Người Mỹ gia tăng sở hữu cổ phiếu
Khi thị trường chứng khoán (TTCK) sụp đổ vào đầu năm 2020, Nick Luczak, khi đó là sinh viên năm thứ hai tại Đại học Michigan, đã bỏ ra 57 USD để mở tài khoản môi giới trên Robinhood và mua bất kỳ cổ phiếu nào anh có thể mua được. Đại dịch Covid-19 xảy ra, Luczak bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc TTCK và đầu tư dài hạn vào chứng khoán cho đến bây giờ.
Theo khảo sát về tài chính tiêu dùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố vào mùa thu năm nay, khoảng 58% hộ gia đình ở Mỹ sở hữu cổ phiếu vào năm 2022. Con số này tăng từ mức 53% vào năm 2019 và đánh dấu tỷ lệ sở hữu cổ phiếu hộ gia đình cao nhất được ghi nhận trong cuộc khảo sát 3 năm một lần. Các nhóm sở hữu cổ phiếu hàng đầu gồm các gia đình nắm giữ cổ phiếu cá nhân trực tiếp và những gia đình sở hữu cổ phiếu gián tiếp thông qua quỹ, tài khoản hưu trí hoặc các tài khoản được quản lý khác. Các gia đình có thu nhập trung bình cao ghi nhận mức tăng vọt lớn nhất về sở hữu cổ phiếu.
Theo Wall Street Journal, dữ liệu của FED cung cấp cái nhìn tổng quan toàn diện nhất về sự bùng nổ đầu tư thời Covid-19, định hình lại tài chính cá nhân của người Mỹ. Bị mắc kẹt ở nhà trong thời kỳ đại dịch với số tiền dư thừa, hàng triệu người lần đầu tiên nhảy vào TTCK. Việc loại bỏ phí hoa hồng khi giao dịch chứng khoán giữa các công ty môi giới ở Mỹ khiến việc đầu tư chứng khoán trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết.
Ông Anthony Denier, Giám đốc điều hành của Công ty Môi giới di động Webull U.S., cho rằng đã xuất hiện một thế hệ nhà đầu tư chứng khoán mới ở Mỹ. Hầu hết các hộ gia đình đều sở hữu cổ phiếu thông qua tài khoản hưu trí. Ngoài ra, nhiều người Mỹ trong vài năm qua đã đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu cá nhân. Quyền sở hữu cổ phiếu trực tiếp trong các gia đình tăng từ mức 15% vào năm 2019 lên 21% năm 2022 - mức tăng lớn nhất được ghi nhận kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 1989.
Các công ty môi giới chứng khoán trong những năm gần đây đã làm cho việc giao dịch trở nên miễn phí và dễ dàng. Các ứng dụng mới hơn như Robinhood và Webull đã giúp phổ biến giao dịch chứng khoán không hoa hồng trên điện thoại thông minh. Ông Ashley Feinstein Gerstley, nhà lập kế hoạch tài chính và người sáng lập của The Fiscal Femme, cho biết trong thời gian dài, ông cùng các đồng nghiệp đã cố gắng xóa bỏ quan niệm sai lầm rằng phải giàu có hoặc làm việc ở Phố Wall mới có thể đầu tư chứng khoán. Trong 4 năm qua, cổ phiếu đã leo lên những đỉnh cao mới. S&P 500 đã tăng 16% vào năm 2020 và 27% vào năm 2021. Ngay cả sau khi giảm 19% vào năm 2022, chỉ số chứng khoán chuẩn vẫn ghi nhận mức tăng trong khoảng thời gian 3 năm. S&P 500 tăng 23% vào năm 2023.
Sự tăng trưởng của TTCK và giá nhà tăng đã giúp tăng cường sự khá giả của hộ gia đình. Giá trị tài sản ròng trung bình của các hộ gia đình đã tăng 37% từ năm 2019-2022, mức tăng lớn nhất trong lịch sử khảo sát. Giá trị trung bình của nhà ở chính của một hộ gia đình ở Mỹ đã tăng lên 323.200 USD vào năm 2022, vượt qua mức trước khi thị trường nhà ở sụp đổ năm 2007.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nguoi-my-gia-tang-so-huu-co-phieu-post719133.html