Người Mỹ ùa ra đường tiêu tiền sau khi tiêm vaccine Covid-19

Bất chấp giá cả dịch vụ tăng cao vì thiếu nguồn cung và nhân viên phục vụ, người dân Mỹ vẫn đi du lịch đón hè sau khi tiêm vaccine Covid-19.

Sau hơn 15 tháng với nhiều mức độ giãn cách xã hội khác nhau, cuối cùng nước Mỹ cũng sẵn sàng mở cửa trở lại vào mùa hè này, theo The Guardian.

Các dấu hiệu cho thấy nhiều người bắt đầu bước ra đường với ví tiền đầy ắp và tâm hồn hướng về âm nhạc, du lịch.

Hiện 63% người trưởng thành ở xứ cờ hoa đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Bởi cuộc sống dần trở lại “bình thường”, các khách sạn, buổi hòa nhạc và nhà cho thuê đều trong tình trạng kín chỗ đặt trước, đồng thời các chuyến tham quan bảo tàng và sự kiện công cộng tăng vọt.

 Du khách nườm nượp đến Bảo tàng và Đài tưởng niệm Thế chiến 1 (bang Kansas) để thưởng ngoạn những quả bóng bay phát sáng vào tối 31/5. Ảnh: Carlos Moreno.

Du khách nườm nượp đến Bảo tàng và Đài tưởng niệm Thế chiến 1 (bang Kansas) để thưởng ngoạn những quả bóng bay phát sáng vào tối 31/5. Ảnh: Carlos Moreno.

Cháy vé, kín phòng bất chấp đội giá

Sự phục hồi diễn ra rất nhanh, ngang ngửa thời kỳ Roaring Twenties - một thuật ngữ đặc trưng cho văn hóa thập niên 20 phóng khoáng, đầy biến động diễn ra sau dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, theo The Guardian.

Tuy nhiên, cuộc vui cũng có nhược điểm của nó.

Nhiều chủ doanh nghiệp hiện phải vật lộn để thuê nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của lượng khách hàng trở lại nhà hàng và quán bar. Ngoài ra, tình trạng gỗ xẻ, thịt gà và một số mặt hàng khác có nhu cầu lớn khan hiếm khiến vật giá leo thang, làm dấy lên lo ngại lạm phát ở xứ tỷ dân.

Chỉ số tiêu dùng cá nhân, một chỉ số lạm phát quan trọng, đã tăng lên 3,1% vào tháng 4 này so với cùng kỳ năm trước do áp lực giá cả.

Ấy vậy, giá cả tăng cao vẫn không làm giảm nhiệt huyết của người dân Mỹ đối với các sự kiện công cộng và chuyến du lịch xa.

Tại bang Tennessee, lễ hội âm nhạc Bonnaroo đã “cháy vé” trong thời gian kỷ lục. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở lễ hội Electric Daisy (Las Vegas, bang Nevada) và Rolling Loud (Miami, bang Florida), khi các nhạc sĩ, nghệ sĩ và vũ công trở lại lưu diễn sau một năm “nghỉ ngơi” ở quê nhà.

Nhà tổ chức lễ hội Astroworld ở Houston cho biết 100.000 vé của họ đã bán hết trong vòng 30 phút.

“Trong tháng 6, người hâm mộ đua nhau mua vé, khiến các sự kiện, lễ hội kín chỗ nhanh hơn bao giờ hết. Chúng tôi đang chứng kiến nhu cầu người mua tăng vọt và vượt quá bất kỳ thời điểm lịch sử nào khác”, Michael Rapino, Giám đốc điều hành công ty bán vé Live Nation, cho biết.

 Giá vé máy tăng cao, kéo theo tiền thuê ôtô cũng bị đội chi phí. Ảnh: Will Oliver/EPA-EFE.

Giá vé máy tăng cao, kéo theo tiền thuê ôtô cũng bị đội chi phí. Ảnh: Will Oliver/EPA-EFE.

Tình trạng kín chỗ, "cháy vé" không chỉ giới hạn trong lĩnh vực âm nhạc. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (thành phố New York) đã tăng gấp đôi lượng khách vào cuối tuần vừa qua.

Câu lạc bộ hài kịch Comedy Cellar nổi tiếng thành phố cũng thêm buổi diễn thứ 6 sau khi bán sạch vé của 5 buổi đầu tiên.

Dù nằm cách xa khu thành thị, công viên giải trí Busch Gardens ở Williamsburg (bang Virginia) bán được nhiều vé hơn so với cùng kỳ năm 2019, bất chấp một số hạn chế Covid-19.

Khách du lịch cũng sớm trở lại bờ biển Maine dù món tôm hùm cuộn New England trứ danh bị đội giá do thiếu nguồn cung, theo chia sẻ của người dân địa phương.

Đi cùng với xu hướng ăn chơi đón hè của người dân Mỹ là sự bùng nổ trong việc đặt phòng khách sạn và nhà cho thuê. Theo Vrbo, khách lưu trú lâu hơn bình thường, làm giảm số lượng phòng trống, khiến nhiều người thất vọng do chậm chân.

Theo CBS News đưa tin, nhu cầu cao về phương tiện đi lại khiến giá thuê tăng 30% so với năm 2019, trong đó giá thuê tại các điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng như Hawaii và Florida tăng 50%. Nguyên nhân dẫn đến việc đội giá này là do giá vé máy bay tăng cao, còn người Mỹ rất muốn nghỉ dưỡng xa nhà.

Không ai muốn đi làm

Sự bùng nổ hậu Covid-19 ở Mỹ cũng phải đối mặt với một số vấn đề khác. Nhiều công ty gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên - một điều kỳ lạ đối với những người từng trải qua thời kỳ suy thoái năm 2008.

Trên đài phát thanh, nhiều doanh nghiệp đăng quảng cáo kêu gọi mọi người nộp đơn xin việc, nhất là các nhà hàng và quán bar. Thậm chí, một số công ty còn thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn.

 Ngày chủ nhật cuối tháng 5 đông đúc tại sân chơi trẻ em ở bang Pennsylvania. Ảnh: Jason Farmer.

Ngày chủ nhật cuối tháng 5 đông đúc tại sân chơi trẻ em ở bang Pennsylvania. Ảnh: Jason Farmer.

Tháng 5, Uber thông báo sẽ trả 1.000 USD “tiền thưởng” cho những tài xế mới gia nhập nhằm đáp ứng nhu cầu taxi lớn tại các thành phố lớn. Amazon, công ty đặt mục tiêu tuyển dụng thêm 75.000 nhân công mới hậu Covid-19, cũng thưởng 1.000 USD ở một số bang.

Trong khi đó, một cơ sở McDonald’s ở Tampa (bang Florida) phát cho mỗi người 50 USD chỉ để tham gia phỏng vấn. Tuy nhiên, kết quả không mấy khả quan.

“Bởi dư dả tiền, mọi người có xu hướng đi tiêu xài hơn là làm việc. Trong khi đó, chúng tôi chật vật tìm kiếm sự giúp đỡ”, Blake Casper, chủ sở hữu thương hiệu McDonald’s, nói với Business Insider.

Không chỉ các thương hiệu lớn, mà cả các doanh nghiệp nhỏ lẻ cũng rơi vào tình trạng khó khăn tương tự. Phòng Thương mại Mỹ cho biết vào tháng 3, 8,1 triệu cơ hội việc làm vẫn còn trống ở xứ cờ hoa - một mức cao kỷ lục.

Theo khảo sát của cơ quan này đối với các cơ sở kinh doanh địa phương, “thiếu nhân công” được coi là nguyên nhân chính kìm hãm nền kinh tế. Hơn 83% doanh nghiệp cho biết họ khó tìm được lao động hơn 5 năm trước.

 Nghệ sĩ drag Twiggy Malone trình diễn tại một quán ăn ở thành phố New York - nơi đã dỡ quy định đeo khẩu trang cách đây 1 tháng. Ảnh: Alexi Rosenfeld/Getty Images.

Nghệ sĩ drag Twiggy Malone trình diễn tại một quán ăn ở thành phố New York - nơi đã dỡ quy định đeo khẩu trang cách đây 1 tháng. Ảnh: Alexi Rosenfeld/Getty Images.

Ngành du lịch và giải trí, dự kiến sẽ là sức hút chính của mùa hè Mỹ năm nay, bị ảnh hưởng nặng nề nhất do thiếu nhân công. Điều này có thể cản trở nỗ lực phục hồi nền kinh tế của xứ cờ hoa.

“Vì không có nhân viên, nhiều nhà hàng trên khắp đất nước không còn cung cấp dịch vụ ăn trưa hoặc đóng cửa 1-2 ngày trong tuần”, Neal Bradley, Giám đốc chính sách tại Phòng Thương mại Mỹ, chia sẻ với The Guardian.

Ông cũng cho biết “không có nguyên nhân nào là duy nhất” đối với thực trạng thiếu nhân công.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tuyển dụng của các doanh nghiệp, bao gồm thị thực tạm thời của một số lao động nhập cư bị gặp vấn đề do đại dịch, nhiều nhân viên không tìm được dịch vụ trông giữ con cái phù hợp hoặc mức trợ cấp của chính phủ đã đủ sống, khiến họ không quá “háo hức” tìm việc.

Đồng thời, mối đe dọa về sự hồi sinh của Covid-19 vẫn còn hiện hữu. Tuần vừa qua, bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về các bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, nói với Guardian rằng việc “tuyên bố chiến thắng quá sớm” là rất nguy hiểm, với hơn 1/3 số người Mỹ chưa được tiêm chủng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt mục tiêu 70% người Mỹ trưởng thành nhận được ít nhất 1 liều vaccine từ nay đến ngày Quốc khánh 4/7. Cho dù mục tiêu đó có đạt được hay không, hầu hết người dân đều tất bật chuẩn bị ăn mừng mùa hè một cách xả láng.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-my-ua-ra-duong-tieu-tien-sau-khi-tiem-vaccine-covid-19-post1224315.html