Người mẹ trăn trở trước giờ ghi 'đơn xanh' nguyện vọng thi lớp 10 cho con

Trước sức nóng của kỳ thi vào lớp 10 Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) nhiều ngày qua đau đầu trăn trở, 'đặt bút lên lại bỏ xuống' trước những quyết định đăng ký nguyện vọng chọn trường cho con.

Có con trai đầu lòng năm nay thi vào lớp 10, chị Nguyễn Thị Hoa* (Hà Nội) nhiều ngày qua đau đầu với “đơn xanh” - mẫu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học 2025-2026 của Hà Nội.

Quá lo lắng, trước khi đặt bút đăng ký các nguyện vọng, chị Hoa gọi hỏi khắp những người quen, thậm chí cả những “nhà giáo dục” trong ý niệm của mình. Chị thêm âu lo, khi con trai không thuộc diện học kém nhưng chưa đến mức giỏi hẳn để bố mẹ yên tâm. Con chị đang học tại Trường THCS Ngô Sĩ Liên - một trường THCS top đầu ở Hà Nội và rất thích ngôi trường THPT Việt Đức.

“Lớp 6, 7 và 8 thì con học rất tốt; nhưng lớp 9 có vẻ hơi sa sút”, chị Hoa nói.

Chị Hoa chia sẻ, ở những lần thi khảo sát, thi thử gần đây, con được khoảng 23 điểm, tức mỗi môn trung bình 7,7 điểm. Trong khi điểm chuẩn để vào được Trường THPT Việt Đức năm ngoái là 41,25; tức trung bình mỗi môn ít nhất 8,25.

“Nỗi băn khoăn, trăn trở lớn nhất của tôi là con vẫn rất tự tin và nói rằng đó mới chỉ là kết quả của thi thử; còn kiến thức con có được đạt tổng 3 môn 25-26 điểm. Theo lời con kể, những lần làm đề các năm ở nhà theo khả năng thì rất tốt, có thể trung bình đạt từ 8,5 điểm; nhưng ở lần thi khảo sát thì chỉ được trung bình 7,7 điểm. Tôi không biết do đề thi khảo sát khó hoặc không đúng thế mạnh của con hay tâm lý thi cử của con yếu”, chị Hoa tâm sự.

Qua nhận xét của các thầy cô dạy ở trường và gia sư, con trai chị lại được đánh giá kiến thức ổn. Dù vậy, ở thời khắc này, nếu đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Việt Đức theo sở thích của con, chị không yên tâm, thiếu cảm giác an toàn.

Giờ đây, chị Hoa cảm nhận rõ hơn việc học ở một trường THCS có tiếng của quận cũng không mang lại nhiều ý nghĩa về mặt tinh thần và cơ hội trúng tuyển trước ngưỡng cửa lớp 10.

Vợ chồng chị Hoa đều là viên chức bình thường với mức thu nhập trung bình ở Hà Nội, nên áp lực con vào được trường công lập càng cao hơn, khó nghĩ tới trường tư thục.

Học sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Học sinh thi vào lớp 10 tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Dù nhiều người quen gợi ý, phân tích, quyết định cuối cùng vẫn phải từ gia đình chị và bản thân con. Nếu con rất tha thiết, đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Việt Đức, hơn ai hết con phải rất quyết tâm và cả gia đình phải chấp nhận “thông thoáng” trong tư duy và suy nghĩ rằng “nếu trượt vui vẻ học ở những trường THPT nguyện vọng 2” có đầu vào thấp hơn như THPT Đống Đa hay THPT Quang Trung - Đống Đa.

Ngược lại, nếu chọn phương án an toàn, có thể đăng ký cho con vào những trường có mức điểm chuẩn mọi năm thấp hơn THPT Việt Đức một chút như THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm.

Nhưng để thực hiện được việc này, chị Hoa tiếp tục đứng trước những tính toán: Đăng ký 2 nguyện vọng hay 3 nguyện vọng bởi quy chế đăng ký trường theo khu vực tuyển sinh. Nếu đăng ký 3 nguyện vọng, theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh. Nếu học sinh chỉ đăng ký 2 nguyện vọng, thì nguyện vọng 1 là trường thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định nhưng nguyện vọng 2 có thể thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.

Chị Hoa cho hay, trước đó, hai mẹ con chị phải ngồi lại với nhau một lần nữa để thống nhất tư tưởng. Câu chuyện và trăn trở của chị Hoa có lẽ cũng là tình huống của nhiều phụ huynh và gia đình ở Hà Nội trước kỳ thi lớp 10 luôn nóng rẫy mỗi năm.

Ông Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay, nguyện vọng đăng ký cần được thống nhất giữa thí sinh và phụ huynh.

“Có những năm, chúng tôi đã phải giải quyết trường hợp phụ huynh muốn trường này, nhưng con muốn trường khác. Sau đó phụ huynh tự ký chữ ký của con để nộp cho thầy cô. Tuy nhiên, nhà trường bao giờ cũng có bước in các nguyện vọng sau khi đã nhập lên hệ thống cho các em ký xác nhận lại. Lúc đó, học sinh mới phát hiện đó không phải nguyện vọng của mình và thể hiện sự chống đối. Vì thế, trước khi đăng ký, gia đình phải ngồi lại với nhau để thống nhất”, ông Thông kể về thời gian khi còn làm quản lý tại Trường THCS Dịch Vọng.

Ông Nghiêm Văn Bình, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) cũng cho rằng, các thí sinh cần cân nhắc thật kỹ trong đăng ký nguyện vọng. Ngoài khả năng, năng lực còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của gia đình để lựa chọn trường đăng ký cho phù hợp. “Không phải phù hợp theo số đông, theo bạn bè, theo ‘trend’ hay thị hiếu mà phải phù hợp với chính năng lực của các em, phù hợp với điều kiện gia đình đang có”, ông Bình nói.

*Tên nhân vật trong bài được thay đổi

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-me-tran-tro-truoc-gio-ghi-don-xanh-nguyen-vong-thi-lop-10-cho-con-2392471.html