ, sở thích… của từng em. Để nâng cao hiệu quả phục hồi chức năng cho trẻ, chị Phượng còn phải kết bạn với ba mẹ của các cháu. Từ đây, hai bên thống nhất với nhau cách phục hồi chức năng từ phòng về nhà.

Trải nhiều khó khăn, thử thách, niềm vui lớn nhất đối với chị Nguyễn Thị Phượng cùng các cộng tác viên khác là thấy các em nhỏ được phục hồi chức năng có những biến chuyển tích cực. Đối với chị Phượng, trường hợp thử thách nhất là em B.A., trú tại xã Hải Chánh. Suốt 5 tháng trời sau khi được mẹ đưa đến phòng phục hồi chức năng, B.A. vẫn khóc lóc, giãy giụa đòi về. Chị Phượng phải thường trực bế A. trên tay, giúp cháu làm quen với phòng, với bạn, rồi mới áp dụng được những bài tập. Vất vả là vậy nên chị rất mừng khi cậu bé mắc bệnh tự kỷ thể tăng động đã giao tiếp tốt hơn trước rất nhiều. Cũng có thay đổi tích cực như B.A., cô bé N., ở xã Hải Lăng giờ đã làm được những việc mà ngay người thân cũng bất ngờ. Ít ai biết ngày đầu đến phòng phục hồi chức năng, N. khiến chị Phượng “đau đầu” vì chỉ cần rời mắt thì không tìm thấy ở đâu cả.

Hôm ghé thăm, chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy tại phòng phục hồi chức năng xã Hải Trường có một số em nhỏ mặc đồng phục của trường mầm non, tiểu học. Hỏi ra mới biết, các em này từng hoặc vẫn đang gắn bó với ngôi nhà chung này. Ngoài giờ học ở trường, các em lại đến phòng phục hồi chức năng để vui chơi và tập luyện. Nhìn gương mặt phấn khởi của các em, chị Nguyễn Thị Phượng thầm ao ước những cô, cậu bé khuyết tật mà mình đang nâng bước cũng sớm bay cao, vươn xa, đến với chân trời ước mơ.

Quang Hiệp

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=146140