Khắp đường làng, ngõ xóm thôn Hào Lý (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) rực rỡ cờ đỏ sao vàng.
Người Mường ở xã vùng biên hân hoan đón khách đến vui Tết Độc lập.
Thôn Hào Lý (xã Sa Loong) có 143 hộ/576 khẩu, đa số là người Mường sinh sống.
Người Mường nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc như: Văn hóa cồng chiêng, hát ru, hát đối, hát pọ mạng... góp phần quan trọng trong nền văn hóa đa sắc tộc vùng Tây Nguyên.
Hòa chung không khí tươi vui, rộn ràng nhân ngày Quốc khánh 2/9 là những hoạt động biểu diễn dân ca dân vũ, múa sạp mừng đất nước, ca ngợi quê hương và lan tỏa bản sắc dân tộc.
Quốc khánh là dịp lễ lớn nên phụ nữ Mường thường may cho mình những bộ trang phục truyền thống mới, hân hoan đón Tết Độc lập.
Rạng rỡ trong bộ trang phục truyền thống, em Bùi Thị Kiều Loan (học sinh lớp 12A6, trường THPT Nguyễn Trãi, huyện Ngọc Hồi) chia sẻ: Cha ông xưa kia đã hy sinh để đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc. Có được ngày hôm nay, ông bà cùng cha mẹ luôn dạy em phải biết ơn và mãi ghi nhớ công lao của những anh hùng dân tộc."Em sẽ cố gắng học thật giỏi và nỗ lực hơn nữa để sau này lớn lên có thể góp chút sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp", Kiều Loan bộc bạch.
Chàng trai - cô gái Mường rạng ngời bên đu quay.
Người Mường tham gia trò chơi dân gian - ném còn.
Những đứa trẻ thích thú tham gia trò chơi bịt mắt bắt vịt.
Khán giả nhí hào hứng cổ vũ cho các bạn.
Nụ cười của người chiến thắng.
Dưới sân thôn Hào Lý là những gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản vật dân tộc.
Cùng với đó là các món ăn đặc trưng như: thịt gà nấu lá ráy, xôi ngũ sắc, măng chua, thịt heo nướng...
Ông Nguyễn Chí Tường - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi chia sẻ: "Ngày hội làng Mường” trở thành hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc. Đây là nơi để người Mường và các dân tộc trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dung Nguyễn