Người Mỹ có quan điểm không mấy tích cực về nền kinh tế
Những dư âm còn còn sót lại về tình trạng lạm phát cao trong những năm gần đây dường như đã làm xấu đi quan điểm của người tiêu dùng Mỹ về nền kinh tế…
Khi Kyle Connolly nhìn lại 2023, cô coi đó là một năm của những thay đổi và thách thức. Người mẹ đơn thân mới tái gia nhập lực lượng lao động nhưng ngay lập tức đã bị cho thôi việc tại một công ty xây dựng vào tháng 11 vừa qua. Đồng thời, Connolly cũng phải chịu áp lực lớn trong cuộc sống hàng ngày khi giá cả tăng chóng mặt, từ hàng hóa thực phẩm cho đến chi phí tiện ích.
Kyle Connolly đã buộc phải cắt giảm những hoạt động có phần tốn kém như đi ăn ngoài hoặc đi xem phim. Giáng sinh đối với ba đứa con của cô sẽ có vẻ đơn giản hơn so với những năm trước.
Những khó khăn về kinh tế ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong cộng đồng dân cư vùng Panhandle tại Florida. Kyle Connolly nhận thấy ít dần mẫu xe Chevy Suburban 2022 chạy trên đường và thay vào đó là những dòng Toyota Camry đời cũ. Khu vực du thuyền yên tĩnh đến lạ khi chủ sở hữu phải bán thuyền hoặc tiết kiệm chi phí xăng dầu. Các bậc cha mẹ tham gia nhóm Facebook để thảo luận về cách kiếm thêm thu nhập hoặc cắt giảm chi tiêu…
Tâm lý tiêu cực của những người dân như Kyle Connolly nêu bật một câu hỏi hóc búa khiến các nhà kinh tế bối rối: Tại sao người Mỹ lại cảm thấy chán nản đến vậy về một nền kinh tế vốn được coi là mạnh mẽ?
Theo nhiều đánh giá, nền kinh tế Mỹ hoạt động tương đối ổn trong năm 2023. Tốc độ tăng giá hàng năm đang trượt gần về mức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ưa thích, trong khi thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều hy vọng rằng các nhà hoạch định chính sách đã hạ nhiệt thành công lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Tuy nhiên, dữ liệu khảo sát được theo dõi chặt chẽ từ Đại học Michigan cho thấy tâm lý người tiêu dùng, mặc dù đang được cải thiện, nhưng vẫn khác xa so với mức trước đại dịch. Chỉ số tháng 12 cho thấy tâm lý được cải thiện gần 17% so với một năm trước, nhưng vẫn giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Joanne Hsu, giám đốc khảo sát người tiêu dùng của Michigan cho biết: “Vấn đề chính ở đây là giá cả tăng cao thực sự gây tổn thương người tiêu dùng. Người Mỹ vẫn đang cố gắng học cách chấp nhận rằng họ sẽ không quay trở lại thời kỳ lạm phát thấp cùng lãi suất thấp kéo dài như những năm 2010”.
Nhưng bà Joanne Hsu nhận thấy vẫn còn những lý do để lạc quan khi nhìn kĩ vào dữ liệu. Tâm lý người tiêu dùng đã phần lớn được cải thiện so với mức thấp nhất mọi thời đại được thấy vào tháng 6/2022 – cũng là tháng mà chỉ số giá tiêu dùng tăng 9,1% so với một năm trước đó.
Một điểm đáng chú ý khác trong dữ liệu năm nay là sự suy giảm tâm lý trong tháng 5, nguyên nhân được cho là gắn liền với các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ.
Bà Joanne Hsu nhận xét, cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 cũng làm tăng thêm cảm giác bất ổn về kinh tế đối với một số người.
Sức mạnh của thị trường lao động là điều mà các nhà kinh tế kỳ vọng sẽ sớm làm dịu đi quan điểm tiêu cực của người Mỹ về nền kinh tế. Nhưng vì tâm lý của người tiêu dùng được quyết định một cách độc lập nên tình hình việc làm có thể ít quan trọng hơn so với tính toán về lạm phát.
Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, vẫn có nhiều cơ hội việc làm hơn số người thất nghiệp. Số liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy mức lương trung bình theo giờ tiếp tục tăng - mặc dù với tốc độ chậm hơn so với thời kỳ đại dịch.
Nhưng yếu tố này đã giúp thúc đẩy một chỉ số rung cảm khác được nhiều người theo dõi: chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Conference Board. Chỉ số sơ bộ tháng 12 thấp hơn khoảng 14% so với cùng tháng năm 2019, có nghĩa là nó đã phục hồi nhiều hơn chỉ số của Đại học Michigan.
Trong khi chỉ số Michigan tổng hợp các câu hỏi tập trung vào điều kiện tài chính và sức mua, thì chỉ số của Conference Board đánh giá chặt chẽ cảm nhận của người dân về thị trường việc làm.
Ở một khía cạnh khác, các nhà kinh tế chỉ ra rằng, những lý do khiến người tiêu dùng cảm thấy tích cực về nền kinh tế trong năm nay chỉ có thể đúng đối với một số nhóm nhất định - và thường là nhóm giàu có hơn.
Bà Camelia Kuhnen, giáo sư tài chính tại Đại học North Carolina, lưu ý với CNBC rằng người Mỹ sẽ hài lòng nếu họ là chủ nhà và chứng kiến giá nhà tăng. Một lý do khác để lạc quan là nếu họ đầu tư vào thời điểm thị trường chứng khoán hồi phục vào năm 2023.
“Nếu không có khoản đệm đó, những người ở mức thu nhập thấp hơn có thể cảm thấy khó khăn khi chi phí cao ảnh hưởng đến mọi khoản tiết kiệm còn sót lại từ gói kích thích đại dịch”, bà Kuhnen nói thêm.