Người Mông Nà Cào nuôi trâu, bò vỗ béo
Nuôi trâu, bò nhốt chuồng đã trở thành phong trào, mở hướng làm giàu, nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc Mông, thôn Nà Cào, xã Thượng Nông (Na Hang).
Anh Đào Văn Máy, Trưởng thôn Nà Cào cho biết, hơn 20 năm trước đồng bào dân tộc Mông di cư từ huyện Hà Quảng (Cao Bằng) về đây sinh sống. Hiện toàn thôn có 48 hộ với 249 nhân khẩu. Nhờ có phong trào nuôi trâu, bò nhốt chuồng, cuộc sống của người dân từng bước được cải thiện, vươn lên thoát nghèo, tiêu biểu như hộ anh Dương Văn Tu thoát nghèo năm 2018. Anh Tu cho biết, năm 2017, từ nguồn vốn vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Na Hang, anh đầu tư mua 2 con bò, 1 con trâu, làm chuồng trại kiên cố và trồng gần 5.000 m2 cỏ voi để nuôi vỗ béo, lứa đầu tiên anh lãi 9 triệu đồng sau 5 tháng chăn nuôi. Đến nay, gia đình anh duy trì nuôi 7 con bò và 2 con trâu.
Gia đình ông Đào Văn Páo trước đây nuôi trâu, bò chủ yếu là thả rông trên đồi rừng, vì vậy, việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh bị hạn chế, nhất là vào mùa đông do rét đậm, rét hại kéo dài làm trâu, bò chết. 2 năm nay, được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn huyện cùng với tìm hiểu qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, gia đình ông Páo quyết định đầu tư làm chuồng trại, trồng 3.000 m2 cỏ voi để nuôi bò nhốt chuồng. Năm 2017, bằng nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất theo chương trình xây dựng nông thôn mới, gia đình ông mua 3 con bò giống, hiện đàn bò phát triển thành 6 con. Với mô hình nuôi bò nhốt chuồng, đầu năm 2019, gia đình ông Páo bán được 3 con bò, trừ chi phí thu lãi trên 20 triệu đồng.
Ông Chẩu Trung Kiên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang cho biết, mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo hình thức nhốt chuồng ở thôn Nà Cào, xã Thượng Nông đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Thực tế cho thấy, trâu, bò nhốt chuồng sẽ tăng trọng lượng nhanh nhờ chế độ ăn uống tốt, có sức đề kháng cao, ít bị bệnh; chất lượng thịt tốt nên được thương lái ưa chuộng, bán được giá cao... Tuy nhiên, do giá trâu, bò giống cao, một số hộ khó khăn không có điều kiện đầu tư phát triển. Trong khi đó, nguồn thức ăn khan hiếm, ít bãi chăn thả nên các hộ chủ yếu nuôi nhốt nhỏ lẻ, không có điều kiện thành lập trang trại hoặc chăn nuôi quy mô lớn, do đó chưa phát huy hết thế mạnh của địa phương. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tích cực huy động nguồn lực để giúp người dân được vay vốn phát triển chăn nuôi đàn gia súc. Đồng thời, thực hiện việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nhất là chất lượng con giống, chuyển đổi diện tích đất không chủ động nguồn nước sang trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc.