Người mẹ hiền của chúng em

Đó là tình cảm yêu thương mà học trò dành cho cô Trần Thị Mỹ Huệ, Hiệu phó Trường THPT Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh. Không chỉ là tấm gương sáng trong công tác lãnh đạo, quản lý, cô Huệ còn được bao thế hệ học trò quý trọng bởi tấm lòng bao dung, chân thành, yêu thương học trò như con mình.

“Tôi chưa bao giờ để điện thoại hết pin vì sợ khi học sinh cần gọi không được. Mọi vui buồn, khó khăn hay tâm sinh lý ở lứa tuổi dậy thì các em đều chia sẻ với tôi. Khi đó tôi như là người bạn, người mẹ để dạy bảo, khuyên nhủ, định hướng cho các em. Đó là niềm hạnh phúc mà ít nghề nào có được” - cô Huệ bộc bạch.

“Mẹ Huệ...”

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh năm 2001, cô Huệ về công tác tại Trường THPT Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, 3 năm sau chuyển công tác đến Trường THPT Lộc Ninh và gắn bó đến nay. Dáng người nhỏ nhắn, vui vẻ và hoạt bát, cô Huệ đã tạo cho tôi ấn tượng khó quên ngay lần đầu gặp gỡ.

Vừa làm công tác quản lý, cô Huệ được giao phụ trách môn Văn lớp 1213. Trong lớp có nhiều học trò cá tính và đa phần học lực yếu, vì vậy cô Huệ phải soạn giáo án riêng phù hợp với sức học của học sinh

Vừa làm công tác quản lý, cô Huệ được giao phụ trách môn Văn lớp 1213. Trong lớp có nhiều học trò cá tính và đa phần học lực yếu, vì vậy cô Huệ phải soạn giáo án riêng phù hợp với sức học của học sinh

Trước khi làm công tác quản lý, cô Huệ là giáo viên dạy môn Văn, đã để lại ấn tượng cho nhiều thế hệ học sinh. Bởi không chỉ giỏi chuyên môn, cô còn tư vấn, giúp học sinh rõ hơn về định hướng nghề nghiệp. Cô Huệ tâm niệm: “Thầy giỏi thì trò ngoan”. Chính vì vậy, cô luôn thực hiện tốt nội quy, quy chế của trường, lên kế hoạch cụ thể, chủ động, tự giác trong từng công việc. Nói về “những người con đặc biệt” của mình, cô Huệ nhận xét, học sinh ở độ tuổi 16, 17 có nhiều mơ mộng, đồng thời thường bị chuyện tình cảm chi phối việc học nên giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải luôn gần gũi, lắng nghe để gỡ rối, giúp các em nhận thức đúng, biết giới hạn chuyện tình cảm mà chuyên tâm học hành.

Mỗi tiết học Văn của cô Huệ, chúng em đều cảm thấy thú vị và được cả lớp mong chờ. Cô đã truyền cảm hứng cho nhiều học sinh trong lớp bằng bài giảng sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ. Có lúc chúng em chưa nghe lời, không học bài cũ, cô nhẹ nhàng khuyên bảo, chỉ cho chúng em cách học để nắm kiến thức quan trọng. Được cô động viên, khuyến khích, em thấy mình tiến bộ hơn từng ngày. Em luôn biết ơn, yêu quý và kính trọng cô như mẹ của mình.

Hoàng Thị Ngọc Hà,
học sinh lớp 1213, Trường THPT Lộc Ninh

Vừa làm công tác quản lý, cô Huệ được giao phụ trách môn Văn ở “lớp học đặc biệt” 1213. Gọi là lớp học đặc biệt vì trong lớp có nhiều học trò cá tính và đa phần học lực yếu hơn so với các lớp khác. Vì vậy, giáo án của cô Huệ cũng phải đặc biệt, phù hợp, sáng tạo với sức học của học sinh. Cô có cách giáo dục mềm mỏng để học trò vừa thấy yêu quý, thân thiện mà vô cùng kính nể. Trong một tiết học, cô vừa truyền đạt kiến thức vừa giáo dục kỹ năng sống. Ai chưa ngoan thì cô dạy cho ngoan, chưa giỏi rèn cho giỏi, cho khá. Cô dạy các em sự quyết tâm, ý chí trong cuộc sống cũng như học tập.

“Tôi sinh ra trong gia đình nghèo, từng bỏ học giữa chừng khi đang học cấp 2 để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Khi đó, người đã “gieo” tình yêu với nghề giáo, động lực để tôi trở lại trường chính là thầy giáo chủ nhiệm. Thầy dạy chúng tôi bằng tất cả tâm huyết và tình yêu thương nên ngày ấy, nhiều học trò coi thầy như người cha. Chính từ năm học này, tôi bắt đầu ấp ủ mơ ước trở thành giáo viên. Người thầy năm xưa giờ là đồng nghiệp, là hiệu trưởng, lãnh đạo của tôi. Đó là lý do tôi quyết tâm không để học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học giữa chừng và truyền cảm hứng để các em xây dựng ước mơ dù ở trong hoàn cảnh khó khăn nhất” - cô Huệ tâm sự.

Tình cảm của các em là phần thưởng cho tôi

Quan tâm từ bữa ăn, giấc ngủ cho học sinh, cô Huệ đã đưa ra ý tưởng thành lập và duy trì bếp ăn tình thương tại Trường THPT Lộc Ninh. Từ năm 2016 đến nay, bếp ăn đã giúp nhiều học sinh khó khăn, nhà xa trường khắc phục hoàn cảnh để tiếp tục đến lớp. Nguồn kinh phí xây dựng bếp ăn được vận động từ tiền đóng góp của giáo viên, học sinh trong trường. Bếp ăn đang duy trì hỗ trợ 31 em ăn bữa trưa miễn phí, mỗi suất 15 ngàn đồng.

Trong quá trình giảng dạy, cô có nhiều sáng kiến được Ban giám hiệu trường đánh giá cao và áp dụng hiệu quả vào giảng dạy. Trong đó nhiều sáng kiến được công nhận các cấp. Đối với công tác quản lý, cô Huệ luôn phát huy tinh thần dân chủ, lắng nghe nhu cầu của giáo viên để giải quyết từ những việc nhỏ nhất. Cô Huệ là giáo viên mẫu mực, có trách nhiệm cao trong công việc, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên. Mọi công việc được giao, cô đều hoàn thành xuất sắc, góp phần đưa các phong trào thi đua của trường đạt nhiều thành tích cao.

Thầy Trịnh Lương Quang,

Hiệu trưởng Trường THPT Lộc Ninh

Cô Huệ cho biết: Trường có 34 học sinh là con em hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Thương các em ở xa trường từ 7-10km, nếu để các em về nhà ăn cơm trưa thì không kịp giờ vào lớp, không đảm bảo sức khỏe để học tập, chưa kể đến mùa vụ các em nghỉ học để theo cha mẹ đi làm rẫy. Tôi đã đề xuất với Ban giám hiệu trường xây dựng kế hoạch duy trì bếp ăn tình thương để nâng cao chất lượng, duy trì sĩ số. Cùng với đó, đầu mỗi năm học, Ban giám hiệu trường phát động mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên đăng ký 1 việc làm thiết thực tùy theo nhiệm vụ, khả năng của mình. Kết quả, toàn trường đã vận động các nhà hảo tâm xét trao 20 thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn. Năm học này, trường trao 80 suất học bổng vượt khó, mỗi suất 500 ngàn đồng... Nhờ đó, tỷ lệ học sinh nghỉ học giữa chừng ở Trường THPT Lộc Ninh chỉ còn 0,46%.

Dù ở bất cứ công việc nào, cô Huệ luôn tìm giải pháp phù hợp, huy động tối đa sự sáng tạo của tập thể, đồng nghiệp. Trong công tác quản lý, cô luôn coi trọng xây dựng khối đoàn kết tập thể cán bộ, giáo viên.

Nhiều năm liền đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, được UBND tỉnh, Sở GD-ĐT tặng nhiều giấy khen, bằng khen; là cá nhân điển hình trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ... nhưng với cô Huệ, niềm vui lớn nhất vẫn là được nhìn thấy học trò của mình trưởng thành từng ngày. Những cuộc điện thoại hỏi thăm sức khỏe “mẹ Huệ”, những lần ghé thăm bất ngờ của học trò cũ là món quà ý nghĩa nhất với cô. Có lẽ niềm hạnh phúc nghề giáo chỉ giản đơn như tiếng gọi mà nhiều học sinh nơi đây dành cho cô - “mẹ Huệ ơi!...”.

Ngân Hà - Đông Kiểm

Xem thêm: Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/nguoi-me-hien-cua-chung-em-40916