Người Mỹ gốc Á đã vươn lên ra sao tại Hollywood?

Thành công của Thành Long, Lucy Liu đến Chlóe Zhao và Steven Yeun cho thấy bước tiến mới của người Mỹ gốc Á tại Hollywood.

Theo South China Morning Post, chiến thắng tại giải thưởng Oscar năm nay của Chlóe Zhao đánh dấu đỉnh cao mới cho gốc Á tại Hollywood, sau nhiều thập kỷ bị phớt lờ và chế giễu.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi với Sandra Oh trong Grey's Anatomy và Steven Yeun ở The Walking Dead, kế tiếp là bước đột phá của phim truyền hình Fresh Off the Boat và phim Crazy Rich Asians.

Trong nhiều thập kỷ, người gốc Á hoặc người Mỹ gốc Á hầu như không xuất hiện trên truyền hình và điện ảnh Hollywood. Chỉ duy nhất Lucy Liu được nhớ đến như một ngôi sao gốc Á đúng nghĩa.

Năm huy hoàng của dân gốc Á

Ngày 26/4, cộng đồng người yêu nghệ thuật châu Á có một khoảnh khắc đáng tự hào: Chlóe Zhao, người sinh ra tại Bắc Kinh, trở thành phụ nữ châu Á đầu tiên đoạt giải Oscar hạng mục Đạo diễn xuất sắc. Tác phẩm Nomadland của cô cũng nhận giải Phim truyện xuất sắc.

Trong khi đó, Steven Yeun nhận đề cử giải Oscar cho Nam diễn viên chính xuất sắc với vai một người Hàn Quốc nhập cư Mỹ, đến Arkansas làm nông. Diễn xuất của anh trong phim Minari được giới chuyên môn hết mực ngợi khen.

 Chiến thắng của Chlóe Zhao mở ra kỷ nguyên huy hoàng cho người gốc Á ở Hollywood. Ảnh: Vanity Fair.

Chiến thắng của Chlóe Zhao mở ra kỷ nguyên huy hoàng cho người gốc Á ở Hollywood. Ảnh: Vanity Fair.

Tờ SCMP cho biết năm 2021 nở rộ nhiều phim truyền hình có người Mỹ gốc Á, và đa số đều rất ăn khách.

Tác phẩm Kung Fu của CW đã ra mắt với tỷ suất người xem cao vào tháng 4, với Yvonne Chapman đảm nhận vai nữ chính. Nam diễn viên Ken Jeong nổi bật không kém với sự hài hước trong show thực tế The Masked Singer.

"Chúng ta đã đi được một chặng đường dài", Jeff Yang - cây bút người Mỹ gốc Đài Loan cộng tác cho Wall Street Journal - nói về sự thành công của những người cùng gốc gác vào năm nay.

Nhìn vào quá khứ, tác giả cuốn sách Rise: A Pop History of Asian America from the Nineties to Now cho rằng thuật ngữ "người Mỹ gốc Á" không tồn tại cho đến cuối những năm 1960. Ông hồi tưởng: "Tôi thuộc thế hệ người Mỹ gốc Á đầu tiên mang sự kỳ thị của dân bản địa, do vậy, tôi nặng gánh trong việc làm rạng danh dân tộc với thế giới".

Khi mà nhiều người Mỹ gốc Á bắt đầu trở thành nhà văn, tác giả, diễn viên hoặc đạo diễn, Jeff Yang kể rằng tất cả đã cùng nhau tận dụng hết khả năng và tầm ảnh hưởng để giúp người da vàng có chỗ đứng ở Hollywood.

"Một số ngôi sao gốc Á từng chỉ được giao các vai khuôn mẫu như thợ săn, nhân viên spa và ủi đồ, bồi bàn, xã hội đen hoặc võ sư. Khi ấy, họ bị gọi là đồ 'da vàng', trong lúc Katharine Hepburn, Mickey Rooney và Lon Chaney lại được hóa trang sao cho giống người châu Á, nhưng theo hướng châm biếm", Yang chia sẻ.

Sự phát triển của diễn viên gốc Á qua các thời kỳ

Pat Morita - ngôi sao hài người Mỹ gốc Nhật - đơn độc trên TV vào những năm 1970 với vai chủ nhà hàng trong Happy Days. Sau đó, ông mới được thủ vai biểu tượng Mr. Miyagi ở The Karate Kid (1984).

Bộ phim Sixteen Candles phát hành cùng năm có diễn viên người Mỹ gốc Nhật Gedde Watanabe đảm nhận vai sinh viên với cái tên lố bịch Long Duk Dong - nhân vật mà đến nay nhiều người gốc Á vẫn cảm thấy khó chịu.

Đến giai đoạn 1990, những dấu hiệu tích cực mới dần xuất hiện. The Joy Luck Club (1993) là bộ phim lớn đầu tiên của Mỹ với dàn diễn viên chủ yếu gốc Á, mang về 32,9 triệu USD doanh thu phòng vé.

Một năm sau, ABC ra mắt chương trình truyền hình đầu tiên với dàn diễn viên và người Mỹ gốc Á mang tên All American Girl. Trong đó, Margaret Cho nhận vai cô con gái nổi loạn của chủ hiệu sách người Mỹ gốc Hàn ở San Francisco trong tác phẩm được đánh giá cao nhờ sự hài hước và sáng tạo này.

Trả lời phỏng vấn SCMP, Emily Chang của phim The Vampire Diaries kể lại: "Hai gương mặt châu Á khiến tôi nhớ mãi trong giai đoạn trưởng thành là Lucy Liu (phim Kill Bill, Charlie's Angels) và Thành Long (phim Rush Hour, Rumble in the Bronx)".

 Giờ cao điểm giúp Thành Long định danh ở Hollywood. Ảnh: Pinterest.

Giờ cao điểm giúp Thành Long định danh ở Hollywood. Ảnh: Pinterest.

Thị trường Hollywood hai thập kỷ sau xuất hiện thêm các tên tuổi mới như Daniel Dae Kim, B.D. Wong và Sandra Oh. Và khán giả lẫn giới chuyên môn cũng không thể phủ nhận sự bứt phá của Harold & Kumar Go to White Castle (2004), với hai ngôi sao là John Cho và Kal Penn.

Năm 2015, đài ABC chiêu mộ một dàn sao gốc Á khác cho sitcom Fresh off the Boat, do Nahnatchka Khan - người Mỹ gốc Iran - sáng tạo nên. Hudson Yang - con trai của nhà văn Jeff Yang - góp mặt trong dàn cast. Hai ngôi sao Randall Park và Constance Wu lần lượt thủ các vai phụ huynh.

Fresh off the Boat xoay quanh câu chuyện gia đình đời thường trong bối cảnh những năm 1990. Tác phẩm nhận được đánh giá tích cực cùng cơn mưa lời khen. Đó là động lực lớn để Fresh off the Boat kéo dài đến 6 mùa.

Sau loạt phim, Randall Park thừa thắng xông lên với dự án hài - lãng mạn Always Be My Maybe, cũng như xuất hiện trong series siêu anh hùng WandaVision của Disney + và Young Rock của NBC.

Khi Hollywood vẫn còn thích "tẩy trắng"

Mặc dù đã có những bước tiến lớn, diễn viên gốc Á vẫn đối diện với những quy luật đã ngầm ăn sâu trong tiềm thức của các nhà làm phim Hollywood.

Suốt một thời gian dài, thế giới đã quá ngán tình trạng “tẩy trắng” (whitewashing) của kinh đô điện ảnh. Các nhân vật không cần biết trong kịch bản là da vàng, da đen hay da nâu, nhưng cứ lên phim là thường xuyên được thể hiện bởi các nghệ sĩ da trắng.

Tờ SCMP dẫn chứng trường hợp của Emma Stone - nữ diễn viên thủ vai người Hawaii gốc Á trong bộ phim năm 2015 mang tựa đề Aloha. Tilda Swinton đảm nhận nhân vật Ancient One (Thượng cổ Tôn giả) trong Doctor Strange. Hay như năm 2017, có hơn 100.000 người phản đối bom tấn Ghost in the Shell đã "tẩy trắng" Motoko Kusanagi bằng Scarlett Johansson.

Tilda Swinton trong Doctor Strange và Scarlett Johansson trong Ghost in the Shell từng gây dư luận trái chiều. Ảnh: Pinterest.

Tilda Swinton trong Doctor Strange và Scarlett Johansson trong Ghost in the Shell từng gây dư luận trái chiều. Ảnh: Pinterest.

Trong series phim truyền hình đề tài xác sống The Walking Dead, Steven Yeun thủ vai nhân vật Glenn Rhee - người đã cứu sống Rick Grimes (Andrew Lincoln) khỏi cảnh trở thành thây ma ở trung tâm thành phố Atlanta.

Nhân vật của Yeun được yêu mến vì tính nhân văn, nghĩa hiệp. Tuy nhiên, anh phải kết thúc vai diễn ở phần bảy sau khi đem lòng yêu Maggie Greene (một phụ nữ da trắng). Cái chết của tài tử khiến khán giả phản ứng dữ dội. Hàng triệu người tuyên bố dừng xem phim khi không còn Yeun.

Nữ diễn viên Christine Chang, người được biết đến với vai bác sĩ trong phim New Amsterdam, dành nhiều lời khen ngợi Yeun. Tạm bỏ qua The Walking Dead, cô đưa ra nhận xét về hình ảnh của người đồng hương trong Minari rằng: "Anh ấy lột tả chân thực nỗi khó khăn của một dân nhập cư".

Trong nhận thức của Chang, cô cho rằng người Mỹ gốc Á đã trở thành trò cười suốt hàng thập kỷ. Một nhà làm phim từng nói với cô rằng người Mỹ gốc Á biểu cảm không đa dạng. Nhưng Chang nghĩ đó là quan niệm mang tính định kiến, sai lầm.

Theo SCMP, sự vươn lên của các ngôi sao gốc Á càng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh các cuộc tấn công người gốc Á đang xảy ra liên tục ở khắp nơi trên thế giới. Christine Chang kể cô cũng bị xúc phạm tại một cửa hàng tạp hóa hồi năm 2020 khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát.

Nữ diễn viên chia sẻ thêm: "Chúng tôi, với tư cách người Mỹ gốc Á, được phép thất bại. Nhưng chúng tôi cũng được phép tiến xa trên con đường sự nghiệp và những mục đích khác. Từ rất lâu rồi, người da trắng các bạn đã có được đặc quyền đó, và nó sẽ kéo dài mãi mãi".

Quốc Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-my-goc-a-da-vuon-len-ra-sao-tai-hollywood-post1213185.html