Người mẹ dành cả một đời với trẻ mồ côi

PTĐT- Ở Làng trẻ em SOS Việt Trì, những phụ nữ đơn thân, đã dành trọn một đời để nuôi nấng, dạy dỗ những đứa trẻ mồ côi. Trong số những người phụ nữ đó có chị Nguyễn Thị Ngọc ở huyện Tam Nông.

Ghé thăm ngôi nhà của chị Ngọc trong làng trẻ SOS, một căn nhà nhỏ nhắn, ở phía trước là vườn cây xum xuê. Chị Ngọc vừa trò chuyện, vừa vội vàng cắm cơm trưa để kịp giờ tụi nhỏ đi học về ăn, chị tâm sự : Nhà tôi hiện tại có 9 con. Những đứa nhỏ ở nhà rất hiếu động, nhưng lại biết nghe lời và tình cảm lắm. Tôi đến với công việc làm “mẹ” thế này cũng là cái duyên số.Chị Ngọc nghẹn ngào nhớ lại, cách đây hơn 20 năm, khi chuẩn bị lập gia đình thì chị mắc bệnh hiểm nghèo, không có khả năng sinh con, cuộc sống của chị dường như rơi vào bế tắc, bước qua đau khổ, chị quyết định viết đơn xin vào làm “mẹ” tại Làng trẻ em SOS Việt Trì. Nơi đây trở thành mái ấm của chị suốt 21 năm nay, những buồn, vui, bữa ăn, giấc ngủ của lũ trẻ từ bao giờ đã trở thành điều quan trọng trong cuộc sống của chị.Ở đây, mỗi đứa trẻ là một hoàn cảnh bất hạnh, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ, có em còn cha hoặc mẹ nhưng bị bệnh tật, ốm đau, gia đình không đủ kinh tế nuôi nên gửi vào Làng. Dù là hoàn cảnh nào đi nữa thì các em đều phải chịu thiệt thòi, thiếu thốn tình yêu thương của gia đình. Có lẽ do bản năng của một người phụ nữ, mặc dù chưa một lần làm vợ, làm mẹ, nhưng với tình yêu thương của mình, chị đã chăm sóc từng đứa trẻ lớn khôn và trưởng thành.Mặc dù trước khi vào tiếp quản 1 nhà, những mẹ như chị Ngọc đều trải qua một lớp tập huấn về giáo dục và chăm sóc trẻ. Nếu tất cả những đứa trẻ ở đây khỏe mạnh thì nguyên chuyện lo cơm áo cho đàn con đã vất lắm rồi; đằng này có đứa thường xuyên ốm đau, bệnh tật, thậm chí bệnh hiểm nghèo luôn cần phải thuốc thang, đi viện chữa trị khiến chị rất vất vả. Không chỉ lo cái ăn, cái mặc, chị còn chăm lo các con việc học hành.Sự gần gũi, đùm bọc nhau của các thành viên trong gia đình cũng theo thời gian mà lớn dần lên. Có những khi mẹ con thủ thỉ tâm sự hay cả những trận quát mắng, lúc cùng cười, khi cùng khóc, thì các con mới gọi tiếng “mẹ”. Với chị được các con gọi mình là mẹ, một cảm xúc thật khó tả. Đó là cảm giác hạnh phúc của bao bà mẹ bình thường khác trước những đứa con mà mình chăm sóc.

Trong ngôi nhà của “mẹ” Ngọc có 9 đứa trẻ thuộc nhiều lứa tuổi. Thế nhưng, mọi việc trong nhà đều được phân công, sắp xếp rất trật tự, đứa thì dọn nhà, đứa thì rửa bát, đứa thì nấu cơm, dạy em học, đứa thì giặt quần áo… Những đứa trẻ ở đây sớm tự lập nên có đôi phần già dặn, cứng cáp hơn những đứa trẻ đầy đủ cha mẹ khác nhưng sự vui tươi, hồn nhiên của chúng luôn khiến căn nhà luôn đầy ắp tiếng cười đùa.Ở làng trẻ SOS Việt Trì hiện tại có 15 mẹ đang quán xuyến 15 gia đình, mỗi gia đình trung bình có 10 trẻ. Ngoài ra, có 5 dì, luôn sẵn sàng trợ giúp các mẹ, khi các mẹ vắng nhà. Ngôi nhà của chị Ngọc là nơi 25 đứa trẻ đã và đang được nuôi dưỡng, chăm sóc. Chị có 5 người con đã xây dựng gia đình và có 9 đứa cháu. Còn mấy đứa lớn nữa cũng đã đi học đại học. Mỗi lần có đứa đỗ đại học là nhà lại có thêm một niềm vui.Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà, 28 tuổi, giáo viên trường Tiểu học Dữu Lâu, là một trong những người con lớn lên và trưởng thành trong ngôi nhà của chị Ngọc cho biết: Mẹ Ngọc luôn quan tâm, chăm sóc dù là mình còn nhỏ hay đã đi làm. Mẹ như người bạn, người mẹ ruột, người thầy, đã giúp đỡ mình rất nhiều trong cuộc sống, mình muốn gửi lời cảm ơn tới mẹ, mẹ luôn là người tuyệt vời nhất. Niềm vui, hạnh phúc của các mẹ ở đây là mỗi khi ốm đau, có các con bên cạnh chăm sóc, chia sẻ hay vào mỗi dịp lễ, Tết, các con trai, gái, dâu, rể, cháu nội, cháu ngoại tấp nập về thăm. Khi được hỏi về mong muốn của mình, chị không giấu nổi những giọt nước mắt: Tôi chỉ mong muốn các con lớn khôn và trưởng thành. Rồi sau này nghỉ hưu, cố dành dụm một chút tiền mua một ngôi nhà nhỏ, để đón các con khi chúng nó muốn về thăm mẹ. Chị Ngọc cũng như các mẹ khác tại Làng đều đã chọn “trồng người”, để gắn bó với cả cuộc đời mình, các mẹ luôn coi hạnh phúc của các con là động lực để mình cố gắng sống thật ý nghĩa hơn.

Quỳnh Như

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/201911/nguoi-me-danh-ca-mot-doi-voi-tre-mo-coi-167908