Người Mỹ rút 100 tỷ USD tiền gửi khỏi các ngân hàng
Ngành ngân hàng Mỹ đang rơi vào cảnh hỗn loạn sau sự sụp đổ liên tiếp của 3 ngân hàng. Điều này khiến người gửi tiền lo ngại.
Theo CNBC, các dữ liệu mới nhất cho thấy khách hàng Mỹ đã rút gần 100 tỷ USD tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng. Giới chức trách Washington phải lên tiếng trấn an rằng hệ thống ngân hàng nước này vẫn an toàn.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell và hơn 10 quan chức vừa tham gia một cuộc họp kín của Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính hôm 24/3.
Một thành viên của Fed New York đã trình bày tóm tắt về tình hình thị trường trong cuộc họp.
"Hội đồng đã thảo luận về các điều kiện hiện nay trong lĩnh vực ngân hàng. Dù một số tổ chức đang gặp căng thẳng, hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn lành mạnh và chống chịu tốt", tuyên bố nhấn mạnh.
Gần 100 tỷ USD rời khỏi các ngân hàng
"Hội đồng cũng đang thảo luận về những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cơ quan thành viên nhằm giám sát lĩnh vực tài chính", tuyên bố nói thêm.
Tuyên bố được đưa ra cùng lúc với dữ liệu mới nhất của Fed. Theo đó, các khách hàng tại Mỹ đã rút tổng cộng 98,4 tỷ USD khỏi tài khoản ngân hàng trong tuần kết thúc vào ngày 15/3.
Làn sóng rút tiền diễn ra sau khi Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ - sụp đổ. Ngay giữa bê bối của SVB, Signature Bank cũng bị đóng cửa, đánh dấu vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 3 ở Mỹ.
Các dữ liệu cho thấy làn sóng rút tiền chủ yếu xảy ra ở những ngân hàng nhỏ. Có tới 120 tỷ USD rời khỏi các tài khoản tiền gửi mở tại những nhà băng này. Trong khi đó, 67 tỷ USD chảy vào các tổ chức lớn.
Làn sóng rút tiền khiến tổng tiền gửi ngân hàng tại Mỹ giảm còn 17.500 tỷ USD. Con số này đã giảm liên tục trong một năm qua. So với thời điểm tháng 2/2022, mức giảm lên tới 582,4 tỷ USD.
Theo dữ liệu của Viện Doanh nghiệp Đầu tư, đến ngày 22/3, tài sản của các quỹ tương hỗ trên thị trường tiền tệ đã tăng 203 tỷ USD sau 2 tuần lên 3.270 tỷ USD.
Tìm phao cứu sinh
Các ngân hàng đã tìm tới sự giúp đỡ sau rắc rối của SVB and Signature Bank. Theo dữ liệu được công bố hôm 23/3, mỗi ngày, có tới 116,1 tỷ USD được vay từ cửa sổ chiết khấu của ngân hàng trung ương - mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Các nhà băng cũng rút 53,7 tỷ USD từ Bank Term Funding Program (BTFP) - chương trình cho vay khẩn cấp dành cho ngân hàng nhằm tăng cường thanh khoản của hệ thống tài chính sau vụ phá sản của SVB.
Trong họp báo sau cuộc họp chính sách mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần thừa nhận rằng đến nay, vẫn chưa rõ mức độ ảnh hưởng từ những biến động trong ngành ngân hàng.
"Các sự kiện mới đây có thể dẫn đến điều kiện tài chính thắt chặt hơn đối với doanh nghiệp và hộ gia đình, ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, tuyển dụng và lạm phát. Chưa biết chính xác mức độ ảnh hưởng là như thế nào", cơ quan hoạch định chính sách của Fed cho biết trong tuyên bố.
Ông Powell cũng mô tả làn sóng rút tiền khỏi SVB là "rất nhanh". Sự sụp đổ của nhà băng này diễn ra đột ngột tới mức giới chức Mỹ phải đặt ra câu hỏi: "Nó đã diễn ra như thế nào?".
Chỉ trong vài tuần, 3 nhà băng của Mỹ đã sụp đổ. 2 trong số đó là vụ phá sản ngân hàng lớn thứ 2 và thứ 3 trong lịch sử nước này. Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ 2 Thụy Sĩ - cũng được UBS Group mua lại với giá hơn 3 tỷ USD.
17 tỷ USD trái phiếu cấp 1 bổ sung của Credit Suisse đã gần như bốc hơi hoàn toàn sau thương vụ gây chấn động toàn cầu. Các trái chủ của ngân hàng này đang chuẩn bị đâm đơn kiện.
Giá cổ phiếu của Deutsche Bank - nhà băng lớn nhất nước Đức - đã giảm 8,5% vào phiên giao dịch ngày 24/3. Nguyên nhân là đêm 23/3, hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của ngân hàng này đã tăng vọt do lo ngại về tình hình của ngành ngân hàng châu Âu.